07/12/2024

ASEAN cần đoàn kết về vấn đề biển Đông

Trước tình hình Trung Quốc ngày càng leo thang các hành động gây hấn, việc các thành viên ASEAN thắt chặt đoàn kết, tìm tiếng nói chung càng trở nên cấp thiết.

 ASEAN cần đoàn kết về vấn đề biển Đông

Thực tế cho thấy sức mạnh toàn khối của ASEAN là điều khiến Trung Quốc phải dè chừng khi giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.

Sau nhiều năm theo đuổi tinh thần ngoại giao thận trọng và kiên nhẫn về vấn đề biển Đông, các thành viên ASEAN nhận thấy rằng cách duy nhất để đối phó bá mộng “đường lưỡi bò” và thái độ ngang ngược của Trung Quốc là phải hành động như một khối thống nhất. Trước nay, Bắc Kinh luôn tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp một cách kín đáo, theo “tinh thần Á Đông”. Nhưng đằng sau quan điểm có vẻ hoà bình này là những hành động gây chia rẽ khối đoàn kết ASEAN, tiếp cận riêng lẻ, song phương với từng thành viên của khối.

Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên có hành động đơn phương, thiếu kiềm chế, bất chấp Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký hồi năm 2002, như bắt giữ ngư dân, tàu thuyền của các nước ASEAN, gây sức ép với các công ty nước ngoài hoạt động tại biển Đông và gần đây nhất là cắt cáp của tàu Việt Nam. Còn chuyện Việt NamMalaysia đạt được thoả thuận chung trong hồ sơ đăng ký thềm lục địa vào tháng 5.2009 thì bị Bắc Kinh liệt vào hành động “câu kết”.

 

“Hợp thành một”

Phát biểu bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ) hồi tháng 9.2010, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III từng tuyên bố ASEAN sẽ “hợp thành một” nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. “Hy vọng chúng tôi sẽ không phải nghe cụm từ  “biển Nam Trung Hoa” với hàm ý đó là biển của Trung Quốc”, BBC dẫn lời ông Aquino III nói.

 

Trước tình hình Trung Quốc ngày càng leo thang các hành động gây hấn, việc các thành viên ASEAN thắt chặt đoàn kết, tìm tiếng nói chung càng trở nên cấp thiết. Tờ The Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm qua tuyên bố nước này đang thúc đẩy sự can dự lớn hơn của toàn khối ASEAN khi phản ứng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. “Chúng tôi muốn cùng chung tiếng nói trong chuyện này”, ông Gazmin nhấn mạnh. Sau sự kiện 2 tàu Trung Quốc quấy rối tàu nghiên cứu hải dương của Bộ Năng lượng Philippines hồi tháng 3, giới chức Manila khẳng định không thể hành động riêng lẻ nữa.

Thực tế cho thấy ASEAN đã đạt kết quả tốt khi cùng đồng lòng “nói chuyện” với Trung Quốc. Tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN 17 hồi tháng 7.2010 tại Hà Nội, ASEAN cùng thống nhất yêu cầu Trung Quốc phải công khai các yêu sách mập mờ lâu nay của mình. Từ đó, ASEAN đã thành công trong việc tạo làn sóng phản đối trên thế giới về những tuyên bố phi lý của Bắc Kinh, bác bỏ thông tin sai sự thật rằng “đường lưỡi bò” đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Hôm 19.5, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 5 ở Jakarta, Indonesia, đại diện các bên đạt tiếng nói chung mạnh mẽ về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có biển Đông. Các bộ trưởng đã ký vào tuyên bố chung, gây áp lực thúc đẩy việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), theo Jakarta Post. Tuyên bố cũng khẳng định quyền tự do đi lại trên mặt biển và vùng trời ở biển Đông là những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Jakarta Post dẫn lời nhà quan sát chính trị Riefqi Muna từ Viện Khoa học Indonesia nhận định tuyên bố này cho thấy ASEAN đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực an ninh.

Trong bài xã luận cuối tuần qua, tờ Bangkok Post nhận định những xáo trộn và bất ổn đang chực chờ ở biển Đông. Cần phải có những cái bắt tay xuyên biên giới mới tránh được xung đột lớn. Vì thế, các nước ASEAN cần tỉnh táo, luôn suy nghĩ và hành động như một khối thống nhất trước những động thái từ Trung Quốc.