Nhận tội không “khớp” chứng cứ

Bất chấp bản án tử hình đối với bị cáo Mai vào thời điểm những năm đó đã có hiệu lực pháp luật, ông Tuân vẫn tự làm đơn gửi đi kêu oan cho người làm của mình

 Nhận tội không “khớp” chứng cứ

 

Câu chuyện bị cáo Lê Bá Mai được tuyên vô tội sau 2 lần “nhận tội trước toà” và lãnh án tử hình ở tỉnh Bình Phước tuần qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một lần nữa, vấn đề “thẩm tra chứng cứ” và tranh tụng công khai cần phải được chú trọng.

Tham gia tố tụng trong vụ án này chỉ với tư cách là người có liên quan, nhưng ông Dương Bá Tuân (ngụ TP.HCM), chủ trang trại nơi bị cáo Mai làm việc trước khi bị bắt, đã thể hiện rõ quyết tâm “tìm ra sự thật” vụ án ngay từ đầu. “Quá trình công an điều tra tôi phát hiện điều bất hợp lý là một số tang vật mà họ thu giữ như xe gắn máy màu đen, bình xịt màu xanh, thùng nước đá màu đỏ… không hề có trong trang trại. Tại phiên toà sơ thẩm, dù Mai nhận tội, nhưng tôi đã phân tích nhiều mâu thuẫn trong vụ án như tang vật bị tạo dựng, hiện trường có mẩu thuốc lá và hộp quẹt gas, nhưng bị cáo là người không hề hút thuốc”, ông Tuân kể lại.

 

Trong hơn 20 năm làm công tác xét xử, đây có lẽ là lần tuyên án khó nhất đối với tôi, vì các chứng cứ rất mâu thuẫn với nhau nên không thể kết luận bị cáo có tội

Thẩm phám Hoàng Thanh Dũng

 

 

Bất chấp bản án tử hình đối với bị cáo Mai vào thời điểm những năm đó đã có hiệu lực pháp luật, ông Tuân vẫn tự làm đơn gửi đi kêu oan cho người làm của mình.

Ông Tuân nhớ lại: “Có lúc, tôi tưởng chừng tuyệt vọng vì TAND tối cao trả lời không có cơ sở kháng nghị. Không nản chí, tôi vẫn gửi đơn đi nhiều nơi khác. Một trong những đơn thỉnh cầu đã được bà Nguyễn Thị Hoài Thu, lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội quan tâm và có văn bản chuyển cho Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao, phân tích mâu thuẫn của vụ án và đề nghị xem xét”.

Còn luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người Nghèo) thì cho biết: “Khi nghiên cứu hồ sơ tôi thấy có nhiều biên bản nhận tội của Mai. Nhưng nhìn tổng thể lời khai nhận của Mai không khớp với hồ sơ vụ án. Đặc biệt lời khai trước sau mâu thuẫn nhau, mâu thuẫn với nhân chứng, mâu thuẫn với hiện trường, giám định pháp y, vật chứng…”.

 

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước cho rằng vào ngày 12.11.2004, Lê Bá Mai đi rải phân trồng mì thì thấy em U. (SN 1993) và H. (SN 1995) đang mót củ đậu gần đó. Mai lấy xe máy rủ U. vào vườn mít đòi làm chuyện bậy bạ. Do U. không chịu và còn đòi mách với gia đình, nên Mai dùng tay chặt vào gáy khiến nạn nhân té bất tỉnh. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, Mai lấy quần của nạn nhân siết cổ cho đến chết.

 

Trao đổi với chúng tôi sau khi thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Mai vô tội, thẩm phán Hoàng Thanh Dũng, chủ toạ phiên toà sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Quan điểm của HĐXX là khi xét xử bất cứ vụ án nào cũng phải xem xét các chứng cứ một cách khách quan và toàn diện. Sở dĩ tuyên án như vậy vì các chứng cứ mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đưa ra rất mâu thuẫn với nhau, mà không thể giải thích một cách thấu đáo. Ví dụ như nhân chứng H. khai nhận “có một người thanh niên khi chở U. đi mặc chiếc áo màu xanh, sau lưng có hàng chữ trắng”. Trong khi đó, cũng theo lời nhân chứng H. thì sau lưng “người thanh niên” đó đeo bình xịt cỏ. Nếu đã đeo bình xịt cỏ sau lưng thì sao thấy được hàng chữ sau lưng áo được”.

Thẩm phán Dũng nói thêm: “Trong hơn 20 năm làm công tác xét xử, đây có lẽ là lần tuyên án khó nhất đối với tôi, vì các chứng cứ rất mâu thuẫn với nhau nên không thể kết luận bị cáo có tội. Nếu trong 15 ngày, một trong hai bên là Viện KSND tỉnh Bình Phước không kháng nghị và gia đình của người bị hại không kháng cáo thì lúc đó bị cáo Mai hoàn toàn được vô tội”.