Thiên tai và nhân tai

Nhiều người dân đặt câu hỏi vì sao nhiều vùng trước đây luôn khô hạn, kể cả vùng có địa thế cao, gần núi mà nay cũng bị ngập lũ? Xin trả lời như sau:

(1) Các nguyên nhân gây ngập lũ ngày càng khốc liệt ở miền Trung cả về diện tích ngập và cường độ là do bị ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và tác động của dòng hội tụ nhiệt đới phía nam, nhiễu động của trường gió đông.

Địa thế miền Trung dốc, lưu vực nhỏ, trực giao hứng trực tiếp gió mùa đông bắc kết hợp rãnh thấp nhiệt đới tạo thành mưa lũ. Năm nay do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao từ Đà Nẵng đến Bình Thuận gây mưa rất to. Vào cuối mùa thường có sự trung chuyển giữa hai hệ thống gió mùa đông bắc và gió mùa tây nam. Miền Trung đang chịu tác động của hiện tượng từ El Nino chuyển sang La Nina giống như năm 1977-1978.

(2) Trên một dòng sông có hai yếu tố: lũ và lụt. Lũ là ở thượng nguồn, nơi độ dốc lớn, nước tập trung nhanh. Lụt là ở hạ lưu, nơi độ dốc nhỏ hơn độ dốc phân giới, nước không thoát được ứ đọng lại gây ngập lụt. Đoạn trung lưu độ dốc xấp xỉ độ dốc phân giới, vùng trung gian. Sông miền Trung ngắn và dốc nên lũ và lụt đi liền nhau.

(3) Nạn phá rừng đầu nguồn khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn.

(4) Việc xây dựng các tuyến đường giao thông kể cả đường sắt và nhiều đường bộ quốc lộ và tỉnh lộ làm chắn ngang dòng chảy, gây khó khăn cho việc thoát lũ.

(5) Hồ chứa xây dựng trước đây phần lớn không có cửa van, để lũ tràn tự do nên không có dung tích chứa lũ. Đơn cử như đập Sông Ba Hạ gần TP Tuy Hòa nếu có dung tích thích đáng phòng lũ sẽ có tác dụng giảm lũ cho hạ lưu.

(6) Chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa (chỉ có hai lưu vực Vu Gia – Thu Bồn và sông Ba được duyệt) nên việc điều hành bị động không theo hệ thống, khi lũ lớn xả đồng loạt càng gây thêm ngập cho hạ lưu.

Để phòng tránh thiên tai và nhân tai một cách hữu hiệu, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp có tính hệ thống và đồng bộ. Đặc biệt đối với miền Trung cần rà soát, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cần phải tính toán lại một cách hệ thống lũ khả năng lớn nhất ở những công trình trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đô thị và dân cư sống ở vùng hạ lưu đập. Các hồ chứa hiện có cần thiết tăng dung tích chứa lũ. Xây dựng thêm các hồ chứa ưu tiên cho phòng lũ. Kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ tràn, cầu cạn, cống thoát lũ.

Cần sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa để chủ động đối phó với mưa lũ, vì vận hành tốt theo đúng quy hoạch sẽ giảm lũ tự nhiên cho hạ du, còn nếu vận hành không tốt thì tác dụng sẽ ngược lại. Quyết liệt có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ rừng đầu nguồn vì cuộc sống của cả cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp. Hạn chế việc đầu tư thuỷ điện nhỏ vì phá rừng, mức đảm bảo không cao.

Cơ sở hạ tầng xã hội được xây dựng theo quy hoạch phòng chống thiên tai. Xây dựng các khu an toàn phòng tránh thiên tai có đầy đủ lương thực, nước uống, phương tiện cứu hộ vì “nước xa không cứu được lửa gần”. Tăng cường chất lượng công tác dự báo mưa để các hồ chủ động hạ thấp mực nước chứa lũ cho hạ du, chủ động ứng phó với thiên tai.

Người ta thường nói đến thiên tai, ít khi nói đến nhân tai. Chính vì quan niệm như vậy nên bây giờ chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thảm hoạ thiên nhiên, trong đó có bàn tay “cộng hưởng” của con người gây ra. Tuy nhiên, dù đã hiểu tác hại của nhân tai nhưng việc sửa chữa khắc phục những sai phạm của con người còn rất chậm chạp, yếu kém do thói vụ lợi, vô trách nhiệm của một số người và nguồn tài lực không đủ mạnh. Khi gặp thiên tai như bão lụt, việc cứu trợ, chia sẻ, phân ưu với các gia đình nạn nhân là rất cần thiết nhưng cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ hữu hiệu, lâu dài như đã nói ở trên.