Công cụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản của mỗi nước, trên thế giới hiện có một công ước quốc tế mang tên EITI, tức Sáng kiến công khai hoá công nghiệp khai khoáng, được hình thành từ năm 2003.

Công cụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Báo Tuổi Trẻ, ngày 28/10/2010

Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản của mỗi nước, trên thế giới hiện có một công ước quốc tế mang tên EITI, tức Sáng kiến công khai hoá công nghiệp khai khoáng, được hình thành từ năm 2003.

 

Sáng kiến EITI, tương tự Sáng kiến chống tham nhũng của ADB và OECD cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là những cơ chế qua đó các quốc gia tham gia sẽ tự nguyện tuân thủ để “lành mạnh hoá” công nghiệp khai khoáng và thu chi từ công nghiệp này (VN chưa tham gia Sáng kiến EITI) hay để chống tham nhũng (VN đã tham gia).

Để đừng nghèo vẫn hoàn nghèo

Trong thực tế, EITI chủ yếu cần thiết đối với các nước có khoáng sản để cho nước ngoài đến khai thác, như dầu khí, sắt, bôxit, than…, sao cho đừng sớm cạn kiệt mà dân chúng các nước đó không hay biết vì sao hay như thế nào.

EITI giới thiệu tôn chỉ của mình như sau: “3,5 tỉ người đang sống trong những đất nước dồi dào dầu khí và khoáng sản. Nếu được quản trị tốt, việc khai thác các tài nguyên này có thể sinh ra vô vàn lợi nhuận, thúc đẩy mạnh tăng trưởng và giảm nghèo. Thế nhưng do quản trị yếu kém nên các nước này nghèo vẫn hoàn nghèo, lại thêm tham nhũng và xung đột. EITI nhằm tăng cường khả năng quản trị bằng cách cải thiện tính công khai, tính giải trình trong lĩnh vực khai khoáng”.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ sớm đã cộng tác với EITI, bởi lẽ các tôn chỉ của EITI phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững mà hai tổ chức quốc tế này đeo đuổi trong khi hoạt động tại các nước. Tháng 10-2008, WB và IMF đã công bố báo cáo “Đánh giá việc thực thi công khai hoá trong công nghiệp khai khoáng” tại 55 nước có mỏ cho các nước khác khai thác.

Qua báo cáo này, WB và IMF cùng suy nghĩ như EITI: “Công nghiệp khai thác dầu khí, khoáng sản ở các nước giàu tài nguyên có khả năng đem lại lợi ích cho người nghèo và góp phần tích cực cho phát triển, nếu như được quản lý một cách có trách nhiệm và công bằng… Bất hạnh thay, nhiều nước giàu tài nguyên lại nằm trong số những nước nghèo và tham nhũng nhất thế giới”.

WB và IMF đưa ra những khuyến cáo như sau:

1. Chọn công khai hoá làm tiêu chuẩn cơ bản trong mọi dự án khai thác mỏ.

2. Công bố các hợp đồng khai khoáng.

3. Công khai thu nhập trong các dự án khai thác mỏ.

4. Tạo điều kiện để xã hội có thể tăng cường giám sát việc khai khoáng và công khai hoá trong lĩnh vực này.

5. Tăng cường công khai hoá các tài liệu liên quan của IMF và WB nhằm cung cấp thêm thông tin cho công chúng, kể cả các dữ kiện khai khoáng hoặc các biện pháp mà IMF và WB yêu cầu để tăng tính công khai của các nước này.

Vắn tắt mà nói, để gìn giữ tài nguyên khoáng sản cho mọi người cùng được hưởng, WB và IMF nhấn mạnh: “Bước cơ bản tiến đến quản trị có trách nhiệm đối với công nghiệp khai khoáng là công khai các thu nhập và hợp đồng. Gia tăng tính công khai có nghĩa là mở ngỏ tiến trình quyết định (trong cấp phép khai thác) cho công chúng bàn bạc hầu có thể tiếp tục tiến trình quyết định đó một cách thận trọng hơn, cũng như để có thể quản lý một cách công bằng hơn các tài nguyên từ công nghiệp khai khoáng”.

Trong báo cáo, WB và IMF nêu rõ: việc thực hiện công khai hoá ở mỗi nước cần theo ba bước chuẩn của EITI là: công khai thu nhập, công khai hợp đồng, xã hội tham gia giám sát.

Theo báo cáo tiến bộ của EITI được công bố vào tháng 1-2010, VN mới chỉ cử đại diện quan sát tại hội nghị Oslo của EITI vào năm ngoái.

EITI có thể giúp gì?

EITI có thể hỗ trợ tăng cường quản trị tài nguyên khoáng sản qua việc kiểm tra và công bố khoản thanh toán của các công ty cùng thu nhập của các chính phủ từ dầu khí, khoáng sản. Song cơ bản là khi tham gia EITI cũng

là lúc cùng chia sẻ các nguyên tắc mà các nước đi trước đã cam kết tuân thủ như được nêu rõ dưới đây:

– Chúng tôi tin rằng sử dụng thận trọng tài nguyên thiên nhiên chính là để tăng trưởng bền vững và điều đó góp phần giảm nghèo cùng phát triển lâu dài. Còn nếu không quản lý thích hợp sẽ gây ra tác động kinh tế và xã hội xấu.

– Chúng tôi khẳng định việc quản lý tài nguyên thiên nhiên của một nước là vì lợi ích của công dân nước đó và vì điều đó, trách nhiệm của các chính phủ có chủ quyền là cần phải thực thi vì lợi ích phát triển quốc gia.

– Chúng tôi thừa nhận việc công chúng được thông tin về thu chi của chính phủ là hữu ích cho sự tranh luận của công chúng, cũng như giúp các chính phủ có thêm thông tin để chọn lựa các phương án thích hợp nhất và thực tiễn nhất vì sự phát triển bền vững của đất nước.

– Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của việc các chính phủ và công ty công khai trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng cũng như nhu cầu tăng cường quản lý tài chính công và tính giải trình.

– Chúng tôi tin rằng mọi bên liên quan – bao gồm các chính phủ cùng cơ quan chính phủ, công ty khai khoáng, công ty dịch vụ, tổ chức đa phương, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, tổ chức phi chính phủ – đều có những đóng góp quan trọng và liên quan.

Có thể các tiêu chí trên là xa lạ, nhưng trước lạ sau quen thôi, nhất là khi dầu khí sắp cạn kiệt, than đá sắp phải nhập khẩu.

DANH ĐỨC