Ký ức về những người thầy: Nhớ mùa đông năm ấy –=–Nhà nghèo nên chỉ có độc nhất một chiếc áo mưa cánh dơi của năm trước còn lại ba tôi quàng đi bán củi thật sớm. Mẹ tôi lục soạn trong nhà may ra tìm được cái gì che tạm cho con đến trường và rồi điều may ra ấy đã xuất hiện.

Ký ức về những người thầy

Nhớ mùa đông năm ấy

Mùa đông năm 1987, lúc ấy tôi đang học lớp 6 trường làng còn anh tôi học ở Trường phổ thông trung học Thăng Bình 1 (nay là Trường THPT Tiểu La, Quảng Nam). Mùa đông đến sớm, gia đình tôi chưa kịp chuẩn bị gì để phòng khi mưa gió.

Nhà nghèo nên chỉ có độc nhất một chiếc áo mưa cánh dơi của năm trước còn lại ba tôi quàng đi bán củi thật sớm. Mẹ tôi lục soạn trong nhà may ra tìm được cái gì che tạm cho con đến trường và rồi điều may ra ấy đã xuất hiện. Một chiếc bao nilông (phần trong của bao phân urê) được mẹ lót trong chum đựng khoai vẫn còn nguyên vẹn. Mẹ tôi lôi ra giũ sạch bụi rồi lật phần đáy lên khoét một lỗ tròn vừa lọt đầu người. Một chiếc áo mưa! Lúc đầu anh tôi không chịu mặc, nhưng mẹ thuyết phục mãi, cuối cùng anh cũng chui vào, đầu đội chiếc nón lá đi đến trường. Cả nhà tôi nhìn theo lòng đầy cảm động!

Khi anh tôi đi bộ xuống đến Trường Thăng Bình 1 thì đã qua thời gian của tiết học đầu gần 20 phút. Dù người ướt hết nửa bên dưới (vì áo mưa ngắn) nhưng anh tôi vẫn xin phép cô vào lớp. Cô Nguyễn Thị Thu Trang, vừa là giáo viên dạy toán vừa chủ nhiệm lớp anh tôi, chừng như đã cảm được cái sự trễ là do thời tiết, phần vì anh tôi học giỏi nên được cô châm chước bỏ qua.

Anh tôi học giỏi toán, lại gặp cô chủ nhiệm dạy môn toán nên tình cô trò càng trở nên thân mật. Cô thường dẫn học trò đến nhà tôi chơi, ban đầu gia đình tôi cũng mặc cảm với sự nghèo, nhưng chính sự thân mật của cô Trang, của học sinh lớp 10B đã xua tan ý nghĩ đó.

Ba năm trung học trôi qua thật nhanh, anh tôi thi đỗ thủ khoa đại học sư phạm, được đi du học ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Chúng tôi lại bách bộ trên con đường đến trường. Tôi trở thành người lớn nhờ những câu giáo huấn về đạo làm người của các thầy cô giáo dạy văn như thầy Võ Ngọc Dũng, Trịnh Minh Hương, thầy Luận, cô Mai Thị Nguyệt… Trở nên cứng cáp, rắn rỏi sau những giờ học các môn tự nhiên.

Bao mùa đông nữa trôi qua, tôi và anh tôi vào đại học, em trai tôi lại tiếp bước đến Trường THPT Tiểu La. Những lần về thăm trường cũ tôi thường đảo mắt quan sát những cậu học trò nghèo, những cái nhìn bẽn lẽn của cô cậu nhà quê. Tìm lại bóng dáng của chiếc áo mưa tự chế như anh tôi thường mặc nhưng chẳng thấy đâu.

Đất nước đã đổi thay, những chiếc xe đạp quanh năm tuột sên cũng chẳng còn. Những em học sinh thuộc dạng nghèo nhất cũng quần xanh áo trắng, áo dài đến trường. Và có lẽ cũng chẳng em nào sáng đi học bụng đói, tối học bài với chiếc đèn dầu hụt tim. Đấy là điều đáng mừng! Gia đình tôi cũng qua rồi cái sự nghèo nhờ những đứa con có việc làm ổn định.

Sau 10 năm du học ở Nga, anh tôi đỗ tiến sĩ về lĩnh vực toán học. Ở tuổi 30, anh tôi trở thành tiến sĩ trẻ nhất Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ. Hiện là giảng viên một trường đại học ở TP.HCM. Mới đây, bài giảng về đại số tuyến tính của anh được trường đại học lần đầu tiên đưa lên mạng cho hàng vạn sinh viên truy cập. Người anh kế cũng làm trong cơ quan nhà nước. Thiết nghĩ đó là một sự bù đắp cho ý chí vươn lên và cũng là một sự trả nghĩa cho những thầy cô giáo tận tâm tận lực, thương yêu học trò.

Xin mượn câu nói của Pestalozzi để kết lại bài viết này: “Giáo dục như ánh thái dương rọi chiếu đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo”.