Con người bức tử thiên nhiên: Thác hấp hối giữa đại ngàn

Dọc các dòng sông trên Tây nguyên là một hệ thống nhiều thác ghềnh ngoạn mục. Nhưng đó là hình ảnh của ngày xưa, còn ngày nay nhiều ngọn thác hùng vĩ đang hấp hối vì thủy điện…

Con người bức tử thiên nhiên:

Thác hấp hối giữa đại ngàn

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày 01/11/2010

 

Dọc các dòng sông trên Tây nguyên là một hệ thống nhiều thác ghềnh ngoạn mục. Nhưng đó là hình ảnh của ngày xưa, còn ngày nay nhiều ngọn thác hùng vĩ đang hấp hối vì thủy điện…

“Ngày xưa đó là một con quái vật có sức mạnh vô địch, nhưng giờ đây con quái vật này đã trúng tên của thợ săn, nó đang nằm thoi thóp thở những hơi thở cuối cùng trước khi ngủ yên giữa đại ngàn”

Một ví von về thác Gia Long của người dân địa phương

Tại Đắk Lắk, ba ngọn thác gồm Drây Sáp, Drây Nur, Gia Long nằm trên dòng Sêrêpôk vốn được coi là biểu tượng của Tây nguyên, thu hút mỗi năm hàng ngàn lượt khách du lịch.

Đã có người ví các đập thủy điện như những nhát dao cắt đứt dòng sông Sêrêpôk hùng vĩ thành nhiều đoạn khác nhau. Ở phía thượng nguồn, trên địa bàn xã Nam Ka (Lắk, Đắk Lắk) và xã Quảng Phú (Krông Nô) là đập thủy điện Buôn Tu Shar, kế tiếp là đập thủy điện có công suất lớn thứ hai ở Tây nguyên Buôn Kuốp, xuôi về hạ nguồn là đập thủy điện Drây H’Linh và phía dưới là thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4…

Cải tạo thác Drây Sáp Thượng và Drây Nur

Trước tình hình hai thác nước Drây Sáp Thượng và Drây Nur đang bị ô nhiễm và xuống cấp trầm trọng, hiện khu du lịch này phải đóng cửa. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã khảo sát, lập dự án đầu tư, cải tạo khu du lịch thác Drây Sáp Thượng (thuộc hệ thống thác Gia Long) và Drây Nur. Theo đó, khu du lịch này sẽ xây dựng với quy mô 105ha, tổng mức đầu tư dự kiến 50 tỉ đồng. Khu du lịch thác Drây Sáp Thượng được Bộ Văn hoá – thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào ngày 4-1-1999.

TR.TÂN

Thác Drây Sáp của tháng 10-2007 (trên) và thác Drây Sáp chụp tại thời điểm tháng 10-2010 – Ảnh: Đặng Bá Tiến – T.B.D.

Theo nhiều người dân sống dọc dòng sông Sêrêpôk, từ khi các dự án thủy điện chặn dòng, không chỉ cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng nặng nề mà toàn bộ hệ sinh thái của con sông này cũng đã thay đổi. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống thác nằm ở các điểm bậc thang trên sông đã biến đổi hẳn. Thác lúc thì lừ đừ như người ốm nặng, lúc hung dữ đến kinh người – tất cả đều chịu sự lên xuống thất thường của cửa xả nhà máy thủy điện.

Hiện nay mặc dù ngay giữa cao điểm của mùa mưa Tây nguyên, nhưng đi dưới các dòng thác chúng tôi cứ ngỡ như đang giữa mùa đại hạn. Thác cạn khô, nước chảy lờ đờ. Tại điểm thác Drây Sáp và Drây Nur, dòng Sêrêpôk khi đi qua khu vực này vì đã bị “san” hết nước để chảy theo đường ống chạy tuốcbin ở hướng khác, nên thác nước tại đây chỉ còn là hai ba dòng nước chảy róc rách.

Theo nhiều nguồn tài liệu ghi lại và nhiều người dân kể về quá khứ, khi các công trình thủy điện phía thượng nguồn chưa hoàn thành thì thác Drây Sáp là ngọn thác rất hoành tráng, nước chảy rất mạnh. Vào mùa xuân thác cao 12m, rộng 120m, vào mùa khô thác cao 8m, rộng 80m. Chính vì vậy người dân địa phương còn gọi Drây Sáp là “thác khói”, do những cột nước trên cao đổ xuống làm tung bụi mờ trắng xoá. Nhưng hiện tại trong tháng 10 này, thác chỉ trơ những phiến đá khô khốc, dây leo bắt đầu bén ra tận các khe đá. Anh Y Vin, một người sống bằng nghề đánh cá tại thác Drây Sáp, bày tỏ thất vọng khi nguồn sống của mình ngày càng cạn kiệt.

Tại quầy bán đồ lưu niệm dành cho du khách, khi ghé thăm Drây Sáp có treo hai khung ảnh lớn chụp dòng Drây Nur và Drây Sáp tuôn trào dữ dội, nhưng người chủ quán âu sầu: “Đó là hình của ngày xưa, bây giờ không còn cơ hội chụp ảnh nữa rồi”!

Một nhân viên làm việc tại khu du lịch thác Drây Sáp cho biết khách du lịch giảm rất nhiều vì thất vọng do thấy thác không đẹp như nghe kể!

THÁI BÁ DŨNG

Ông Trương Bi (phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk): Nhiều dòng thác hầu như không còn nước

Gần đây những dòng thác không còn được như xưa nữa, do hồ đập của nhiều thủy điện chặn đầu dòng. Trong quá trình phát triển kinh tế chúng ta cần phát triển thủy điện nhưng cũng cần hài hòa giữa việc phát triển và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, văn hoá…

Trong chuyến khảo sát vừa qua của chúng tôi, dù trong mùa mưa nhưng nhiều dòng thác hầu như không còn nước vì đã bị tích hết ở các lòng hồ thủy điện. Rừng đại ngàn đã mất, giờ những dòng thác hùng vĩ cũng đang dần bị giết chết thì văn hoá Tây nguyên phần nào bị tổn thương. Việc chọn điểm đến là Đắk Lắk – Tây nguyên của du khách cũng sẽ giảm, thất thu cho ngành du lịch là một hậu quả thấy rõ…”.

TR.TÂN ghi