Sân ga chiều–=–Sự yêu thương chân thành, sự quan tâm đúng mực mà R. may mắn nhận được từ khi rời xa gia đình đã đánh thức lòng vị tha lẫn những tình cảm tích cực ở cậu bé

Sân ga chiều

Ký sự sau được cộng tác viên Tuổi Trẻ gửi về từ nước Pháp, cho thấy một điều đã được khẳng định từ lâu rằng trẻ em như tờ giấy trắng, quan trọng là xã hội muốn “ghi” và biết cách “ghi” điều gì lên đó.

Sự yêu thương chân thành, sự quan tâm đúng mực mà R. may mắn nhận được từ khi rời xa gia đình đã đánh thức lòng vị tha lẫn những tình cảm tích cực ở cậu bé

Cuối năm, nhận thư của trung tâm giáo dưỡng trẻ, thầm phục sự nhanh nhẹn và chuyên nghiệp của họ. Chỉ mới thoả thuận qua điện thoại với tôi hôm trước, hôm sau thư mời đã đến. Họ cần một thông dịch viên được toà án công nhận chính thức để hỗ trợ trong buổi trao đổi với phụ huynh về việc định hướng tương lai của trẻ ở trung tâm. Cầm tấm vé xe lửa thấy giờ về là buổi chiều, lòng không vui lắm. Tôi vốn ghét nhà ga buổi chiều. Cái màu chiều muộn ở sân ga luôn mang tới một nỗi buồn khó tả, một thứ buồn rất chi ray rứt…

Tôi đến Saint G. vào buổi trưa. Saint G. cách nhà tôi non 100km, là trung tâm xã hội nuôi dạy trẻ “tiền vị thành niên”, con những gia đình cha mẹ gặp khó khăn và trẻ em phạm pháp. Buổi làm việc này là dịp để trung tâm sơ kết bốn tháng ở nơi cư trú mới của R., 12 tuổi, cháu bé trong câu chuyện của tôi. Người đứng đầu trung tâm thông báo, đưa ra nhận xét chung về sinh hoạt của cháu, lắng nghe nguyện vọng của R., cũng như muốn nghe mẹ R. cho ý kiến về hướng học tập sắp tới của cháu.

Như những người Việt khác, mẹ R. mong cháu được tiếp tục học văn hoá, đừng phải học nghề sớm. Đó cũng là nguyện vọng của R., cháu muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ của chương trình trợ giúp xã hội này nên chưa về ngay với gia đình, dù có lần mẹ cháu muốn đón con về. Năm sau, ở lần họp bàn và tổng kết để xem xét lại hằng năm theo luật định, có lẽ R. sẽ có những định hướng mới về tương lai của mình cụ thể hơn.

Sau buổi làm việc, R. dẫn mẹ đi thăm phòng của mình trong trung tâm, rồi đưa mẹ và tôi đi uống cà phê. Tôi nói với R.: “Con đừng bỏ tiếng Việt nhé, cố gắng nói với nẹ hay mấy anh của con, nói đến khi con lớn luôn nhé. Lúc ấy dù con mang quốc tịch gì, khi có dịp về lại quê hương con sẽ thấy vui hơn, tự tin hơn, sẽ ít lạc lõng hơn”. Kỳ cục là tôi nói với thằng bé bằng tiếng Pháp, bởi tôi muốn chắc rằng cháu sẽ hiểu rõ ý tôi. Tôi sợ vốn tiếng Việt ít ỏi còn sót lại của cháu sẽ là một trở ngại trong câu chuyện của chúng tôi.

Năm năm trước, R. được đưa đến sống với một gia đình người Pháp, một kiểu “tổ ấm xã hội” theo chương trình của Chính phủ Pháp dành cho trẻ thuộc gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn. Ngày rời khỏi vòng tay người mẹ đang đau nặng, cha bỏ đi theo người đàn bà khác để lại những món nợ bài bạc ngập đầu, R. đã nói một câu già hơn so với đứa trẻ lên bảy: “Má măng (maman) ráng trị bệnh cho khỏi đi, con không sao đâu, con sẽ ráng học, làm cảnh sát, con đi bắt ba cho!”.

