Sống chung với ô nhiễm hàng chục năm

Theo phản ảnh của bạn đọc, cả P.Long Bình, Q.9 (TP.HCM) bị khói bụi từ hàng chục lò gạch, hầm đốt than, bãi than đá, bụi tro, nước thải lò heo bao vây…

Sống chung với ô nhiễm hàng chục năm

 

Theo phản ảnh của bạn đọc, cả P.Long Bình, Q.9 (TP.HCM) bị khói bụi từ hàng chục lò gạch, hầm đốt than, bãi than đá, bụi tro, nước thải lò heo bao vây…

Hai ngày rảo quanh P.Long Bình, chúng tôi thấy hàng chục lò gạch hoạt động ngày đêm toả khói đen mịt mù, xe ben chở đất ra vào lò gạch ầm ầm cuốn theo bụi đất mù mịt khiến cả phường luôn chìm ngập trong màn bụi.

Cả con đường Nguyễn Xiển bắt đầu từ ngã ba trung tâm phường kéo dài đến ấp Thái Bình 1 bị nhuộm vàng bởi màu bụi đất lò gạch lẫn bụi đen than đá. Hàng trăm hộ dân ở mặt tiền đường luôn đóng cửa kín mít, hàng quán buôn bán cũng phủ đầy bụi.

Sống chung với năm thứ bụi

“Chúng tôi sống trong tình trạng này đã mấy chục năm nay, cửa luôn đóng mà cơm ăn, nước uống vẫn chan bụi” – ông Đoàn Hồng Hải, chủ một quán cà phê, bất bình nói về nỗi khổ của người dân Long Bình.

Theo ông Hải, đã rất nhiều lần người dân ký đơn kiến nghị yêu cầu các cấp chính quyền xử lý nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Ông Trần Ngọc Sang, Trưởng khu phố cầu Ông Tán, cho biết nhiều lần chính quyền địa phương lẫn thành phố đến làm việc theo kiến nghị của người dân nhưng lò gạch vẫn hoạt động và gây ô nhiễm.

Dễ mắc các bệnh về phổi

Theo trạm y tế P.Long Bình, người dân trong phường (đa số là trẻ em) thường bị các bệnh hen phế quản, tai mũi họng. Một bác sĩ của trạm cho biết người dân ở khu vực này thường xuyên hít phải nhiều thứ bụi khói ô nhiễm nên sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh về phổi.

Vài năm trước đây khu vực Long Bình có hơn 200 lò gạch hoạt động 24/24 giờ. Cả phường lúc nào cũng mù mịt khói đen, đất theo xe ben rơi vãi đầy đường. Cuộc sống người dân Long Bình luôn chìm ngập trong màn bụi, chưa kể tai nạn giao thông do xe ben gây ra. Lãnh đạo

P.Long Bình cho biết tình hình hiện nay có đỡ hơn năm 2008 vì sau giải toả, di dời, cả phường còn… 80 lò gạch đang hoạt động. Bà Bùi Thị Ngọc (tổ 1, ấp Thái Bình 1) cho biết khi phân nửa số lò gạch trong phường được giải toả, người dân chưa kịp mừng thì lại chịu thêm nỗi khổ khác.

Chỉ tay vào các bãi than đá lộ thiên bên cạnh cụm lò gạch, bà Ngọc bức xúc: “Bãi than đá này xưa là đất làm lò gạch. Khi giải toả xong họ cho thuê để chứa than đá, hết chịu khói bụi lò gạch nay thêm bụi than đá, người dân chúng tôi làm sao sống nổi!”.

Ngoài bụi than đá, người dân ấp Thái Bình 1 còn phải ngày ngày hít thêm một loại bụi tro (loại bột hỗn hợp để sản xuất ximăng) của một nhà máy nằm trong khu cảng sát đường Nguyễn Xiển.

Ở khu vực ấp Thái Bình 1 còn có ba hầm đốt than, mỗi đêm ba hầm than này hoạt động là cả ấp chìm trong màn bụi. Ngoài ra còn một nhà máy trộn nhựa nóng thải đặc quánh khói đen và mấy trại nuôi heo thi nhau thải nước phân xuống rạch Ông Tán làm bẩn nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Khó xử lý

Theo các chủ lò gạch, từ năm 2008 đến nay nhiều lần họ được phường mời lên thông báo việc giải toả, di dời lò gạch ra khỏi khu dân cư. Vừa qua, họ lại được phường thông báo cuối năm nay sẽ giải toả hết các lò gạch nhưng chưa được thông báo về chính sách bồi thường.

Một ông chủ của hai lò gạch ở ấp Bến Đò cho rằng nếu được bồi thường hợp lý ông sẵn sàng di dời hoặc ngưng hoạt động.

Ông Võ Trí Dũng, Chủ tịch UBND P.Long Bình, cho biết các lò gạch đang hoạt động không nằm trong vùng quy hoạch nên vấn đề tiền bồi thường rất nan giải. Riêng các bãi than đá, nhà máy tro bay cũng rất khó xử lý vì giấy phép do thành phố cấp, phường chỉ quản lý về mặt hành chính.

“Lãnh đạo phường, người dân, thậm chí các chủ lò gạch cũng mong thành phố sớm có ý kiến phê duyệt để chấm dứt hoạt động của các lò gạch, hạn chế ô nhiễm cho người dân. Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố nên sắp xếp để các bãi than đá, nhà máy tro và nhà máy trộn nhựa nóng có khu vực riêng hoạt động kinh doanh, không gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân” – ông Dũng nói.