22/12/2024

Tinh thần nghèo khó

Hành khất Kitô được mời gọi sống triệt để “tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3) theo gương Đức Giêsu: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày của mình và theo tôi” (Mt 16,24).

TINH THẦN NGHÈO KHÓ

 

Hành khất Kitô được mời gọi sống triệt để “tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3) theo gương Đức Giêsu: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày của mình và theo tôi” (Mt 16,24). Hoặc “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Vậy từ bỏ và tinh thần nghèo khó được hiểu thật sự như thế nào trong hoàn cảnh và thời đại hiện nay?

* Trong mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội Kitô, người ta hiểu từ bỏ là cắt đứt mọi liên hệ với con người và vật chất để hoàn toàn hiến thân cho Chúa, theo kiểu thánh Antôn, thánh Phaolô ẩn tu ở nơi rừng núi sa mạc vắng vẻ, ăn uống kham khổ, lao động cật lực, không học hành và dồn tâm trí vào việc cầu nguyện: nghèo cả vật chất lẫn tinh thần.

* Từ thế kỷ XIII trở đi, người ta cổ vũ nghèo vật chất nhưng giàu tinh thần. Các tu sĩ dòng hành khất dù ban ngày đi xin ăn, nhưng ban tối về học hành nghiên cứu, cầu nguyện. Họ trở thành những nhà trí thức và giáo sư trong các đại học mới mở ở châu Âu.

* Sự từ bỏ của các môn đệ ở Mc 1,14-20 để nhắc nhở cho con người về một thái độ nội tâm hoàn toàn tự do trước mọi mối quan hệ với con người và vạn vật quanh mình (x. 1Cr 7,29-31), chứ không phải là chối bỏ giá trị của chúng.

* Sự nghèo khó và từ bỏ của Đức Giêsu không nhằm vào những cái ta đang sở hữu nhưng Người muốn chúng ta nâng cao giá trị cho chính sự hiện hữu của mình. Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta: “Giá trị con người hệ tại ở cái họ “là” chứ không phải ở cái họ “có” (x. Hiến chế Gaudium et Spes, số 35).

* Về mặt hiện hữu ta hiểu rằng mình chỉ là một thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nhận ra sự nghèo khó về mặt hiện hữu này, ta mới biết từ bỏ chính mình và những cái tưởng là của mình để gắn chặt đời mình vào Thiên Chúa, lúc đó ta sẽ đón nhận được sức sống vô biên, quyền năng vô hạn, sự giàu có vô song của Ngài chuyển vào trong ta để trở thành người giàu có thật sự. Lúc đó ta như thánh Phêrô nói với người ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ Giêrusalem: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi”. Tức khắc người hành khất kia được chữa lành.

* Người hành khất Kitô, trên con đường theo Đức Giêsu, nên mang hành trang gọn nhẹ để tập trung sức lực cho hoạt động cứu độ, để có thể đi thật xa với Người trong tinh thần nghèo khó “Khi đi đường các con đừng mang theo hai áo, giày dép, bao bị…” (x. Mt 10,9-11; Mc 6,8-11…). Nhưng hành trang này là chính Đức Giêsu với tất cả sự giàu sang và quyền năng của Người.

Vì thế, tinh thần nghèo khó tập trung vào sự hiện hữu cần phải được hiểu đúng trước những đòi hỏi vật chất của xã hội hôm nay.