Tàu cá Việt Nam bị bắn đuổi

Sáng 1-6, cả làng biển phường 6 (TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) bàng hoàng khi nghe tin một số tàu đánh cá của ngư dân địa phương bị tàu Trung Quốc bắn đuổi khi đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa

 Tàu cá Việt Nam bị bắn đuổi

Một nhóm tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên đánh bắt ở toạ độ 8056’23” vĩ Bắc, 112045’31” kinh Đông, cách đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 15 hải lý về phía Đông Nam đã bị tàu Trung Quốc bắn đạn uy hiếp.

Sáng 1-6, cả làng biển phường 6 (TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) bàng hoàng khi nghe tin một số tàu đánh cá của ngư dân địa phương bị tàu Trung Quốc bắn đuổi khi đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Đạn bay rất gần tàu của ngư dân

Thông tin tàu cá Phú Yên bị tàu Trung Quốc bắn đuổi được ông Lê Văn Giúp, 49 tuổi, thuyền trưởng tàu PY92305TS, điện đàm về báo cho thượng úy Nguyễn Ngọc Ry – đội phó đội kiểm soát biên phòng Đà Rằng (thuộc đồn biên phòng 352, bộ đội biên phòng Phú Yên) lúc 10g ngày 1-6. Qua bộ đàm, ông Giúp cho hay vài ngày trước, tàu ông và “tàu chú Mười” – tức anh Lê Văn Quang, 31 tuổi, ở phường 6, TP Tuy Hoà, em ruột ông Giúp – đang đánh bắt ở vùng biển có toạ độ nêu trên thì bất ngờ bị một tàu của Trung Quốc bắn nhiều phát đạn uy hiếp.

Không phải lần đầu

Việc tàu của ngư dân Lê Văn Giúp bị tàu Trung Quốc bắn đạn uy hiếp không phải là vụ đầu tiên mà các ngư dân Phú Yên gặp phải. Ngư dân Trần Văn Tàu, 42 tuổi, ở phường 6, TP Tuy Hoà, là thuyền trưởng tàu PY90531TS đánh bắt ở vùng biển phía nam, cũng từng gặp tình trạng này. “Cách đây khoảng bốn tuần, khi tàu tôi đánh bắt ở toạ độ trên thì bị một tàu nước ngoài không hề thông báo, bất ngờ bắn đạn xuống biển” – ông Tàu kể.

Trưa 1-6, chúng tôi gặp được anh Lê Văn Quang khi anh đang điều khiển tàu PY90217TS (do ông Lê Văn Chiến làm chủ) cập cảng cá Tuy Hoà sau hơn một tháng đánh bắt khơi xa. Nghe hỏi chuyện bị tàu Trung Quốc bắn uy hiếp, gương mặt anh Quang đầy vẻ lo lắng tức giận: “Tôi chứng kiến câu chuyện từ đầu tới cuối. Thật quá quắt, sao họ lại dùng vũ lực đối với những người dân đánh cá chúng tôi ngay trên vùng biển của Việt Nam?”.

Anh Quang kể khoảng 16g ngày 27-5, tàu anh và tàu ông Giúp cách nhau chưa đầy nửa hải lý đang cùng kéo câu. “Lúc bấy giờ ở khu vực này có ba chiếc tàu treo cờ Trung Quốc. Gần chúng tôi nhất là một chiếc tàu khổng lồ, phần lườn dưới sơn màu xám, bên trên sơn màu trắng, trước mũi tàu ghi rõ số 998, trên tàu đầy súng ống. Cách tàu này hơn 10 hải lý là hai tàu khác cũng của Trung Quốc nhưng nhỏ hơn. Khi tàu ông Giúp chạy ngang qua cách phần lái của tàu 998 khoảng 40m thì bất ngờ bị tàu này bắn đạn xuống biển hướng về phía tàu ông Giúp mà trước đó chúng tôi không nhận được tín hiệu gì của họ. Tôi nhìn thấy hai làn đạn đỏ lòm bay từ tàu xuống mặt biển, rất gần tàu ông Giúp. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh tàu đánh cá của mình bị nước ngoài uy hiếp bằng súng đạn như vậy” – anh Quang nhớ lại.

Anh Quang cũng cho biết cùng đánh bắt ở khu vực này có hai tàu khác của anh em bà con trong gia đình cùng ở phường 6 với tổng số lao động gần 40 người. May mắn là đạn của tàu Trung Quốc không làm ai bị thương.

Anh Quang nói: “Chúng tôi đánh bắt ở khu vực này nhiều năm nay rồi, biết rõ Trung Quốc chiếm đảo Châu Viên ở quần đảo Trường Sa của mình và tàu của họ cũng có mặt ở đó nên lâu nay đâu lại gần. Vậy mà không hiểu sao hôm đó tàu của họ lại có mặt gần đảo Đá Đông của mình như vậy và bắn đạn về phía chúng tôi”.

Anh Quang cho hay từ đầu năm đến nay, tàu Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở vùng này, ngoài tàu số hiệu 998 còn có tàu 570 khiến tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam rất lo lắng.

 

Một phần huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà) – Đồ hoạ: Vĩ Cường

Đề nghị có biện pháp can thiệp

Chiều 1-6, gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Long – vợ ông Lê Văn Giúp – cho biết mới điện đàm với ông hồi 16g cùng ngày và được biết tàu ông đã phải chuyển đi nơi khác câu cá ngừ đại dương, khoảng 3-4 ngày nữa sẽ về bến.

“Tôi thật sự lo lắng khi chồng đi biển xa mà bị tàu Trung Quốc ức hiếp như vậy. May mà đạn chỉ bắn xuống biển, chứ bắn lạc vào tàu chồng tôi thì không biết chuyện gì xảy ra. Tôi mong cấp trên đấu tranh làm sao để ngư dân Việt Nam yên tâm làm ăn trên vùng biển của đất nước mình” – bà nói.

Cũng trong chiều cùng ngày, đại tá Nguyễn Trọng Huyền – chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Phú Yên – cho biết đã xác định vị trí các tàu của ngư dân bị bắn đuổi thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cách đảo Đá Đông 15 hải lý về phía đông nam và cách đảo Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khoảng 15 hải lý về phía tây nam.

“Ngay sau khi có được thông tin trên và xác minh chính xác, bộ đội biên phòng Phú Yên đã gửi báo cáo khẩn cấp cho Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng và UBND tỉnh Phú Yên đề nghị báo cáo với Bộ Ngoại giao để có biện pháp can thiệp vụ việc này. Để đảm bảo an toàn cho tàu đánh cá cũng như của ngư dân, bộ đội biên phòng Phú Yên vẫn giữ liên lạc với các tàu cá bị tàu Trung Quốc bắn uy hiếp, đồng thời động viên ngư dân tiếp tục bám ngư trường truyền thống thuộc vùng biển chủ quyền của nước ta để làm ăn” – ông Huyền nói.