Công khai xây đập “lậu”!

Bảy con đập do Công ty TNHH Vĩnh Thọ xây dựng “lậu” giữa ban ngày nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết Chuyện xảy ra tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ngoài việc người dân và một số đơn vị mất đất, các con đập do Công ty TNHH Vĩnh Thọ xây trái phép còn là mối đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trong khu vực, thậm chí đã gây chết người.

Công khai xây đập “lậu”!

Người Lao động, ngày 29/10/2010

Bảy con đập do Công ty TNHH Vĩnh Thọ xây dựng “lậu” giữa ban ngày nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết

Chuyện xảy ra tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ngoài việc người dân và một số đơn vị mất đất, các con đập do Công ty TNHH Vĩnh Thọ xây trái phép còn là mối đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trong khu vực, thậm chí đã gây chết người.

Đại công trường

Ngày 15-10, có mặt tại khu vực xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, chúng tôi choáng ngợp bởi tiếng máy xe cơ giới nổ rền trời không khác gì một đại công trường. Nhiều xe ben đang hối hả đổ đất để 4 xe xúc, xe ủi san lấp các khối đất, đá khổng lồ.

Theo người dân sống tại khu vực, xe cơ giới đang gia cố một đoạn đập bị vỡ vào tối 30-9. Cách con đập này khoảng 1,5 km, một con đập khác cũng bị vỡ hai đoạn trên bề mặt đập, mỗi đoạn vỡ có chiều dài từ 10 m – 15 m.

Cách đó không xa, một con đập khác cũng bị vỡ toang một đoạn dài khoảng 15 m, dù nước không còn đầy như ở 4 con đập chưa vỡ nhưng tại đoạn đập vỡ, nước vẫn chảy cuồn cuộn.

Chỉ trên quãng đường khoảng 20 km, chúng tôi nhẩm đếm có tới 7 con đập ngăn nước được xây dựng bằng đất đỏ, đá tổ ong, mỗi đập có chiều dài từ 150 m – 200 m, bề ngang từ 5 m – 10 m và cao từ 6 m – 8 m.

Xây đập để chiếm đất (?!)

Trao đổi với chúng tôi  vào sáng 25-10, ông Mai Văn Tá, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thọ, thừa nhận các con đập “lậu” là của ông. Việc xây các con đập chắn nước nhằm mục đích nuôi cá, làm đường đi.

Thế nhưng, theo nhiều người dân địa phương, việc xây nhiều đập ngăn nước trên quãng đường gần 20 km không phải để nuôi cá mà mục đích chính là để… chiếm đất một cách tinh vi. Khi nước ngập úng lâu ngày, cây cối, hoa màu nằm trong vùng nước sẽ chết. Chưa kể nước dâng tới đâu, đất màu mỡ nằm hai bên triền đồi tự trôi xuống lòng bưng khiến chủ đất không thể trồng bất cứ cây gì, phải bỏ đất để đi nơi khác.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Tuấn (tức Út Bến Tre) là một ví dụ. Ông Tuấn kể: Tháng 6-2009, khi ông Tá xây đập ngăn nước đã làm chết hơn 1 ha mì của ông. Sau đó, ông Tuấn đến gặp ông Tá đề nghị bồi thường nhưng không được chấp nhận.

 

Chính quyền không biết !

Trả lời các câu hỏi của phóng viên Báo NLĐ, ông Phạm Đình Nhất, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà (nguyên phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bù Đăng, chuyên phụ trách lĩnh vực thủy lợi), nói: “Sau khi xảy ra vụ vỡ đập chết người, UBND xã cử công an xã vào hiện trường làm việc với công an huyện, có lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công đập. Những con đập trên do ông Mai Văn Tá tự xây dựng, còn xây từ khi nào chúng tôi không biết!”.

Còn ông Nguyễn Phúc Quyết, Phó Giám đốc Nông – Lâm trường Nghĩa Trung thuộc Công ty Cao su Sông Bé (đơn vị quản lý khu đất có các con đập “lậu”), cho rằng “không liên quan gì đến những con đập của ông Tá. Mấy cái đập đó khi xây dựng, chủ nhân không xin phép chúng tôi!?”.

Bị mất trắng số đất, ông Tuấn cùng gia đình phải về Bến Tre làm thuê. Tương tự, ông D. (ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) có 1,8 ha điều trồng được 6 năm, sau khi ông Tá cho người xây đập ngăn nước, toàn bộ vườn điều của ông D. nằm dưới bưng chết sạch nhưng cũng không được bồi thường. Còn 3,5 ha điều của ông B. (cũng ngụ xã Nghĩa Trung) mua của người dân trong khu vực cũng mất trắng do nước ngập mênh mông.

Đập vỡ gây chết người

Khoảng 20 giờ ngày 30-9, bà Nguyễn Thị Vân (SN 1966) cùng chồng là ông Lê Văn Thủy (SN 1965, ngụ xã Nghĩa Trung) đang nằm trong chòi dưới bưng bỗng nghe tiếng cây đổ rào rào.

Nghĩ là gió xoáy nên bà Vân cùng chồng chui xuống gầm giường nấp. Khoảng 10 phút sau, nước từ con đập bị vỡ ập xuống cuốn trôi chòi và vợ chồng bà Vân. Nhờ vướng vào những tấm ván và cây rừng nên bà Vân trôi dạt vào bờ.

Đến 6 giờ ngày 1-10, khi tỉnh dậy dù bị đa chấn thương nhưng bà Vân đã cố bò lên tới đỉnh đồi. Đến 8 giờ cùng ngày, người dân đi rẫy phát hiện bà Vân nên cáng đưa ra đường lớn, chở về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Chẩn đoán ban đầu cho biết bà Vân bị chấn thương đầu, ngực, gãy xương hàm dưới.

Riêng ông Thủy, sau khi tuột khỏi tay vợ, ông bị nước cuốn trôi gần 1 km. Đến 13 giờ ngày 1-10, người dân tổ chức tìm kiếm, phát hiện ông Thủy chết dưới bưng nên đưa về mai táng. Em Lê Văn Anh (con của 2 nạn nhân) cho biết sau khi xảy ra vụ vỡ đập, ông Mai Văn Tá có đến hỗ trợ 40 triệu đồng để lo chi phí cho bà Vân mổ tại TPHCM. Hiện bà Vân vẫn chưa thể ngồi dậy; việc ăn, uống, vệ sinh đều do người thân chăm sóc.

Bài và ảnh: TÂN TIẾN