Những đốm lửa lung linh–=–Trong câu chuyện vươn lên của những bạn trẻ có người cha sắp mù mà không dám đi phẫu thuật, có người mẹ nhịn uống thuốc dành dụm tiền cho các con đi học, có người mẹ già sau vụ tai nạn suýt chết mà hằng ngày vẫn đan từng mét lưới nuôi gia đình…

Những đốm lửa lung linh

Báo Tuổi Trẻ, ngày 30/10/2010

150 tân sinh viên nghèo vượt khó của bảy tỉnh thành miền Đông Nam bộ nhận học bổng Tiếp sức đến trường lần này là 150 số phận với gia cảnh khác nhau nhưng đều có chung một điểm: nỗ lực hết mình để vươn lên.

Trong cảnh nghèo, những bạn gái, bạn trai 18 tuổi đời đã học được cách vươn lên vì biết thương xót người cha, người mẹ đã nhịn miếng cơm, viên thuốc để con rộng bước đến trường. Trong câu chuyện vươn lên của những bạn trẻ có người cha sắp mù mà không dám đi phẫu thuật, có người mẹ nhịn uống thuốc dành dụm tiền cho các con đi học, có người mẹ già sau vụ tai nạn suýt chết mà hằng ngày vẫn đan từng mét lưới nuôi gia đình…

Sự hi sinh của cha mẹ là động lực

Từ nhỏ đến tận bây giờ, bạn Nguyễn Hữu Hiển (tân sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) luôn xót xa trước cảnh cha với đôi mắt gần như mù loà chia nhỏ đồng tiền trợ cấp thương binh để trang trải tiền nhà trọ, tiền thuốc cho mẹ và tiền học cho hai chị em. Không hiếm lần Hiển thấy mẹ giấu gia đình không mua thuốc, để dành đợi đến kỳ học phí của hai chị em. Xót mẹ xót cha, nhưng mẹ Hiển động viên: “Các con học giỏi thì mắt cha sẽ sáng mà bệnh mẹ cũng bớt…”.

Nhớ lại ngày học trung học, nhìn bạn bè có bữa sáng ngon lành trong khi bụng mình cồn cào cơn đói của tuổi đang lớn, Hiển nói: “Nhiều lần muốn bỏ học nhưng nghĩ tiếc miếng cơm, viên thuốc cha mẹ nín nhịn bấy lâu nay nên phải tới trường”. Năm học cuối cấp 2009-2010, Nguyễn Hữu Hiển là học sinh giỏi.

Cũng nghiệt ngã như vậy là hoàn cảnh bạn Phan Thị Ngọc Trang (ở Tân Phước, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện là sinh viên ĐH Mở TP.HCM). Sau tai nạn của cha và mẹ, gia đình từ mức trung bình chuyển thành nghèo, căn nhà cầm cố mãi rồi cũng ra đi, đẩy cả gia đình bảy người vào cảnh ở nhà trọ.

Để có tiền đi học, hằng ngày Ngọc Trang phụ bán quán ăn rồi nhận hạt điều về bóc vỏ. Nhiều lần ngồi học Trang gạt sách vở qua một bên, muốn bỏ học đi làm nhưng rồi bặm môi mà học khi nhìn mẹ đã 58 tuổi lom khom đan từng mét lưới; nghĩ đến người cha 65 tuổi từng bị cướp tấn công đến chấn thương sọ não vẫn cần mẫn chạy xe ôm mỗi sáng mỗi chiều. Vậy là cắn răng, lại làm, lại học…

Từ mong ước của mẹ cha

“Lận đận từ Quảng Ngãi vô đây mưu sinh, chật vật lắm cha mới lo cho con được chút chữ nghĩa, con không cố gắng là đời cha mất trắng”, câu nói của người cha mỗi bữa ăn luôn nằm trong lòng Nguyễn Chu Nam, tân sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM, suốt bốn năm từ khi gia đình chuyển từ Quảng Ngãi vào TP.HCM kiếm sống. Cảnh mẹ ốm nặng mà cha lưng lửng nước mắt vì đồng lương còi cọc khiến Nam không thể nào quên. Nam nói: “Nhà nghèo nên phải tha hương, nghe tới chữ mất trắng cha nói mình sợ lắm”.

Câu chuyện vượt khó của Lê Hoàng Nam, ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM, là câu chuyện của một đứa con sợ mẹ lần nữa rơi vào cảnh trắng tay, như khi bà quyết định bán hết nhà cửa ruộng vườn cố gắng cứu sống người chồng mắc bệnh ung thư mà không được. Nam kể bạn từng xin mẹ cho đi bán dạo ở biên giới VN – Campuchia để đỡ đần gia đình và cũng để dồn sức cho đứa em gái học tới nơi tới chốn nhưng mẹ nhất định không cho.

Mẹ Nam bảo: “Mẹ vất vả vì con và em, nếu con bỏ học đi làm thì còn ý nghĩa gì nữa”. Hằng ngày cứ 4g sáng mẹ Nam mở cửa đi làm thì Nam cũng ngồi vào bàn học. Nam bảo mẹ mình ốm nhom mà còn dậy sớm về trễ huống hồ mình khoẻ thế này, thức dậy cùng mẹ để mẹ an tâm đi làm.

Tân sinh viên Nguyễn Thị Kim Châu, ĐH KHXH&NV TP.HCM, từng bỏ học để làm phụ bàn, gia công đồ mỹ nghệ kiếm sống. Nhưng chính Châu cũng không ngờ chỉ một tháng sau ngày Châu không đến lớp, căn nhà tận sâu trong hẻm lại đón những người bạn cùng lớp tới khuyên nhủ và giúp đỡ để Châu đến trường. Châu bảo: “Mình tưởng thân mình mình lo, ai ngờ cũng phiền đến bạn bè, bởi thế giờ có khó mấy cũng không nghỉ học đâu. Giờ bỏ ngang tiếc công mình chỉ một mà nghĩ đến ân tình bạn bè giúp đỡ đến mười”.

Suốt 12 năm học, cuộc sống khó khăn có lúc đã quật ngã những bạn trẻ, đẩy họ trôi giạt ra lề đường kiếm sống nhưng rồi chính họ, bằng nghị lực và ý chí, đã tiếp tục con đường học tập cam go, hướng tới một ngày mai tươi sáng. 150 gương mặt nhận học bổng Tiếp sức đến trường tối 30-10 chỉ là số ít trong số hàng trăm hàng nghìn bạn trẻ biết vươn lên trong cuộc sống. Dẫu cuộc đời quanh mỗi bạn trẻ đó còn tối tăm nhưng chính mỗi bạn là một đốm sáng nhỏ làm lung linh cuộc sống này.

MAI VINH