Năm năm sau, đứa trẻ sớm rời vòng tay ấp ủ của mẹ, mang theo nỗi oán hận người cha vô trách nhiệm đã thành một người khác: nhỏ nhẹ, ân cần, biết quan tâm chia sẻ và thương mẹ vô cùng. Ngoài các lần được về thăm nhà theo định kỳ, R. còn nài nỉ được phép thường xuyên trở lại thăm gia đình “tổ ấm xã hội” đã đón cháu đến ở trong những ngày đầu xa mẹ. Cháu tỏ ra rất hài lòng với cuộc sống mới ở trung tâm. Ánh mắt lấp lánh vui lẫn tự hào, R. kể rằng cháu làm vài món ăn Việt đãi bạn và thầy cô trong trung tâm và được khen ngợi.

Còn chị L., mẹ cháu, 20 năm sống ở xứ này vẫn chỉ bập bẹ vài câu tiếng Pháp. Nhập cư theo diện di dân, chị gặp gỡ và kết hôn cùng một người Việt đồng cảnh ngộ. Cuộc sống trên mảnh đất mới dường như chẳng dễ dàng gì. Nhìn ánh mắt cầu cứu của R. thỉnh thoảng hướng về phía tôi trong buổi làm việc khi mẹ và cháu không thể hiểu nhau dù họ đã cố gắng bằng mọi vốn từ trong thứ ngôn ngữ hỗn hợp nửa Pháp, nửa Việt (hình như quen thuộc của họ), tôi biết R. đã có một nỗ lực không ngừng để đừng quên tiếng Việt, sợi dây nối quan hệ mẫu tử từ xa, kể từ khi R. không sống với mẹ nữa.

Đây là lần đầu chị L. đến trung tâm, thăm con một lần trước khi cùng người chồng mới sắp cưới về thăm lại quê hương. Chị sẽ trở lại Pháp trước khi mùa hè đến, để kịp chuẩn bị cho một mùa hái trái cây thuê nhọc nhằn – cái nghề đã nuôi sống chị và bốn đứa con thiếu cha từ rất nhiều năm qua.

Ngày mai, chị sẽ cùng anh vượt hơn 10.000km để về lại Việt Nam, lần đầu sau 20 năm, để được nhìn mặt người mẹ đã bỏ rơi mình từ khi mới lọt lòng. Sau ngày mai, lần đầu tiên trong đời chị biết mặt người ban cho mình cuộc sống. Chị bảo với tôi: “Thật ra tui nghèo lắm, nhưng có vay mượn thì cũng quyết về xứ một lần, tui mong được biết mặt mẹ tui rồi chết cũng đành!”.

Trên đường về, xuống tàu, vào sân ga nhìn mọi người rời công sở cuối ngày hối hả lên tàu về với gia đình, tôi có cảm giác dòng người hôm nay như đông đúc hơn và nhộn nhịp hơn. Màu chiều ở đây không làm tôi buồn như mọi khi. Hình như sân ga về tối cũng có lần không ray rứt buồn.

Toulouse, ngày 5-1-2011

Nhà trẻ xã hội – cách gọi khác của trung tâm giáo dưỡng – là cơ quan địa phương tiếp nhận trẻ em, trẻ vị thành niên gặp khó khăn hay bị nguy hiểm về mặt tinh thần cần được đưa ra khỏi gia đình, cách ly khỏi cha mẹ nhằm tránh cho trẻ gặp những nguy hiểm phát sinh từ việc thiếu sót bổn phận nuôi dạy do cuộc sống khó khăn.

Trẻ có thể được đưa vào trung tâm giáo dưỡng trong các trường hợp sau:

a) Khi có thư yêu cầu hay văn bản đồng ý của cha mẹ.

b) Theo phán quyết của toà án từ thỉnh cầu của chương trình trợ giúp xã hội dành cho trẻ khi phát hiện trẻ gặp nguy hiểm trong môi trường gia đình.

c) Theo phán quyết của toà sau một vụ án.

Trung tâm giáo dưỡng có nhiệm vụ giáo dục thể chất và tâm lý theo hướng chuẩn bị cho trẻ quay lại sống trong môi trường gia đình hoặc trang bị khả năng tự lập cao nhất có thể. Trẻ được đồng hành trong mọi sinh hoạt đời thường như đến trường và các hoạt động ngoại khoá khác, cũng như được về thăm nhà theo thoả thuận. Trẻ cũng được tiếp xúc định kỳ với bác sĩ tâm lý.