24/01/2025

Học đường chìm trong khói thuốc

Mặc dù các trường THPT, CĐ, ĐH đều có quy định cấm hút thuốc lá, nhưng biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh nên có nơi vẫn chìm trong khói thuốc

 Học đường chìm trong khói thuốc

Mặc dù các trường THPT, CĐ, ĐH đều có quy định cấm hút thuốc lá, nhưng biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh nên có nơi vẫn chìm trong khói thuốc.

Khói thuốc học đường

Trưa ngày 18.5, chúng tôi đến trường THPT Nguyễn An Ninh (đường Trần Nhân Tôn, Q.10, TP.HCM) đúng thời điểm tan trường. Trong tích tắc, các quán cà phê dọc chung cư Ngô Gia Tự (lô M) cạnh trường đã không còn một chỗ trống. Ở quán nước dưới dốc cầu thang lô M, gần chục nam sinh vừa bước vào, món  đầu tiên được các học sinh này gọi là… thuốc lá. Thuốc cháy đỏ rực, khói bay nghi ngút. Để tiết kiệm với túi tiền không lớn của học sinh, các nam sinh này còn chuyền nhau chung một điếu thuốc và thay nhau phì phèo .

Chủ quán cho biết, học sinh ở đây ngày nào cũng hút thuốc. Có khi mỗi ngày, chủ quán này bán vài chục gói thuốc, trong đó đối tượng mua chính là học sinh. Một nữ sinh của trường THPT Nguyễn An Ninh nói: “Ban đầu em thấy các bạn hút thuốc thì bỡ ngỡ, nhưng giờ nó trở nên bình thường vì đó là những hình ảnh ngày nào cũng diễn ra”.

 

Dưới 10 tuổi cũng hút thuốc!

Con số được đưa ra từ một điều tra của Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (VINACOSH) đáng giật mình. Theo đó, có một tỷ lệ rất cao các em học sinh dưới 10 tuổi đã từng thử hút thuốc (17,6% ở nam và 5,5% ở nữ). Đặc biệt, có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13 – 15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai.

 Một nghiên cứu rất đáng chú ý của bác sĩ Phan Thị Hải và tiến sĩ  Lý Ngọc Kính với đề tài “Điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá của sinh viên Y khoa, nghiên cứu tại Việt Nam” được thể hiện trên trang web của Văn phòng chương trình phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá khá cao trong sinh viên y khoa. Ở nam SV là 57,1%, hiện hút là 20,7%, ở nữ SV.

 

 Có mặt tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (đường  Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM) trước giờ vào học buổi chiều. Bên cạnh trường có một quán cà phê để vài chiếc bàn ghế. Khi chúng tôi đến nơi, ba nam sinh mặt non choẹt đã ngồi từ trước, đang ngồi uống trà đá và hút thuốc. Một nam sinh còn mặc áo trắng, đeo bảng tên là hút nhiều nhất. Mỗi điếu thuốc chỉ cách nhau chừng 5 phút. Ngồi được chừng 30 phút, tiếp tục có hai nam sinh đến nhập vào nhóm này và rất nhanh chóng đưa điếu thuốc lên môi.

Cấm nhưng vẫn hút

Quyết định số 1315/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Thủ tướng Chính phủ ngày 21.8.2009, nghiêm cấm hút thuốc lá từ 1.1.2010 tại lớp học, nhà trẻ… Tuy vậy, số lượng SV hút thuốc tại giảng đường vẫn còn tồn tại khá cao. Các trường đều có quy định cấm nhưng có lẽ biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe.

Tại các trường ĐH, CĐ, thường thì SV hút thuốc lá tập trung ở những căn-tin nằm ngay bên trong trường, nơi các trường cho tư nhân hoặc công ty đấu thầu, chưa chú ý nhiều đến việc hút thuốc của SV. Ngày 17.5, chúng tôi vào căn-tin trong trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Lúc này là thời điểm SV vừa ra khỏi tiết học. Hai SV vừa học xong đã tấp vào gọi một chai nước ngọt và rút ngay điếu thuốc đưa lên môi. Chân gác lên ghế, tai đeo dây phone nghe nhạc, SV rít thuốc cháy đỏ rực. Khoảng 10 phút sau, ba người bạn của hai SV này cũng ghé vào và rút gói thuốc để sẵn trên bàn để nhập nhóm phì phèo. Đáng lưu ý là tại căn-tin không hề có cả biển cấm hút thuốc, dù phạm vi vẫn nằm trong khuôn viên trường.

 Tại căn – tin của trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng không hề có biển cấm hút thuốc nào. Chúng tôi thấy rất nhiều đầu lọc thuốc lá vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Khi rời khỏi căn-tin, đi ngang qua sân bóng của trường, một SV đang ngồi bên ngoài chuẩn bị nhập đội đá bóng cũng ngang nhiên phì phèo điếu thuốc và vứt tàn thuốc lá ngay trong sân cỏ.

Tình trạng hút thuốc lá của SV trường ĐH Bách khoa đã từng gây bức xúc cho các SV khác, đến mức có hẳn một mục đăng tháng 6.2009 trên diễn đàn của SV trường. Một SV bức xúc: “Đi trong sân trường, không khó để chúng ta có thể thấy rất nhiều SV phì phèo điếu thuốc. Không chỉ hút thuốc trong sân trường mà thuốc lá còn len lỏi vào phòng tự học và các khu vực có đông người”. Một SV khác cũng cho biết: “Cái này em bức xúc lâu rồi. Cứ mỗi lúc nghỉ giữa giờ thì rất nhiều SV lấy thuốc ra hút. Đặc biệt là đa số hút ngay trong lớp. Giờ nghỉ nào em cũng phải ra hành lang đứng vì không chịu nổi khói thuốc”. Căn-tin C6 cũng bị phản ánh là có nhiều người hút thuốc, khiến SV xung quanh khó chịu. Những SV này đề nghị phải phạt thật nặng SV hút thuốc trong trường để làm gương.

Ý kiến

“Sinh viên, học sinh hút thuốc lá là một vấn đề nhức nhối. Về phía Sở cũng đã thực hiện nhiều hội thảo về bạo lực học đường, trong đó có những nội dung liên quan đến thuốc lá (tác hại, biện pháp ngăn chặn học sinh hút thuốc). Nhưng để góp phần đẩy lùi tình trạng này không chỉ riêng trách nhiệm của nhà trường mà nó cần phải có sự phối hợp từ ba phía nhà trường, gia đình và xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là học sinh muốn thể hiện cá tính, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu…”.

Ông Nguyễn Văn Gia Thụy 
Chuyên viên phòng Công tác Học sinh, SINH viên, Sở GD-ĐT TP.HCM

“Nhà trường không tài nào quản lý được các hàng quán khu vực xung quanh trường. Tôi nghĩ, cần phải có chế tài nghiêm khắc với việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, cần có những việc làm mạnh tay hơn của nhà nước thì mới đẩy lùi được việc hút thuốc trong học sinh”.

 Thầy Tống Phước Lộc 
Hiệu phó trường THPT Nguyễn An Ninh

“Tỷ lệ hút thuốc lá của người Việt tại tiểu bang San Francisco, Mỹ đang được giảm xuống đáng kể khi nơi đây có một chương trình kiểm tra thuốc lá tổng hợp. Quy định người mua phải trên 21 tuổi mới được bán thuốc lá. Chủ tiệm nào không thực hiện bị phạt rất nặng và việc này đã được thực hiện gần như triệt để”.

 Ông Ching Wong 
Giám đốc truyền thông chương trình “Sức khoẻ là vàng”, trường ĐH Y khoa California (San Francisco, Mỹ)