Cuộc thi hoa hậu “Dấu Cộng Duyên Dáng”: Vẻ đẹp tự tin

Ngày 14-11, nhóm Vì Ngày Mai Tươi Sáng (BF) với sự tài trợ của Hội Cứu trợ khẩn cấp Hoa Kỳ (PEPFAR) đã tổ chức đêm chung kết cuộc thi hoa hậu “Dấu cộng duyên dáng” dành cho người nhiễm HIV tại Hà Nội với sự tham gia của 15 người đẹp đến từ các tỉnh phía Bắc.

Cuộc thi hoa hậu “Dấu Cộng Duyên Dáng”: Vẻ đẹp tự tin

Ngày 14-11, nhóm Vì Ngày Mai Tươi Sáng (BF) với sự tài trợ của Hội Cứu trợ khẩn cấp Hoa Kỳ (PEPFAR) đã tổ chức đêm chung kết cuộc thi hoa hậu “Dấu cộng duyên dáng” dành cho người nhiễm HIV tại Hà Nội với sự tham gia của 15 người đẹp đến từ các tỉnh phía Bắc.

Tuổi Trẻ trao đổi với ông Ong Văn Tùng – điều phối viên của mạng lưới Vì Ngày Mai Tươi Sáng tại Hà Nội, một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về cuộc thi hoa hậu cho người nhiễm HIV tại Việt Nam.

“Sự phân biệt đối xử trong cộng đồng kinh khủng lắm. Có khi người ta chưa chết vì HIV thì đã chết vì bị kỳ thị. Tôi có một nhóm bạn ba người nhiễm HIV như mình. Một bạn rất thân trong nhóm đã tự tử vì cô độc quá, vì bị phân biệt đối xử. Bạn mất tháng 9-2003. Điều thôi thúc đó khiến tôi lao vào công việc này”

Ông Ong Văn Tùng – Ảnh: Việt Dũng

Vì Ngày Mai Tươi Sáng là mạng lưới của người nhiễm HIV, hỗ trợ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm. Hiện mạng lưới có 27 nhóm tại 16 tỉnh thành phía Bắc, chuyên hỗ trợ thông tin và công cụ chăm sóc sức khoẻ cho người nhiễm HIV. Ngoài là điều phối viên của mạng lưới, ông Ong Văn Tùng cũng là sáng lập viên của câu lạc bộ những người sử dụng thuốc, chuyên hỗ trợ người nhiễm HIV các kiến thức về thuốc điều trị, bác sĩ, thông tin về tác dụng phụ của thuốc…

Câu lạc bộ này được WHO và Tập đoàn Stada Việt Nam hỗ trợ chuyên môn.

* Ý tưởng về cuộc thi đến với nhóm Vì Ngày Mai Tươi Sáng như thế nào? Người bệnh không sợ bị kỳ thị khi công khai danh tính sao?

– Khi tôi làm việc với Tổ chức CARE về vấn đề phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cũng là thời gian nhà nhiếp ảnh Hoài Thanh có chụp một số hình ảnh mang tên “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” về những người nhiễm HIV. Anh Thanh tìm được một số người để chụp trong tập ảnh đó. Nhưng từ Bắc vào Nam thì số người dám công khai bản thân rất ít.

Đến năm kia anh Hoài Thanh cho ra tập ảnh “Cuộc sống vẫn tiếp diễn 2”. Quyển đó rất dày, số người chấp nhận công khai đã rất nhiều. Chúng tôi cùng với anh Thanh và nhiều tổ chức, nhóm bạn ngồi lại nói chuyện rất muốn làm một cái gì đó về người đẹp.

Có nhiều bạn trong các mạng lưới tự lực rất đẹp, khi tham gia các diễn đàn thì các bạn ca hát, vui chơi rất tự nhiên. Anh em ấp ủ ý tưởng thế nhưng không có kinh phí, lúc đó tính ra thì tổ chức cho cả nước thi phải cần đến 700 triệu đồng. Không ai lo được nên thôi.

* Bằng cách nào cuộc thi trong tưởng tượng đó thành hiện thực như hôm nay?

