Tiếp tục chống chọi với lũ

Nước lũ vẫn đang tiếp tục “bao vây” nhiều khu vực ở Quảng Ngãi, riêng tại huyện Bình Sơn, núi lở đang đe doạ hàng trăm người ở khu tái định cư Giếng Hố. Tại Thừa Thiên – Huế, bốn người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập…

Tiếp tục chống chọi với lũ

Nước lũ vẫn đang tiếp tục “bao vây” nhiều khu vực ở Quảng Ngãi, riêng tại huyện Bình Sơn, núi lở đang đe doạ hàng trăm người ở khu tái định cư Giếng Hố. Tại Thừa Thiên – Huế, bốn người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập…

Mối nguy núi lở

Ngày 17-11, tin từ UBND xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết mưa lớn kéo dài kèm theo nước từ trên núi cao trút xuống nên hàng ngàn mét khối đất đá trên đồi Ông Thuộc, thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị đã đổ ập xuống khu tái định cư Giếng Hố đe doạ tính mạng và tài sản của 44 hộ dân với 164 nhân khẩu.

Nếu mưa tiếp tục kéo dài thì khu tái định cư này tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Được biết khu tái định cư Giếng Hố là khu tái định cư được xây dựng để tái định cư cho những hộ dân xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Bình Sơn: lũ chồng lũ

Trước đó rạng sáng 16-11, lũ từ thượng nguồn bất ngờ ập về nhấm chìm cả huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Nước trên các sông nhanh chóng vượt qua mức báo động 3. Các tuyến đường từ huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh về các xã phía đông của huyện này nhanh chóng bị cô lập khi nước lũ ngập sâu đến 1m. Nước chảy xiết cuốn trôi nhiều đoạn đường khiến cho việc lưu thông bị ách tắc hoàn toàn.

Ngay từ sáng sớm, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động lực lượng công an, quân đội về các địa phương để di dời người dân tại các vùng xung yếu. Con đường từ QL1A về các xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) chỉ trong tích tắc đã bị nước nhấm chìm. Càng về trưa nước từ thượng nguồn sông Trà Bồng đổ về mạnh ngập trắng cả một vùng rộng lớn, nước chảy xiết khiến việc di chuyển ghe thuyền gặp vô vàn khó khăn.

Tại xã Bình Trung, nhiều người dân còn chưa hết bàng hoàng khi chỉ sau một đêm nhà cửa lại ngập lai láng. Trong hơn một tiếng đồng hồ, 30 hộ dân tại hai thôn Tiêu Đào, Tây Thuận của xã Bình Trung đã được đưa đi lánh nạn.

Còn tại xã Bình Minh - nơi được xem là rốn lũ của Quảng Ngãi, khi chúng tôi tới nơi thì tuyến đường từ Bình Trung đi Bình Minh đã chìm trong nước đến 5m. Hàng trăm ngôi nhà chỉ còn lưa thưa phần mái ngóc lên trong cơn lũ dữ. Chính quyền vẫn tiếp tục công tác di dời dân. 

Ông Phạm Quang Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết nước về từ 3g sáng, ngập sâu có nơi lên 5m, trong đó, có 900 hộ dân bị ngập nặng. Ngay trong đêm, chính quyền xã đã tổ chức di dời 2.000 dân. Số hộ dân này được đưa lên khu vực xóm Núi. Thống kê ban đầu cả xã có 4 người bị thương. Hiện công tác di dời dân này xã này vẫn đang tiếp tục vì nước lũ vẫn tiếp tục dâng.

