Thái Lan – “góc tối” trên đường công nghiệp hoá: Nước mắt trên đập thuỷ điện

Đập thuỷ điện Pak Moon sản xuất lượng điện chưa đủ cung cấp cho ba trung tâm mua sắm Siam Paragon, MBK và Central World tại thủ đô Bangkok, nhưng đã làm 1.700 gia đình phải di dời, hơn 6.200 gia đình mất sinh kế, hơn 20.000 người bị tổn thất thu nhập và thiệt hại, 116 loài cá, 40 loài thực vật ăn được, 10 loài măng tre, 45 giống nấm bị biến mất, sản lượng cá giảm đến 80%.

Thái Lan – “góc tối” trên đường công nghiệp hoá:  Nước mắt trên đập thuỷ điện

Đập thuỷ điện Pak Moon sản xuất lượng điện chưa đủ cung cấp cho ba trung tâm mua sắm Siam Paragon, MBK và Central World tại thủ đô Bangkok, nhưng đã làm 1.700 gia đình phải di dời, hơn 6.200 gia đình mất sinh kế, hơn 20.000 người bị tổn thất thu nhập và thiệt hại, 116 loài cá, 40 loài thực vật ăn được, 10 loài măng tre, 45 giống nấm bị biến mất, sản lượng cá giảm đến 80%.

Con đập này là một trong tám bài học thất bại của thuỷ điện toàn cầu được Hội đồng Đập thuỷ điện thế giới nêu tên.

Tan tác làng chài

Mặt trời chưa tỏ, chúng tôi ngồi trên xe tải với một người dân ở Pak Moon, tỉnh Ubon Ratchathani, miền đông bắc Thái Lan, đi chợ mua cá về bán, đó là sự thật trớ trêu ở một làng chài. Tháng 7 là mùa cá đang về và cửa đập phải được mở theo cam kết của chính phủ nhưng không hiểu sao vẫn đóng chặt, bất chấp sự nóng ruột của ngư dân.

Người dân cho biết đã quá kiệt quệ về tài chính và mệt mỏi vì phải đi kiện suốt nhiều năm qua về con đập “bất nhơn” đã làm họ tha phương cầu thực, làm thuê mướn khắp nơi trên đất nước.

Con đập Pak Moon được giới học thuật cho rằng hội đủ các yếu tố của một công trình “khuyết tật”. Đó là: (1) không có sự tham gia của người dân bị ảnh hưởng vào quá trình quyết định dự án, (2) thiếu sót trong đánh giá tác động môi trường, (3) thông tin sai của chính phủ, (4) có tính “chính trị” và sự tham gia của quân đội vào quá trình xây dựng, (5) thiếu sự giám sát của Ngân hàng Thế giới, (6) phương án giảm thiểu tác hại không hiệu quả, và (7) sự suy giảm toàn bộ hệ sinh thái của con sông nuôi sống hàng ngàn người dân diễn ra quá trầm trọng.

Năm 1994 sau khi đập Pak Moon hoàn tất, ngư dân làng chài kinh ngạc khi phát hiện cá như đã biến mất khỏi dòng sông. Con đập đã chặn đứng đường di cư của luồng cá từ sông Mekong vào sông Pak Moon và làm ngập những vị trí sinh sản đắc địa của chúng. Một lối thoát cho cá được xây dựng với mục đích giúp luồng cá vượt qua bức tường của đập thuỷ điện hoàn toàn bị phá sản.

Giai đoạn năm 1990-1997 là thời điểm đập thuỷ điện Pak Moon bị phản đối quyết liệt. Hơn 2.500 hộ dân làng chài nhiều lần tụ tập đòi được giải quyết sinh kế. Biểu tình chống lại đập Pak Moon là một trong những cuộc biểu tình tái đi tái lại thuộc dạng lâu nhất trên thế giới.

Các nghiên cứu đã kết luận một sự thật khó chịu với Chính phủ Thái Lan: “Đập Pak Moon lẽ ra không nên được xây dựng” và khuyến cáo dòng sông phải được chảy tự do. Tuy nhiên, bất chấp sự giận dữ của người dân, tại thời điểm bài viết hoàn thành đập Pak Moon vẫn còn trơ trơ.