– Nhờ sự hỗ trợ của PEPFAR. Khi nói chuyện với anh Hải bên PEPFAR, tôi có nói về ý tưởng đó, anh Hải bảo chúng tôi cứ làm đi. Anh Hải nghĩ chúng tôi chuyên làm truyền thông về điều trị HIV nên có thể làm được. PEPFAR hỗ trợ 15.000 USD để biến cuộc thi thành hiện thực. Nhưng cái này cũng không phải chuyên môn của chúng tôi. Về diễn xuất, trang phục, chẳng ai biết gì.

Nếu không có các tổ chức khác hỗ trợ thì khó lắm. Ví dụ chúng tôi được một bạn chuyên làm sự kiện về hoa hậu sẵn sàng tư vấn, một nơi hỗ trợ trang phục dạ hội, áo dài. Rồi các khoản chi như giữ các cô hoa hậu ở Hà Nội từ ngày 8 đến 14-11 cho các vòng thi, tiền thuê hội trường… Với số tiền của PEPFAR hỗ trợ, chương trình phải xoay thêm nhiều lắm.

* Có điều gì trong quá trình tổ chức khiến ban tổ chức cảm thấy hứng khởi và được động viên?

– Lúc đầu tưởng cố lắm thì được 40 cô đăng ký thi thôi. Nhưng sau đó số hồ sơ hợp lệ lên đến hơn 60. Tổng số các cô đăng ký tham dự là hơn 100. Tiếc là nhiều hồ sơ không hợp lệ. Chúng tôi không ngờ số người sẵn sàng công khai đông đến thế.

* Theo ông, cuộc thi đem đến điều gì cho cộng đồng?

– Cuộc thi là sự thể hiện vẻ đẹp tự tin của những cô gái nhiễm HIV. Cuộc thi cũng là tiền đề giúp PEPFAR tìm ra gương mặt đại sứ trong cuộc chiến chống HIV tại Việt Nam. Trước đây đã có nhiều ca sĩ, diễn viên làm gương mặt đại diện cho các tổ chức phòng chống HIV/AIDS, nhưng một gương mặt đại sứ là “người trong cuộc” sẽ đem lại nhiều hiệu quả và những sự thấu hiểu hơn với người nhiễm.

Trần Thị Huệ – hoa hậu “Dấu cộng duyên dáng”

Tại sân khấu bé nhỏ của nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm), liên tiếp những tràng pháo tay vang lên cổ vũ cho 15 thí sinh dự đêm chung kết liên hoan “Dấu cộng duyên dáng”. Đây là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp và giá trị cộng đồng những người đang phải sống chung với HIV.

15 “dấu cộng duyên dáng”, 15 thí sinh xuất sắc nhất đã trải qua hai phần thi trang phục áo dài, trang phục dạ hội. Sau vòng thi ứng xử, chị Trần Thị Huệ (nhân vật trong loạt bài “Vẫn còn được sống” khởi đăng trên Tuổi Trẻ ngày 10-11), thí sinh đến từ Hà Nam, trở thành thí sinh được trao tặng giải nhất – vương miện “Hoa hậu dấu cộng duyên dáng”.

Với ngôi vị này, chị Trần Thị Huệ trở thành đại sứ thiện chí cho Quỹ hỗ trợ khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS của tổng thống Hoa Kỳ, tiếp tục tham gia các hoạt động tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS toàn quốc. Thí sinh Nghiêm Thị Lan (Thái Bình) đoạt giải nhì – vương miện á hậu 1, thí sinh Tô Thị Tuyết (Bắc Giang) đoạt giải ba – danh hiệu á hậu 2.

Trong phần thi ứng xử, á hậu 2 Tô Thị Tuyết cũng nói lên mong mỏi của tất cả thí sinh: “Điều chúng tôi cần nhất là việc làm để có thu nhập chăm sóc gia đình, con cái và sức khỏe bản thân. Chúng tôi rất mong mỏi xã hội sẽ giảm sự kỳ thị với người nhiễm HIV…”.

NGA LINH