Ông Phạm Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết mưa lũ cũng đã khiến một khối núi sạt lở làm 7 nhà dân tại thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị bị sụp đổ, hư hỏng nặng nhưng rất may là không có thương vong xảy ra. Hiện toàn huyện đã di dời hơn 3.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Vật lộn cứu dân

Khoảng 3g sáng 16-11, nước lũ bất chợt lớn nhanh và tràn về nhấn chìm gần 900 hộ dân ở xã Bình Minh (huyện Bình Sơn). Ngay trong đêm tối đó, chính quyền xã Bình Minh đã huy động lực lượng xung kích, thanh niên…di dời khẩn cấp người dân cùng gia súc lên trên khu vực cao ở xóm Núi để tránh lũ dữ.

Anh Bùi Văn Đông – đội trưởng đội xung kích xóm Nhất Đài (thôn Tân Phước, Bình Minh) cho biết: “Nghe thấy nước lũ lên tụi tui liền đưa thuyền để đưa người dân vùng ngập nặng như ở đội 3, đội 4 lên trên cao. Cứ chèo thuyền miết như vậy cho đến sáng thì đưa được mấy trăm người không nhớ nữa”.

Bà Phạm Thị Xuân (thôn Tân Phước) đang ở trên xóm Núi cùng 3 đứa cháu ngoại kể: “Nước lũ lên cuồn cuộn ngập hết cả nhà chưa biết đường nào đi thì được mấy chú đưa ghe vô tận nhà đưa lên đây. May mà có mấy chú đến kịp thời không thì chẳng biết thế nào nữa”.

Còn tại rốn lũ Bình Chương, chiều 16-11, sau hơn 4 giờ vật lộn với lũ dữ, 8 cán bộ chiến sĩ của Huyện đội Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã tiếp cận và cứu hai hộ gia đình 9 người, hai cụ bà, 4 trẻ em… trong điều kiện tối trời và nước lũ ngấp nghé nóc nhà.

Tình người trong lũ dữ

Trưa 16-11, khi chúng tôi đến cả thôn Tân Phước vẫn chìm nghỉm trong nước. Trên dòng nước lũ dữ dội, chúng tôi gặp ông Lê Ban (60 tuổi) đang gò lưng chèo ghe đưa 4-5 người từ rốn lũ Bình Minh qua xã Bình Trung để tránh lũ. Từ sáng sớm ông Ban đã chèo thuyền chở miễn phí 5 lượt (mỗi lượt khoảng 5 người) dân từ Bình Minh đi lánh lũ ở vùng cao. Ông Ban tâm sự: “Mình có ghe mà người dân cần thì chở đi chứ hỏng tính toán chi”.

Còn tại thôn Phú Lộc (xã Bình Trung, Bình Sơn), từ sáng khi lũ tràn về, anh Huỳnh Ngọc Ảnh (cán bộ tư pháp) cùng ông Huỳnh Thuận (54 tuổi), anh Huỳnh Văn Thân (34 tuổi) cũng liều mình chèo ghe đi vào vùng ngập nặng nhất ở đội 1. Dọc được đi, các anh liên tục kêu ới ới trên những ngôi nhà nước ngập trắng băng xem có ai cần giúp đỡ.

Đến trước chỗ nước ngập mấp mé vô nhà thì nghe tiếng kêu cứu của bà Đỗ Thị Thìn (81 tuổi). Chiếc ghe cập sát vô, anh Ảnh vội lao xuống nước rồi bế bà Thìn lên ghe để đưa sang nhà hàng xóm… Trong khi đó, một chiếc thuyền nan của anh Huỳnh Văn Hiền cũng len lỏi vào xóm ngập lụt để đưa 2 cụ già tên Đối (84 tuổi), Điện (80 tuổi) đến nơi an toàn.

Ông Lê Ban (60 tuổi) đang đã đưa hàng chục người từ rốn lũ Bình Minh qua xã Bình Trung để tránh lũ – Ảnh: Đoàn Cường

Tại thôn Tân Phước (xã Bình Minh), gia đình chị Huỳnh Thị Nga (35 tuổi) và ông Lương Trung Cang (52 tuổi) đã mở rộng cửa đón gần 50 “người dưng” từ vùng rốn lũ Bình Minh lên trú ẩn.