Người dân Pak Moon đã dựng một ngôi nhà đơn sơ gọi là Hợp tác xã Pak Moon, trưng bày hình ảnh về một cuộc sống giàu có trước đây để tố cáo với mọi người về sự mất mát.

Từng có thời điểm vào tháng 6-2001, trước áp lực của người dân, Chính phủ Thái đồng ý xả cửa thuỷ điện Pak Moon và cho tiến hành các cuộc điều tra về tác động xã hội của con đập, số lượng đàn cá và sự phục hồi của hệ sinh thái. Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Ubon Ratchathani đã đề nghị chính phủ mở cửa đập thuỷ điện Pak Moon trong năm năm liên tục nhưng đề nghị này bị từ chối. Nhà chức trách quyết định đóng cửa đập tám tháng mỗi năm. Tháng 11-2002 đập Pak Moon đóng cửa trở lại, châm ngòi một cuộc biểu tình chỉ một tháng sau đó.

Nước mắt người dân

Ở tỉnh Phrae, miền bắc Thái Lan, dân địa phương đã thành công trong việc cản trở việc triển khai dự án đập thuỷ điện, sau chuyển thành đập thuỷ lợi Kang Sua Teng suốt 20 năm qua. Giới chức trung ương và địa phương vẫn luôn khẳng định cần phải xây dựng đập này, lần gần đây nhất là vào tháng 9-2010 bởi Phó thủ tướng Sanan Kachornprasart.

Một người dân địa phương cho biết: “20 năm trước chúng tôi chỉ biết thuỷ điện là tốt đẹp. Những người bán dạo đến làng mua gạo, mua cá đã làm chúng tôi sáng mắt. Họ nói mình là người bị di dời bởi đập thuỷ điện Sirikit (xây dựng năm 1973), con đập mang tên hoàng hậu Thái Lan ở tỉnh Uttaradit, một vùng đất giàu có, sản vật, cá tôm dồi dào. Từ khi đập thuỷ điện Sirikit được xây dựng, nhiều người dân phải tha hương”.

Trong thời gian ở Thái Lan, tôi nghe kể đập Pa Sak, tỉnh Lopburi, một đập thuỷ điện có ý nghĩa chiến lược trong việc điều tiết nước, giải quyết tình trạng thiếu nước ở vùng Bangkok là con đập có số tiền đền bù cao kỷ lục trong lịch sử Thái Lan. Vào những năm 1980, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã không đồng tình, thậm chí đã biểu tình phản đối dự án. Hơn 10 năm liền dự án bị trì trệ và không thể triển khai.

Ngày nay, khi tìm kiếm cụm từ “Pa Sak Dam” trên Internet, người ta sẽ đọc được những thông tin màu hồng tươi đẹp. Nhiều bài báo còn giới thiệu hồ chứa Pa Sak là một điểm tham quan điển hình của tỉnh Saraburi. Nhưng phải ở Thái Lan mới hiểu những điều không nói nên lời của những người phải ra đi.

Do người Thái phản đối rất mạnh mẽ các dự án thuỷ điện xây dựng trong nước, Tổng công ty Điện lực Thái Lan đã tìm đến các nước láng giềng.

Mâu thuẫn và quan ngại quốc tế đã nảy sinh từ đây khi Lào trở thành cục pin được các nước khát điện như Trung Quốc và Thái Lan nhắm vào. Ít nhất bốn dự án thuỷ điện khác đang được triển khai tại Lào bởi các nhà đầu tư Thái Lan. Ngoài ra, Thái Lan còn quan tâm xây dựng nhiều dự án thuỷ điện trên các nhánh của sông Mekong và phát triển điện than ở Lào, với ít nhất một nhà máy điện than ở tỉnh Hong Sa, láng giềng của tỉnh Nan ở miền bắc Thái Lan. Họ cũng ngỏ ý muốn xây đập thuỷ điện ở Myanmar trên các con sông Salween và sông Mekong. Người dân Thái đang lo ngại một khi các dự án được triển khai ở ngoài Thái Lan với các chuẩn mực thấp hơn, người dân nước sở tại sẽ phải hứng chịu những gì người Thái trải qua cách đây 20 năm…