18/09/2024

Chuẩn bị cho trẻ đến trường

TT – Sau vài tuần nhập học, một số trẻ lần đầu tiên đến trường đã gặp phải những vấn đề khó khăn về tâm lý. Trẻ lần đầu tiên đi học là những trẻ bắt đầu vào học trường mẫu giáo hay những trẻ bắt đầu vào lớp 1. Triệu chứng “sợ đến trường” Với những trẻ em bắt đầu đi học mẫu giáo thì đó là cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên phải xa người thân, phần lớn các em rơi vào một triệu chứng là lo lắng, sợ hãi và sợ bị bỏ rơi…

 

Chuẩn bị cho trẻ đến trường

Báo Tuổi Trẻ, ngày 23-9-2010

 

TT - Sau vài tuần nhập học, một số trẻ lần đầu tiên đến trường đã gặp phải những vấn đề khó khăn về tâm lý.

Trẻ lần đầu tiên đi học là những trẻ bắt đầu vào học trường mẫu giáo hay những trẻ bắt đầu vào lớp 1.

Triệu chứng “sợ đến trường”

Với những trẻ em bắt đầu đi học mẫu giáo thì đó là cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên phải xa người thân, phần lớn các em rơi vào một triệu chứng là lo lắng, sợ hãi và sợ bị bỏ rơi… mà các nhà tâm lý học gọi đó là rối loạn quan hệ mẹ – con ở lứa tuổi lên 3. Ngoài ra, nhà trường mẫu giáo còn là một môi trường mới hoàn toàn, điều đó làm bé sợ không an toàn, sợ không có người chăm sóc, sợ bị bỏ đói, sợ bị dọa nạt… Chính vì thế nhiều trẻ biểu hiện bằng những rối nhiễu như hay ói, giật mình la hét khi ngủ, bỏ ăn, khóc rất nhiều mỗi khi đi học…

Ở lứa tuổi bắt đầu vào lớp 1, sự lo lắng lại tập trung vào những khó khăn khi thay đổi môi trường học mới. Các em từ môi trường chơi là chính thì khi lên lớp 1 phải học tập. Bên cạnh đó các em phải ngồi ngay ngắn tại chỗ, khuôn phép hơn với các quy chuẩn của nhà trường… Biểu hiện những rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi này cũng khác biệt. Nhiều trường hợp rơi vào các trạng thái rối nhiễu cơ thể như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi, rối loạn giấc ngủ… Nhiều trường hợp rơi vào các biểu hiện của rối loạn từ chối đến trường, một rối loạn chiếm đến 5% trẻ cùng độ tuổi và 8% nếu tính trong suốt thời gian đi học.

Bé H.N., 4 tuổi, ở TP.HCM, trước khi được đưa đến khám tại Trung tâm tham vấn tâm lý thuộc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, bé đã được cha mẹ đưa đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi. Các biểu hiện của bé là thường ói rất nhiều và đau bụng. Bé được cho làm nhiều xét nghiệm nhưng kết quả không có dấu hiệu bệnh lý đặc biệt. Khi các nhà tâm lý khai thác sâu thì thấy tiền sử của bé thường ói trong lúc đến trường mẫu giáo, còn bình thường ở nhà với gia đình thì không sao. Chưa kể gia đình bé cũng có nhiều vấn đề khó khăn. Bé được đưa vào chương trình điều trị tâm lý khoảng hai tháng thì các triệu chứng mất hẳn, bé hào hứng đến lớp hơn.

Một trường hợp khác là hai chị em sinh đôi M.A., M.H., đều 6 tuổi, nhà ở TP.HCM. Hai bé là học sinh lớp 1, được cha mẹ đưa đến khám với biểu hiện chủ yếu thường xuyên đau bụng, choáng váng mỗi khi phải đến lớp học. Được biết hai bé rất sợ đến trường vì phải ngồi học căng thẳng, lại hay bị cô giáo đe không học tốt sẽ bị phạt. Nhiều yếu tố tác động tâm lý ở trường hình thành tâm lý sợ đến trường ở bé. Chính vì thế, mỗi lần chuẩn bị đến trường hình thành ở bé cảm giác đau cơ thể. Hai bé được chẩn đoán rối loạn cơ thể hay rối nhiễu tâm lý ở giai đoạn đầu đi học.

Làm sao giúp trẻ?

Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bắt đầu đến trường rất quan trọng, cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh.

Về phía nhà trường: giáo viên có kinh nghiệm, có khả năng sư phạm phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ. Bên cạnh đó, cần tạo một môi trường học đường thân thiện, có nhiều tình yêu thương, niềm vui… để trẻ thoải mái khi đến trường.

Với cha mẹ: giúp con quen dần với giờ giấc mới. Vài ngày trước khi khai giảng, hãy cho con đi ngủ và thức dậy sớm hơn.

Chuẩn bị tâm lý. Vào những ngày kề lễ khai giảng, cần nói với con về năm học mới. Giải thích cho con hiểu tại sao lại cần đến trường và sẽ được lợi gì khi đi học. Phải xây dựng cho bé những viễn cảnh khiến bé thích thú và hào hứng khi chuẩn bị nhập học.

Động viên. Nói với con là bạn hiểu nỗi lo lắng và khi còn nhỏ bạn cũng từng có cảm giác như vậy. Hãy bảo con nếu gặp khó khăn, đã có bạn luôn sát cánh để giải quyết.

Chuẩn bị cho con tác phong tự lập. Những đứa trẻ không có thói quen sống tự lập thường bị stress khi không có bố mẹ ở bên. Để tránh điều đó, bạn cần dạy con cách xoay xở một mình như tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh.

Kiểm tra sức khỏe cho con trước năm học mới. Kiểm tra thị lực, thính giác, răng miệng và tiêm chủng là những việc rất quan trọng với tương lai của con, vì một đứa trẻ có thể trở thành học trò kém chỉ vì có vấn đề về thị lực hoặc thính giác.

Giúp con làm quen trước với môi trường mới. Đưa con đến trường vài lần trước khi khai giảng… để con tự tin hơn khi một mình đến trường.

Tự đưa con đến trường. Đừng để con đến trường một mình vào ngày khai giảng hoặc nhờ một người quen đưa con đến trường. Nếu có thể hãy đưa con đến tận cửa lớp. Tối về nghe con kể lại những gì đã diễn ra vào những buổi học đầu tiên, chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của trẻ.

LÊ MINH CÔNG
(
phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2)