Tìm việc cuối năm: không khó

Thời điểm thích hợp để tìm việc không nhất thiết là lúc nào. Hãy chủ động tìm việc ngay khi có thể, vì tìm việc không khó nhưng tìm được việc phù hợp với mình cũng không dễ, vì vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư nghiêm túc”.

Tìm việc cuối năm: không khó

Báo Tuổi Trẻ, ngày 28/10/2010

Đó là nhận định của các khách mời trong buổi trao đổi trực tuyến: “Tìm việc cuối năm – làm sao hiệu quả?” diễn ra trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) sáng 27-10. Buổi trao đổi đã nhận được gần 400 câu hỏi từ bạn đọc.

 
Điều mà nhiều bạn trẻ thắc mắc trong buổi giao lưu luôn là: gần cuối năm có phải là thời điểm thích hợp để tìm việc hay không; có dễ tìm việc không?…

Chủ động sẽ xin được việc

Bà Huỳnh Ngọc Ánh – tổng giám đốc Công ty Career Vision Consulting and Services Corporation, cho rằng cuối năm là thời điểm thích hợp để tìm việc, do hầu hết những người đang có việc làm thường ngại chuyển việc vào thời điểm này vì sẽ mất tiền thưởng cuối năm. Ngoài ra một số công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, dịch vụ… thường cần thêm nhân lực phục vụ việc kinh doanh cuối năm nên nhu cầu nhân lực chắc chắn tăng.

Bà Ánh nhận định: “Thời điểm thích hợp để tìm việc không nhất thiết là lúc nào. Hãy chủ động tìm việc ngay khi có thể, vì tìm việc không khó nhưng tìm được việc phù hợp với mình cũng không dễ, vì vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư nghiêm túc”.

Trả lời câu hỏi của nhiều sinh viên sắp ra trường e ngại thời điểm cận tết cổ truyền khó xin việc, còn đợi sau tết thì quá lâu, ông Ngô Hoàng Hồ – Giám đốc tổng vụ Công ty TNHH VN Nok, chia sẻ: nên tìm việc làm bán thời gian (part time) hay làm việc thời vụ nào đó. Đây chính là bước đệm cho cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm cá nhân trước khi tốt nghiệp.

Theo ông Lê Huỳnh Hoa – Phó giám đốc nhân sự Ngân hàng An Bình, ứng viên có thể liên hệ xin việc thông qua các trang web tuyển dụng: vieclam.tuoitre.vn, kiemviec.com, vieclambank.com, tuyendung.com, hrvietnam.com… hay các trung tâm giới thiệu việc làm. Một kênh tìm việc quan trọng nữa là thông tin qua bạn bè, người quen, người thân… sẽ giúp ứng viên có thêm nhiều cơ hội chọn lựa doanh nghiệp phù hợp.

Chuẩn bị tốt cho hồ sơ và kỹ năng

Theo ông Đào Minh Tân (Giám đốc kinh doanh Công ty Tư vấn các giải pháp nhân sự, tư vấn và tuyển dụng nhân sự, cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến VON), để có được công việc tốt như mong muốn, ngoài các kiến thức cơ bản đã học ở nhà trường, các bạn trẻ nên trang bị thêm cho mình kiến thức chuyên môn về ngành nghề mà bản thân yêu thích, đồng thời nên trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đánh giá mức độ công việc và vốn tiếng Anh. Cộng với niềm đam mê đối với công việc ứng tuyển, chắc chắn ứng viên sẽ thành công.

Đối với “bài toán” kinh nghiệm khi xin việc, ông Ngô Hoàng Hồ cho biết hiện nay nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm mới tuyển dụng, tuy nhiên không phải công ty nào cũng vậy. Thực tế rất nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân viên chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là các công ty Nhật Bản vì họ muốn tuyển nhân viên vào để đào tạo từ đầu theo hệ thống làm việc của họ.

Tuy nhiên đối với các sinh viên mới ra trường, vì chưa có kinh nghiệm để xin một công việc như ý, các bạn nên tìm một việc làm tạm thời (tạo đòn bẩy) gần với công việc mình định hướng sau này để làm một thời gian. Sau khi đã có một ít kinh nghiệm và sự tự tin khi làm việc, các bạn có thể nộp hồ sơ dự tuyển một việc làm mà mình yêu thích.

Ông Hoàng Hồ cũng tư vấn thêm: các bạn nên chuẩn bị một hồ sơ xin việc thuyết phục: trình bày thông tin cá nhân đầy đủ; quá trình học tập và làm việc (nói rõ mình có những khả năng gì, đã làm việc gì và có thể làm được những gì, đã tham gia các hoạt động nào ở trường, xã hội…). Căn cứ vào đó nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn có đáp ứng yêu cầu, có phù hợp với vị trí họ cần tuyển và có tiềm năng hay không.

“Hiện nay đa số sinh viên khi xin việc chỉ làm bộ hồ sơ rất ngắn gọn vì nghĩ mình chưa có kinh nghiệm nên không biết phải ghi cái gì. Thật sự không phải như vậy, các bạn có thể ghi ra tất cả khả năng của mình, đã tham gia các hoạt động nào” – ông Hoàng Hồ nói.

ANH CHI – TƯỜNG VY

“Quy trình” tìm việc

* “Nhận diện” bản thân: thử lấy một tờ giấy trắng viết ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, mối quan tâm, những công việc bạn có thể làm tốt nhất, những gì khiến bạn cảm thấy thích thú và có nhiều cảm hứng nhất. Bạn so sánh với các yêu cầu cơ bản của công việc mình đang làm/dự kiến làm xem mình đã thật sự phù hợp chưa.

Bạn có thể nhắm mắt tập trung cao độ tưởng tượng về mẫu người mình mong muốn được trở thành trong 5-10 năm tới sẽ như thế nào. Từ việc hiểu rõ chính bản thân mình và biết mình mong muốn gì, bạn sẽ vạch ra làm thế nào đạt đến kết quả mong muốn từ xuất phát điểm hiện tại. Lúc đó bạn sẽ biết mình cần phải làm gì, chuẩn bị gì.

* Định hướng nghề nghiệp rõ ràng: có thể vẽ con đường nghề nghiệp của bạn lên một tờ giấy trắng theo hình mũi tên, xác định điểm xuất phát và điểm đến, từ đó đặt câu hỏi làm sao để đi từ điểm xuất phát đến điểm đến bằng con đường nhanh nhất.

* Hiểu về công việc và môi trường làm việc, ngành nghề: cần xác định liệu công việc này có tạo điều kiện tốt cho bạn tiến đến đích đến cuối cùng mà bạn mong muốn không. Tránh việc đi lạc đường vì bị hấp dẫn bởi những yếu tố không cơ bản khác.

Bà HUỲNH NGỌC ÁNH

(Tổng giám đốc Công ty Career Vision Consulting and Services Corporation)