“Cả nhà bị nước lũ nhấn chìm, 4 mẹ con tui chỉ kịp chạy tháo thân lên đây ở nhờ. Chẳng kịp mang theo gạo hay nồi niêu gì nhưng được chị Nga nấu nướng cho ăn uống rất tử tế”, chị Ngô Thị Kiều (đội 3) cùng 3 đứa con chạy chốn lũ lên ở nhờ nhà chị Nga kể lại. Đêm đến, vợ chồng chị Nga còn san sẻ bớt tấm chăn cho những người dân đang lánh nạn ở đây để giúp họ chống lại cái lạnh.

“Thấy bà con gặp khó khăn, mình giúp được gì thì giúp. Ai chẳng có lúc khó khăn”, chị Nga lý giải đơn giản vậy. Còn ông Lương Trung Cang cũng chỉ mỉm cười: “Việc gì cần thì tui làm thôi mà” khi được hỏi về việc “nuôi người dưng”.

Được biết năm 2009, gia đình chị Nga và ông Cang cũng nuôi gần 50 người dân trong mấy ngày liền, khi lũ rút đi thì gạo của cả 2 gia đình cũng hết theo. Cả 2 gia đình chỉ có mấy sào ruộng là nguồn thu chính.

Thừa Thiên – Huế: 4 người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà ngập sâu

Những con số thiệt hại của đợt lũ lụt ba ngày qua tăng lên từng giờ tại Thừa Thiên – Huế, dù ban đầu tỉnh này được dự báo không phải là “tâm điểm” của đợt lũ. Bốn người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà cùng đường làng ngõ xóm, phố phường đang trong cảnh ngập. 

Trong số bốn người chết do lũ lụt, các cơ quan chức năng đã xác định được có là cháu Đặng Phương Anh, hai tuổi, ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tử vong tại Trường Mầm non thôn Đông Phú, xã Quảng An (huyện Quảng Điền); ông Lê Văn Tánh, 52 tuổi, thôn Giáp Kiềng, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tử vong khi sảy chân bị nước cuốn trôi; em Hồ Thị Thảo, học sinh lớp 8, Trường THCS Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, đi giữ trâu sảy chân chết đuối; anh Võ Trọng Sáu, 39 tuổi, ở tổ 1, phường Thuỷ Châu, thị xã Hương Thuỷ, tử vong do lật thuyền khi đẩy bèo trên sông.

Ngoài ra, tại huyện miền núi Nam Đông, các lực lượng đã và đang tổ chức tìm kiếm tung tích ông Lê Ngọc Hòa, 40 tuổi, ở thôn 2, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, sau khi có thông tin người đàn ông này bị lũ cuốn…

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến cuối ngày 16-11, toàn tỉnh có 27.245 nhà bị ngập, trong đó, nặng nhất là TP Huế, với 25.000 nhà; huyện Quảng Điền: 756 nhà; Phong Điền: 650 nhà, Hương Trà: 450 nhà, Phú Vang 390 nhà.

Mưa lũ cũng đã khiến hàng trăm hecta hoa màu của người dân tại nhiều huyện vùng hạ nguồn sông Bồ, sông Hương bị nước lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm. Tại TP Huế, phần nhiều tuyến đường nội thành tối 16-11 vẫn còn ngập chìm nhiều đoạn, trung bình từ 0,3m - 0,5m. Giao thông bị chia cắt nặng nhất là các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ phía hạ nguồn sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu, nhất là các xã dọc theo triền sông Ô Lâu (ngập bình quân 0,8 -1,2 m), các xã dọc theo triền sông Bồ ngập từ 0,3 – 0,7m, sông Hương từ 0,3 – 0,7m…

Tình trạng tắc đường cũng đã xảy ra tại đường Hồ Chí Minh sau khi sạt lở taluy dương tại xã A Roàng (Km 389+050 và Km394+500), khoảng 3.500 m3 đất đá gây tắt đường. Ngoài ra các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, 49B… đều xảy ra tình trạng sạt lở nặng, riêng Quốc lộ 49B có đoạn xói lở 750m2 lề đường, 7.970 m2 mặt đường.

