Thế giới tăng cường an ninh hàng hải

Nhiều nước khẳng định đang tăng cường khí tài và nhân lực để đối phó các nguy cơ an ninh và bảo vệ lợi ích kinh tế trên biển

 Thế giới tăng cường an ninh hàng hải

Nhiều nước khẳng định đang tăng cường khí tài và nhân lực để đối phó các nguy cơ an ninh và bảo vệ lợi ích kinh tế trên biển.

Cuộc hội thảo quốc tế hôm 19.5 tại Singapore với chủ đề “Biển an toàn cho tất cả, bởi tất cả” có sự hiện diện của các chuyên gia cùng các tướng lĩnh cao cấp của lực lượng hải quân 45 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu. Họ đã trả lời “Không” cho câu hỏi liệu xu hướng tăng cường khí tài quân sự mà nhiều nước đang theo đuổi có là một nguy cơ cho hoà bình và ổn định của thế giới.

Đô đốc Patrick Walsh, Chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, khẳng định đó là nhu cầu chính đáng và cũng là cơ sở để các quốc gia hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Ông Walsh chỉ ra 3 mức độ hợp tác, đối tác. Đó là hợp tác chống sự tấn công vào một quốc gia khác; hợp tác chống lại các nguy cơ xuyên quốc gia như cướp biển, và hợp tác đối phó với các thảm họa thiên nhiên.

Ông Walsh cũng khẳng định Mỹ muốn góp phần đảm bảo an ninh và sự thông suốt của các tuyến hải hành quốc tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hải quân Mỹ “không cho phép mình xâm phạm” những khu vực thuộc chủ quyền các quốc gia mà không có sự đồng thuận của “chủ nhà”, và “tránh tạo ra mâu thuẫn” trong vùng họ xuất hiện.

Vấn đề hợp tác đòi hỏi trên hết là sự chia sẻ thông tin và tôn trọng công pháp quốc tế, theo tinh thần của hội thảo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định việc chia sẻ thông tin còn gặp nhiều cản trở bởi một số quốc gia chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin và minh bạch hoá các hoạt động quân sự, khí tài của mình.

Về khía cạnh pháp lý, giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc ĐH Quốc gia Singapore, khẳng định thế giới hiện có đầy đủ văn bản pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ trên biển và trong khuôn khổ hợp tác hàng hải. Đặc biệt, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, theo ông Beckman, là “hiến pháp quốc tế” trong lĩnh vực này. “UNCLOS đã trải qua 9 năm thương thảo trước khi được thông qua năm 1982, và chính thức có hiệu lực năm 1994. Đến nay, công ước được chấp nhận rộng rãi. Vì thế, mọi quốc gia cần điều chỉnh hành động và chính sách phù hợp với UNCLOS”, giáo sư Beckman nói.

Trung Quốc cũng cử đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh lực lượng hải quân, tham dự hội thảo. Ông Ngô có bài phát biểu và trả lời khá dài với chủ ý thuyết phục cử tọa rằng Trung Quốc thân thiện, minh bạch và luôn hướng tới hợp tác, hòa bình với các nước trên thế giới.

Chiến hạm tề tựu

Cuộc hội thảo hôm 19.5 nằm trong khuôn khổ Hội nghị và triển lãm hàng hải châu Á (IMDEX Asia) tại Singapore, diễn ra 2 năm/lần. IMDEX Asia 2011 kéo dài từ 18-20.5, gồm cả hội thảo bàn về công nghệ và kỹ thuật hàng hải với sự tham gia của hơn 200 nhà quân sự, nghiên cứu và chế tạo hàng đầu thế giới.

Bên ngoài phòng hội thảo là nơi trình làng các thiết bị phòng vệ biển mới nhất từ hơn 150 nhà sản xuất khắp thế giới. Năm nay, IMDEX Asia gây ấn tượng với những thiết bị không người điều khiển trên không lẫn dưới nước. Nước chủ nhà Singapore cũng góp một số thiết bị tự động đáng chú ý như máy bay do thám không người lái Skyblade IV do cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng và Tập đoàn ST Aerospace phối hợp sản xuất. Skyblade IV có thể bay đến 100 km trong vòng 12 giờ và dự kiến được đưa vào bay thử cuối năm nay.

Đây là cơ hội để các bên có dịp tham quan, tìm hiểu và thương thảo đặt hàng với nhà sản xuất. Tuy nhiên, thông thường các hợp đồng mua – bán không được quyết định tại đây. 20 tàu chiến các nước cũng tề tựu về Căn cứ hải quân Changi của Singapore. USS McCampbell (Mỹ), HMS Richmond (Anh), FNS Mistral (Pháp), HMAS Ballarat (Úc), ROKS Choi Young (Hàn Quốc), INS Delhi và INS Kirch (Ấn Độ), Đô đốc Panteleyev (Nga)… là những chiến hạm gây ấn tượng lớn.