Gieo nhân “sáu tiền”, gặt quả “làm bà Nghè”–=–Năm 1766 Nguyễn Bá Dương, một nho sĩ người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê, Thái Bình về Thăng Long ứng thí.

Gieo nhân “sáu tiền”, gặt quả “làm bà Nghè”

Tuổi trẻ cười, ngày 24/10/2010

Năm 1766 Nguyễn Bá Dương, một nho sĩ người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê, Thái Bình về Thăng Long ứng thí.

 
Có lẽ xưa nay trong đám sĩ tử về kinh đô ứng thí hiếm có người nào tự tin cho bằng Bá Dương. Thiếu một nước là anh chàng đe hàng tổng rằng chàng nhất định sẽ đỗ ông Nghè nay mai!

Chàng có tính ưa rượu. Tiền giắt lưng đã cạn, nhưng chàng vẫn cứ vào quán rượu gọi uống đều đều. Đến lúc chủ quán đòi tiền thì chàng thản nhiên nói:

– Chậc! Cứ cho tôi uống chịu ít bữa, rồi đâu có đó! Tôi không uống quỵt của bác đâu mà sợ! Một khi tôi giật được cái bằng tiến sĩ thì mấy cái đồng bạc rượu của bác chỉ là cái móng tay đối với tôi!

Sau khi ở trường thi ra, Bá Dương biết phần “kim văn” của mình làm còn có chỗ chưa đạt, song chàng vẫn tin chắc là mình đỗ, lại vào quán rượu đánh chén túy lúy như để ăn mừng trước đi là vừa!

Không may có một tay xỏ lá nào đó đã rỉ tai chủ quán rằng: Ông thầy khoá này làm văn hỏng, chắc gì đã đỗ! Chủ quán sinh nghi nên lúc Bá Dương lại xin khất tiền thì kiên quyết không chịu, bắt phải cởi áo gán nợ.

Đang lúc gay cấn thì một cô nàng gánh rượu đi qua, dừng lại hỏi chuyện, khi biết thầy khoá nhà ta nợ chủ quán sáu tiền đến nỗi… bị lột áo, cô nàng động lòng trắc ẩn, vội vàng lục dưới đáy thúng lấy ra đủ 6 đồng giúp chàng chuộc lại áo. Thấy thầy khoá đầy vẻ băn khoăn, bối rối, cô lại nói:

– Tôi xin giúp ông lúc này để ông trả nợ nhà hàng. Bao giờ ông có thì ông trả lại tôi, bằng không có thì thôi, ông đừng ngại!

Nói xong cô nàng cất gánh lên vai đi luôn. Bá Dương sững sờ cảm động trước nghĩa cử của một cô gái không hề quen biết. Anh chàng cố hỏi cho kỳ được cô nàng là ai và được người ta cho biết: Nàng chính là “cô gái kẻ Mơ”…

Đến hôm yết bảng, ai nấy xôn xao vì thấy tên thầy khoá “chuyên uống rượu thịt” Nguyễn Bá Dương đậu tiến sĩ hàng thứ 6. Còn người đỗ đầu chính là Ngô Thì Sĩ.

“Đại đăng khoa” thắng lợi, Nguyễn Bá Dương cảm cái ân tình và mối duyên kỳ ngộ với cô gái kẻ Mơ, bèn tìm đến nhà nàng xin với cha mẹ nàng được cưới nàng làm vợ. Cha mẹ nàng mừng rỡ khi nghe thủng câu chuyện “nhân lành quả tốt” này, đã vui vẻ bằng lòng gả con gái cho chàng.

Nguyễn Bá Dương bỗng trở thành một người hạnh phúc nhất trần đời: Lễ vinh quy và lễ vu quy cùng diễn ra trong một ngày.

Thiên hạ đều mừng cho vợ chồng ông Nghè, và truyền tụng nhau câu vè dí dỏm sau đây:

Thiếu “kim văn” đỗ tiến sĩ

Mất “sáu tiền” được… Bà Nghè!

KIỀU VĂN