Đáng chú ý, ngày 16-11, hai hồ thuỷ điện thượng nguồn sông Hương và sông Bồ tiếp tục xả lũ uy hiếp vùng hạ du. Trong khi lãnh đạo UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng công tác điều tiết xả lũ tại hai hồ thuỷ điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ) và Bình Điền (thượng nguồn sông Hương) đang “trong tầm kiểm soát” và nhằm “giảm lũ cho vùng hạ du”, thì đa số người dân vùng hạ du lấy làm khó hiểu khi lượng mưa vùng hạ du không quá lớn nhưng nước dâng qua nhanh, trong đó nhiều nơi trở tay không kịp, dù người dân Huế có tiếng là “nhiều kinh nghiệm tránh lũ”.

Tại Thuỷ điện Bình Điền, năm cửa van đã được mở để xả lũ, với lưu lượng về hạ du là 826 m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất là lúc 6g ngày 16-11 với 1.442m3/s, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh). Trong khi đó tại thuỷ điện Hương Điền, theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ Online, hai trong bốn cửa van đã được mở hết cỡ để thoát lũ. Lý giải về hai cửa van còn lại vẫn chưa mở, cán bộ phụ trách kỹ thuật tại đây cho biết hai cửa này xây dựng chưa hoàn thành. Tuy nhiên, hơn hai ngày qua nước lũ từ đập vẫn tràn một mức đáng kể qua hai cửa van chưa hoàn thành này đổ về hạ du.

Bình Định: Mực nước lũ lại đang tiếp tục dâng cao.

Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13-11 đến sáng nay 17-11, khu vực tỉnh Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa lớn đã khiến cho mực nước các sông trong tỉnh dâng cao và tiếp tục sinh lũ trên các triền sông trong tỉnh. Mưa to cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên đã gây ra tình trạng “lũ chồng lên lũ” làm ngập hàng ngàn hộ dân tại một số địa phương ở Bình Định.

Thông tin từ ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã có thêm 1 người chết là Dương Thị Diễm 17 tuổi ở thôn Thạnh Danh, xã Nhơn Hậu (Hoài Nhơn) ngày 16-11 đi học qua Tháp Mão bị trượt chân, nước cuốn trôi chưa tìm thấy xác

Ngày hôm nay, 17-11, tuyến tỉnh lộ 640 từ Tuy Phước đi Phù Cát và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn khu đông 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục bị nước chảy qua tràn. Các xã ven đê khu đông phía đông nam huyện Phù Cát như: Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Tiến… và các xã phía đông huyện Tuy Phước như: Phước Thắng, Phước Hoà, Phước Thuận, Phước Sơn… lại tiếp tục bị ngập chìm trong lũ từ nửa mét đến 1 mét.

Tuyến tỉnh lộ từ huyện Hoài Nhơn đi huyện An Lão, Hoài Ân bị ngập nước, gây ách tắc giao thông nhiều đoạn không đi lại được. Tại huyện vùng cao An Lão, tuyến đường liên xã từ UBND xã An Hoà đi An Quang, An Nghĩa, An Toàn và tuyến đường từ UBND xã An Vinh đi thôn 5, thôn 6, thôn 7 bị sạt lở đất gây ách tắc giao thông không thể đi được.

Hệ thống đê sông, đê biển, kênh mương thuỷ lợi, đường giao thông tiếp tục ngập lũ, bị sạt lở nghiêm trọng.  

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Bình Định, ngày và đêm nay 17-11 khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to, nên mực nước trên các triển sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh, khả năng có lũ ở mức báo động cấp 2, cấp 3, có nơi lên trên báo động cấp 3.