70-80% người chơi game online tuổi từ 10-15

Liên quan đến kết quả khảo sát dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) của Viện Xã hội học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) mà Đà Nẵng là một trong sáu địa phương được khảo sát, ông Nguyễn Chương Đức – chánh thanh tra Sở TT-TT TP Đà Nẵng – cho rằng kết quả được công bố không thuyết phục, khó tin cậy.

70-80% người chơi game online tuổi từ 10-15

Báo Tuổi Trẻ, ngày 26/10/2010

Liên quan đến kết quả khảo sát dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) của Viện Xã hội học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) mà Đà Nẵng là một trong sáu địa phương được khảo sát, ông Nguyễn Chương Đức – chánh thanh tra Sở TT-TT TP Đà Nẵng – cho rằng kết quả được công bố không thuyết phục, khó tin cậy.

Theo ông Đức, ông đã theo dõi rất sát sao những số liệu mà Viện Xã hội học đưa ra. Qua đối chứng với thực tế mà Sở TT-TT Đà Nẵng cùng lực lượng liên ngành đã thanh kiểm tra dịch vụ game online trên địa bàn thời gian qua, ông Đức cho rằng nhận định tỉ lệ người chơi game online trong độ tuổi 10-15 ở Đà Nẵng chiếm 26,3% theo kết quả khảo sát là quá thấp.

Theo kết quả thanh tra việc cung cấp dịch vụ và trò chơi game online tại các đại lý Internet trên địa bàn do Sở TT-TT Đà Nẵng thực hiện, lứa tuổi chơi game tại 50 đại lý Internet khảo sát có độ tuổi 10-15 chiếm tỉ lệ 70-80%.

Ông Đức cho biết thêm thực tế kiểm tra từng đại lý Internet tại Đà Nẵng, thời gian ban ngày lứa tuổi chơi game online chủ yếu dưới 14 tuổi. Còn ban đêm (18-23g) chủ yếu là lứa tuổi thanh niên, 16-25 tuổi.

Từ kết quả kiểm tra thực tế mà sở đã thực hiện, ông Đức cho rằng nếu căn cứ vào số phiếu khảo sát của Viện Xã hội học thực hiện tại Đà Nẵng từ 300-400 phiếu thì xác suất thống kê quá thấp. Số phiếu quá ít không thể đại diện cho hàng chục nghìn người chơi game tại hàng trăm tiệm Internet.

Tỉ lệ nghiện game online theo kết quả công bố của Viện Xã hội học chỉ 5,2%, theo ông Đức, cũng thấp so với thực tế.

Ông Đức cho rằng việc học sinh sa đà vào chơi game online có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và kết quả học tập.

V.HÙNG – Đ.CƯỜNG

 Bộ GD-ĐT khảo sát về game online trong học đường

Đánh giá thực trạng tác động xấu của trò chơi trực tuyến đối với học sinh, sinh viên (HSSV) trên phạm vi toàn quốc, từ đó tìm ra các giải pháp ngăn chặn, hạn chế những tác động xấu của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV là nội dung cuộc khảo sát được Bộ GD-ĐT tổ chức và triển khai tới tất cả các trường phổ thông, ĐH, CĐ, trung cấp… trong cả nước.

Việc khảo sát được tập trung vào những địa bàn tập trung nhiều trường học và các đại lý Internet.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-10, ông Phạm Ngọc Phương – phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học – cho biết đến ngày 25-10 có khoảng 30% các cơ sở giáo dục đã gửi báo cáo về bộ.

Tuy nhiên, bộ chưa kiểm tra, thống kê kết quả các đơn vị đã gửi về mà chờ thêm thời gian để có đầy đủ báo cáo hơn mới xử lý.

Ông Phương cũng cho rằng với thời hạn chót là ngày 25-10, nhiều trường ĐH, CĐ, sở GD-ĐT chưa đủ thời gian để hoàn tất báo cáo về game online vì lần này Bộ GD-ĐT yêu cầu khảo sát khá chi tiết, có số lượng phiếu phỏng vấn HSSV nhiều.

Trước đó, bộ yêu cầu các trường, sở GD-ĐT đánh giá thực trạng HSSV tham gia các trò chơi trực tuyến như: tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý Internet và game online tại địa phương; tình trạng học sinh nghiện game online, tình trạng HS ẩu đả, đánh nhau trong trường học, tác động, ảnh hưởng xấu của game online đối với việc hình thành nhân cách, kỹ năng sống của HS thông qua các vụ việc xảy ra trong HS, nhà trường; dư luận xã hội đối với tác động xấu của game online (thông qua báo chí địa phương, phản ánh của dư luận xã hội, phản ảnh của phụ huynh HS)…

Bộ yêu cầu các trường ĐH, CĐ, các trường phổ thông tiến hành khảo sát bằng hình thức trả lời phiếu phỏng vấn đối với HSSV theo mẫu chung. Những nội dung được đề cập trên mẫu phiếu phỏng vấn đối với HSSV (có thể tùy chọn ghi hoặc không ghi tên) tập trung vào khảo sát số lần chơi game online trong một tuần, giờ chơi hằng ngày, số giờ thường chơi mỗi lần…

Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường có báo cáo chi tiết về thực trạng quản lý và những tác động xấu của Internet và game online đối với HSSV trong trường mình; kêu gọi các cơ sở giáo dục đề xuất các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức về tác động xấu của Internet, game online đối với thanh thiếu niên và HSSV, có những kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ ban ngành ở trung ương, Bộ GD-ĐT, với chính quyền địa phương.

T.HÀ