Tranh luận thẳng thắn về dự án bôxit

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, từng có một thời gian dài là thành viên của TKV, cùng nhà văn Nguyên Ngọc kiên trì với quan điểm của mình: Thứ nhất, khai thác bôxit không chỉ là vấn đề môi trường hay hiệu quả kinh tế thuần túy mà phải đánh giá tổng thể: xã hội – môi trường. Ngay khái niệm môi trường cũng phải được hiểu theo nghĩa rộng: đầu nguồn và hạ lưu các dòng sông. Vì vậy, môi trường cần được thay bằng khái niệm sinh thái.

Tranh luận thẳng thắn về dự án bôxit

Báo Tuổi Trẻ, ngày 28/10/2010

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, Trưởng ban nhôm – titan của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) Nguyễn Thanh Liêm – đại diện cho những người chủ trương thực hiện dự án bôxit Tây nguyên – đã có một cuộc tranh luận rất thẳng thắn với tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn và nhà văn Nguyên Ngọc – đại diện nhóm nhân sĩ trí thức yêu cầu dừng dự án bôxit – vào chiều 27-10 tại báo điện tử VietNamNet.

Đại diện TKV một lần nữa khẳng định các dự án được triển khai đầy đủ, hiệu quả kinh tế và tác động môi trường được đánh giá và lựa chọn, cân nhắc kỹ càng.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khẳng định TKV đã thực hiện tốt chỉ đạo 650 ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao bảy bộ và ba địa phương tham gia, chủ trì và đề xuất các giải pháp cho dự án. Trong đó đảm bảo thẩm định độ an toàn về tác động môi trường của dự án này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, từng có một thời gian dài là thành viên của TKV, cùng nhà văn Nguyên Ngọc kiên trì với quan điểm của mình: Thứ nhất, khai thác bôxit không chỉ là vấn đề môi trường hay hiệu quả kinh tế thuần túy mà phải đánh giá tổng thể: xã hội – môi trường. Ngay khái niệm môi trường cũng phải được hiểu theo nghĩa rộng: đầu nguồn và hạ lưu các dòng sông. Vì vậy, môi trường cần được thay bằng khái niệm sinh thái.

Thứ hai, về hồ bùn đỏ: TKV sử dụng công nghệ thải ướt, nhưng đó có phải là công nghệ ưu việt không, nếu so với công nghệ bùn khô? Vấn đề là TKV đã có sự nhầm lần khái niệm: thải ướt không phụ thuộc vào lượng mưa nhiều hay ít, mà phụ thuộc chất gì chứa trong bùn thải: lượng bùn đỏ chứa chất xút thừa của công nghệ này có nhiều hơn công nghệ thải khô?

Thứ ba, về hiệu quả kinh tế: TKV khẳng định có hiệu quả kinh tế dù không cao. TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định các số liệu đầu vào của TKV chưa đầy đủ và chưa mang tính tổng thể. Nếu tính đúng, tính đủ, chắc chắn là lỗ. Ông Sơn dùng hình ảnh: “Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ có thể chưa xảy ra ngay mà là sau mười năm nữa, nhưng chuyện đổ vỡ vì lỗ từ dự án bôxit thì đã có thể thấy ngay từ bây giờ”.

Cuộc tranh luận chưa có hồi kết nhưng nó mở ra nhiều hướng tranh luận tiếp tục trước mắt.

TH.H.

Đại biểu Quốc hội vũ Quang Hải (Hưng Yên):

Khả năng tràn bùn đỏ là có

Tôi không đồng tình với cách tính hiệu quả kinh tế dự án bôxit của TKV. Không nên tính hiệu quả kinh tế của một dự án lớn như thế bằng cách nếu giá thế giới là thế này thì hiệu quả thế này, nếu giá thế kia thì hiệu quả thế kia… Như thế rất khó đánh giá. TKV cần làm rõ câu hỏi: có hiệu quả không, nếu không thì tại sao làm? Chi phí cho môi trường, các chi phí xã hội không nhỏ, cần phải được tính đến.

Ngay việc giải thích tính an toàn của hồ bùn đỏ, tôi nghe cũng còn băn khoăn. Nói hồ không vỡ thì có thể đúng, vì hồ nằm trong khu vực bao quanh bởi núi đồi. Nhưng khả năng tràn do mưa lũ theo tôi là có. Với đặc điểm mưa lớn như ở Tây nguyên, mọi khả năng đều có thể xảy ra.

C.V.K. ghi

Ông Phạm Quang Tú (phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển):

Dự án bôxit Nhân Cơ khó có hiệu quả

Có rất nhiều kỳ vọng về dự án bôxit ở Tây nguyên. Tuy nhiên, theo các tài liệu của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) đã cung cấp gần đây thì dự án bôxit Nhân Cơ có thể khẳng định ngay là khó có hiệu quả kinh tế.

Lý do, theo tính toán của chính ban nhôm (TKV), dự án alumin Nhân Cơ sẽ không có hiệu quả nếu xảy ra một trong các trường hợp: thuế suất alumin trên 5%; phí môi trường trên 15.000đ/tấn quặng, phí hoàn nguyên môi trường trên 25.000đ/tấn quặng, giá bán alumin xuống dưới 5%, ở mức 310 USD/tấn.

Với những tính toán này, nếu áp dụng các quy định hiện tại và so sánh với giá cả thị trường thì chắc chắn dự án nhà máy alumin bị lỗ bởi thuế alumin hiện hành đã là 20%, phí môi trường hiện đang áp dụng gấp đôi mức tính toán của TKV, ở mức 30.000 đồng/tấn quặng.

Riêng phí hoàn nguyên môi trường khoảng 25.000 đồng/tấn quặng, tương đương 125 triệu đồng/ha như tính toán của TKV chắc chắn sẽ không đủ để thực thi việc hoàn nguyên môi trường, bởi quá trình này đòi hỏi nhiều đầu tư và cần đến thời gian hàng chục năm chứ không thể chỉ làm một lần là xong.

Hiện hiệu quả của nhà máy bôxit đang được tính chủ yếu dựa trên giá sản phẩm alumin sau quá trình chế biến bôxit có thể bán được. Nhưng yếu tố cốt yếu này cũng không “ủng hộ” cho tính hiệu quả của dự án bôxit có thể nói lớn nhất, ảnh hưởng bậc nhất tới Tây nguyên.

Theo thống kê của chúng tôi, giá alumin thế giới trong hơn một năm qua, kể từ khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng, chỉ dao động từ 260-290 USD/tấn. Giá alumin – sản phẩm quá trình chế biến của chúng ta chỉ tương đương 11-14% giá sản phẩm tinh chế cuối cùng là nhôm.

Tóm lại, trong gần hai năm trở lại đây, dù đã qua thời khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng giá alumin luôn thấp hơn so với mức dự tính là 310 USD/tấn của TKV. Có nghĩa nếu cứ theo mức hiệu quả của TKV thì cái lỗ trước mắt là nhìn thấy rõ ràng, còn cái lãi lâu dài trong trường hợp giá tăng vọt thì chưa nhìn thấy đâu.

Nếu tính một cách khách quan, giá alumin đã có thời điểm vọt lên mức cao nhất là khoảng 400 USD/tấn ở tháng 5-2008. Tuy nhiên, mức giá này không giữ được lâu và đã xuống rất nhanh tới khoảng 180 USD/tấn vào tháng 2-2009 trước khi phục hồi và gần như giữ giá từ cuối năm 2009 đến nay. Như vậy, tính hiệu quả kinh tế từ việc bán sản phẩm, chúng ta đã có thể nhận định khá rõ ràng.

C.V.KÌNH ghi