Giấc mơ đổi đời mang tên Wozniacki–=–Cây vợt nữ số 1 thế giới hiện nay Caroline Wozniacki đã trở thành số 2 tại Giải quần vợt Doha 2010 sau khi thua Kim Clijsters 3-6, 7-5, 3-6 trong trận chung kết ngày 31-10.

Cây vợt nữ số 1 thế giới hiện nay Caroline Wozniacki đã trở thành số 2 tại Giải quần vợt Doha 2010 sau khi thua Kim Clijsters 3-6, 7-5, 3-6 trong trận chung kết ngày 31-10.

Thư từ Đan Mạch

Giấc mơ đổi đời mang tên Wozniacki

Báo Tuổi Trẻ, ngày 03/11/2010

Cây vợt nữ số 1 thế giới hiện nay Caroline Wozniacki đã trở thành số 2 tại Giải quần vợt Doha 2010 sau khi thua Kim Clijsters 3-6, 7-5, 3-6 trong trận chung kết ngày 31-10.

Kết quả này không làm nhiều người ngạc nhiên vì thật ra giữa Wozniacki, 20 tuổi và Clijsters, 27 tuổi vẫn còn một khoảng cách về kỹ thuật. Tuy nhiên theo ông Morten Christensen, người từng huấn luyện Caroline một thời gian, cô đã tiến bộ đáng kể so với cuộc so vợt trước đây giữa hai người ở chung kết Giải Mỹ mở rộng 2009.

Người chê trách Caroline nhiều nhất lại là cha cô, ông Piotr Wozniacki, cũng là người quản lý và HLV chính của con gái. Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Ritzau (Đan Mạch) sau trận đấu, ông Piotr Wozniacki cho rằng Caroline thua vì mất tập trung ở ván thứ ba, khi đang dẫn 1-0, do một con côn trùng vướng vào cây vợt.

“Đó là biểu hiện thiếu chuyên nghiệp, hơi ngu xuẩn nữa” – ông Piotr Wozniacki nói.

Sự giận dữ của ông Piotr Wozniacki sau thất bại của con gái không làm nhiều người Đan Mạch ngạc nhiên.

Đối với các bậc cha mẹ Đan Mạch, cách huấn luyện kiểu “nhà binh” của Piotr Wozniacki từ khi Caroline bắt đầu tập cầm cây vợt “mini” lúc 5 tuổi là chuyện hơi khác thường, thậm chí quá đáng. Với họ, khó có chuyện bắt con gái tập luyện với trái banh từ 3-5 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, hầu như đi ngủ cũng ôm cây vợt.

Tuy nhiên theo nhà báo Đan Mạch Rasmus Ankersen, trong cuốn sách mới xuất bản gần đây Những mỏ vàng đã cho rằng đối với nhiều bậc phụ huynh tại nước Nga, ông Wozniacki là người đáng ngưỡng mộ.

Chuyện thúc ép con cái đối với họ là bình thường và nếu như trước đây nhiều người Nga cố gắng nhịn ăn nhịn mặc, thậm chí cầm cố tài sản để có thể đưa con gái sang Mỹ học quần vợt, thì nay họ học tập cách tự đào tạo và quản lý của ông Piotr Wozniacki.

Tại thành phố Kaluga, nhà báo Ankersen đã gặp Sabrina, 8 tuổi, một trong những cây vợt thiếu nhi đầy triển vọng của Nga và cha cô bé, ông Oleg.

Ông Oleg treo trên vách bài báo viết về ông Piotr Wozniacki trên một tạp chí quần vợt quốc tế như là nguồn động viên cho mình. Ông cũng bắt chước ông Piotr Wozniacki quay video các buổi tập của Sabrina với các HLV quần vợt chuyên nghiệp nhằm học cách tập luyện, giải thích, hướng dẫn của họ.

Sabrina chỉ là một trong số hàng ngàn cô bé Nga ôm mộng thành ngôi sao quần vợt thế giới. Khả năng cùng quyết tâm, cộng với tham vọng và sự hi sinh lẫn thúc ép của cha mẹ đã làm nên thành công cho nhiều cây vợt nữ của Nga. Không phải ngẫu nhiên mà trong top 20 cây vợt nữ hàng đầu thế giới có tới sáu người Nga và gốc Nga.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và khối Đông Âu đã khiến nhiều người trở nên giàu có mau chóng nhưng lại đẩy không ít người dân tại đây vào cảnh cơ cực.

Chuyện các cô gái Nga và Đông Âu tìm đến các nước Tây và Bắc Âu với giấc mơ đổi đời rồi rốt cuộc trở thành gái đứng đường là chuyện quá quen thuộc trong khối EU. Cho nên việc nhiều bậc cha mẹ cố gắng thúc ép con trở thành một tài năng thể thao với những khoản thu nhập trong mơ là điều dễ hiểu và thông cảm.

Tới nay vẫn chưa thấy ai đề cập đến những trường hợp các thanh thiếu niên phải bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí bị khủng hoảng do không chịu nổi sức ép của cha mẹ và cường độ tập luyện căng thẳng trên con đường lên tới đỉnh cao. Nhưng con số này hẳn phải lớn hơn những trường hợp thành công và hệ luỵ của sự thất bại cũng không phải nhỏ.

QUẾ VIÊN (Copenhagen