Của cho không bằng cách cho–=–Điều chúng ta hướng đến chính là giáo dục cho các em lòng nhân ái. Nhưng với cách làm nặng hình thức và thành tích như hiện nay (và lâu nay), làm sao để các bạn trẻ có thể tự giác chia sẻ, biết cảm được nỗi đau của đồng bào mình

Đêm, đang ngồi chấm bài, trên màn hình bỗng hiện lên ô cửa sổ Yahoo chat của một học trò cũ.

Của cho không bằng cách cho

Báo Tuổi Trẻ, ngày 30/10/2010

Đêm, đang ngồi chấm bài, trên màn hình bỗng hiện lên ô cửa sổ Yahoo chat của một học trò cũ.

Ba năm trước, em là học sinh của tôi năm lớp 10. Đến đầu lớp 11 thì gia đình cho em đi Úc du học. Tôi hơi lạ vì em với tôi không phải quá thân thiết. Thậm chí có thể nói là có khoảng cách, vì thú thật tôi không mấy thích phong cách lạnh lùng kiểu con nhà giàu của em. Và càng lạ hơn nữa, sau mấy câu chào hỏi sức khoẻ, em toàn hỏi chuyện lũ lụt ở miền Trung. Tôi thật sự bất ngờ khi em kể rằng em đã khóc khi lên mạng đọc những tin bài về sự cố đau thương của chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi. Thời em còn học tôi, nào có bao giờ tôi thấy em tình cảm như thế!

Tôi hào hứng dẹp xấp bài chấm dở sang một bên để chat với em. Em kể rằng khi đi học ở bên ấy đã thường xuyên cùng bạn bè tham gia những đợt hoạt động từ thiện. Các em thường xuyên tìm đến những bệnh nhân ung thư để trò chuyện, tìm hiểu về số phận của họ. Sau đó các em đi vận động trong trường, hàng xóm để bán những vật phẩm do chính tay các em làm ra nhằm gây quỹ giúp người bệnh.

Đôi lúc những thiên tai đem lại đau thương mất mát cho các nơi trên thế giới cũng trở thành chủ đề hoạt động của các em. Các em lùng trên mạng thu thập hình ảnh, thông tin để tự mình làm những poster mang đi thuyết trình với mọi người. Các em mua kẹo với giá sỉ về bỏ vào những chiếc túi nhỏ, bên ngoài có in hình ảnh, lời kêu gọi giúp đỡ nạn nhân và bán gây quỹ giúp đỡ nạn nhân với giá vài ba đôla một túi.

Chuyện của em khiến tôi nhớ đến việc kêu gọi đóng góp giúp đỡ nạn nhân lũ lụt mới triển khai ở trường mình hôm đầu tuần. Sau lễ chào cờ, cô hiệu trưởng nói sơ lược về chuyện lũ lụt ở miền Trung và kêu gọi học sinh mỗi em đóng góp 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng để cứu trợ. Vừa nghe đến mấy từ đóng góp cứu trợ, các em liền xầm xì “Lại đóng tiền”! Sau đó mấy bạn đoàn viên học sinh ôm chiếc thùng lần lượt đi đến từng lớp.

Quan sát xem cách các em đi vận động lẫn cách bỏ tiền vào thùng, tôi không thấy được đâu là biểu hiện của một sự tự giác, xuất phát từ tình cảm tận đáy lòng. Trò chuyện với các em, tôi thấy đúng là các em hoàn toàn không ý thức được một chút gì về chuyện góp tiền cho đồng bào gặp nạn. Các em chỉ nghĩ đơn giản đó là “đóng tiền” như đóng mọi khoản thu khác.

Đồng nghiệp của tôi ở các trường khác cũng cho biết đó chẳng phải là chuyện cá biệt của trường tôi. Và chuyện này tôi cũng biết là không mới khi đã được rất nhiều người lên tiếng về việc giáo dục lòng nhân ái cho học sinh của chúng ta. Nhưng các em không có lỗi. Không hiểu từ bao giờ chuyện đóng góp cứu trợ, chuyện tiết kiệm trong nhà trường đã bị đơn giản hoá đến mức lạnh lùng, vô cảm.

Của cho không bằng cách cho. Điều chúng ta hướng đến chính là giáo dục cho các em lòng nhân ái. Nhưng với cách làm nặng hình thức và thành tích như hiện nay (và lâu nay), làm sao để các bạn trẻ có thể tự giác chia sẻ, biết cảm được nỗi đau của đồng bào mình?

GIÁNG HƯƠNG