Gia đình và sự phát triển của trẻ

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực giới trẻ với tính chất nghiêm trọng… Điều đáng nói, những vụ án này xuất phát từ những mâu thuẫn đời thường và thậm chí rất nhỏ nhặt, nhưng gây ảnh hưởng xấu cho toàn xã hội và gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn.

Gia đình và sự phát triển của trẻ

 

Báo Thanh Niên 24/09/2010

 

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực giới trẻ với tính chất nghiêm trọng… Điều đáng nói, những vụ án này xuất phát từ những mâu thuẫn đời thường và thậm chí rất nhỏ nhặt, nhưng gây ảnh hưởng xấu cho toàn xã hội và gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn.

Là người làm công tác trợ giúp pháp lý nhiều năm cho các đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội, được tiếp cận với nhiều trẻ chưa thành niên phạm tội, tôi nhận thấy hầu hết các trẻ phạm tội đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như yếu tố tâm lý gia đình, hoàn cảnh xã hội, điều kiện kinh tế gia đình và đặc biệt là môi trường sống của trẻ. Có những trẻ gia đình có điều kiện kinh tế thì do tính ham đua đòi, thích lối sống phim ảnh và đi vào con đường tụ tập, thành lập băng nhóm và dễ dàng kích động mang khuynh hướng bạo lực. Còn đối với trẻ không có điều kiện kinh tế thì cũng mang tâm lý vị kỷ, thua thiệt nên cũng tụ tập thành băng nhóm và cũng dễ dàng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Nhìn chung, có thể thấy hầu hết các trẻ có hành vi bạo lực đều thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và không được học tập, thiếu những kỹ năng sống và phát triển theo khuynh hướng tự do (phát triển tự phát) dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ người trưởng thành (thậm chí từ ngay cha mẹ các em).

Những vụ án mà tôi trực tiếp tham gia, hầu hết các bị can, bị cáo đều cho rằng nguyên nhân và động cơ xuất phát từ gia đình. Gia đình đã quản lý không chặt chẽ, giáo dục không đúng cách (hà khắc, chửi mắng, áp đặt) làm tâm lý của trẻ phát triển không theo hướng thuận và đã đi ngược lại tất cả những gì mà phụ huynh mong muốn (hay có thể nói phản tác dụng, phản khoa học trong cách thức giáo dục trẻ). Trẻ em đến độ tuổi 15-18 thường muốn chứng minh mình có đủ khả năng để ra đời và người ta thường nói đây là lứa tuổi nổi loạn. Các em thường tiếp thu cái xấu nhanh hơn cái tốt, mang tâm lý a dua nhiều, và thường làm bất cứ điều gì để bảo vệ quan điểm của mình luôn luôn đúng.

Vấn đề ở đây là toàn xã hội phải có cái nhìn chung về thực trạng này và tìm ra các giải pháp để giải quyết. Nhưng trước khi tìm ra cách thức chung, mỗi gia đình là một nhân tố của xã hội nên tự ý thức được việc phải làm thế nào để quản lý trẻ và giáo dục trẻ nên người, làm sao cho trẻ phát triển một cách toàn diện và có đầy đủ kỹ năng sống khi bước vào xã hội. Mặt khác, chúng ta khoan vội đổ lỗi cho sách, báo; phim ảnh; game…, mặc dù nó cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự hình thành tâm lý phạm tội và thực hiện hành vi phạm tội. Cái quan trọng là Nhà nước nên đưa ra cách thức để quản lý, điều tiết sự phát triển, du nhập các loại văn hoá, khoa học kỹ thuật này như thế nào và cách mỗi gia đình tự theo dõi quản lý con em mình ra sao.

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch