Tị nạn môi trường – Kỳ 7: Điểm “tị nạn” của dân làng biển

TT – Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa mưa bão là người dân vùng ven biển Đà Nẵng như Nam Ô (quận Liên Chiểu), Hòa Hải, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) lại khăn gói lên đường đi “tị nạn”. Và điểm đến của những người dân này không đâu khác chính là các trường học.

Tị nạn môi trường – Kỳ 7: Điểm “tị nạn” của dân làng biển

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Năm, 16/09/2010

TT – Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa mưa bão là người dân vùng ven biển Đà Nẵng như Nam Ô (quận Liên Chiểu), Hòa Hải, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) lại khăn gói lên đường đi “tị nạn”. Và điểm đến của những người dân này không đâu khác chính là các trường học.

Nhưng gần hai năm trở lại đây, mô hình nhà cộng đồng tránh lũ được triển khai đã trở thành chiếc “phao” cho người dân vùng rốn bão lũ. Mô hình đầy tính nhân văn này đang được triển khai rầm rộ dọc các tỉnh ven biển miền Trung thông qua Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung.

Tháng 3-2009, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung chính thức ra mắt và đến nay tổ chức này đã hỗ trợ xây dựng được chín căn nhà tránh lũ có tổng trị giá 17,5 tỉ đồng. Hiện tại Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung đã có danh sách 400 điểm cần xây dựng nhà tránh lũ, nhưng trước mắt quỹ sẽ triển khai kế hoạch kêu gọi tài trợ để xây dựng 32 căn tại những điểm cấp thiết nhất.

Di dân trong tâm bão

Vào cuối tháng 9-2009, ngay sau khi nhận được công điện “Tâm bão số 9 (Ketsana) sẽ đổ bộ vào vùng biển giáp ranh Đà Nẵng – Thừa Thiên – Huế” từ Ban chỉ đạo tiền phương chống bão đóng tại Đà Nẵng, lập tức chiếc xe lam (một loại xe vận tải nhỏ) bên trên có gắn hệ thống loa phóng thanh vội vã rời trụ sở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lao thẳng về hướng biển, nơi có hơn 300 hộ dân làng chài đang sinh sống dưới chân sóng Hải Vân.

Sau một hồi len lỏi theo những con hẻm hút sâu của làng chài, chiếc xe dừng lại. Thành, một cán bộ phường Hòa Hiệp Nam, rút trong túi áo tờ công điện khẩn ướt nhàu rồi đọc vội qua chiếc micro với nội dung: “Gấp rút di dời dân”. Tiếng loa vừa phát đi, lập tức cả làng chài nhốn nháo như bầy ong vỡ tổ. Tiếng người già, trẻ con í ới gọi nhau lẫn trong tiếng gầm rú của bão biển khiến ngôi làng chài vốn rất bình yên ngày nào bỗng nhiên náo loạn.

Vào thời điểm đó, chúng tôi từng chứng kiến cảnh một cụ già gần 80 tuổi sống độc thân đang lom khom buộc lại gói hành lý của mình trước khi chờ cán bộ phường xuống đưa đi sơ tán. Phía sâu trong con hẻm nhỏ, nhiều phụ nữ tay ôm con tìm cách lao ra khỏi nhà. Tay xách, nách mang… từng đoàn người đi trốn bão kéo dọc dài. Trong khi dọc hai bên quốc lộ, từng đoàn xe tải được điều động đến chở người dân đi sơ tán cũng đã sẵn sàng.

Và trong đêm đó tất cả người dân làng chài Nam Ô được đưa về “tị nạn” trong một ngôi trường.

Ông Phan Hữu Bông, một ngư dân làng chài Nam Ô, nhớ lại: “Thời tiết mấy năm ni thất thường quá. Ngày xưa biển hiền hòa bao nhiêu thì nay hung dữ bấy nhiêu. Giờ đây mỗi khi nghe đài báo bão là y như rằng dân chúng lục tục dọn nhà sơ tán”.

Nói rồi ông Bông tâm sự: “Ngày xưa nơi đây vốn là làng biển hiền hòa với nhiều bãi cát trắng chạy dài tít tắp. Nhưng vài năm trở lại đây cảnh ấy không còn nữa, nước đã “ăn” vào tận mép nhà. Bờ biển lở đến mức giờ đây dân đi biển muốn tìm chỗ kê cao chiếc thuyền cũng khó”.

Nhà cộng đồng tránh lũ

Làm gì để hạn chế thấp nhất những thiệt hại ghê gớm của thiên tai vốn ngày càng đè nặng lên vai người dân miền Trung? Câu hỏi đau đáu ấy đã trở thành nỗi trăn trở của tất cả những ai từng sống, từng nếm mùi bão lũ triền miên ở miền Trung.

Từ đó, ý tưởng xây một ngôi nhà cộng đồng thật lớn ra đời phòng khi mưa lũ để người dân trong vùng có thể bám víu vào đó sống tạm qua những ngày dông bão. Và ngôi nhà cộng đồng tránh lũ đầu tiên ở miền Trung chính thức được xây dựng tại vùng rốn lũ Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Anh Nguyễn Thanh Sơn (tổ 25, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) nhớ lại: “Năm 2009 khi cơn bão số 9-2009 vừa tan, nước lũ lập tức dâng cao khiến nhiều nhà trong thôn bị ngập nặng. Nhưng không như mọi khi nếu lũ lớn thì dân chỉ còn cách đội nóc nhà lên chờ ứng cứu. Lần này khi thấy nước lũ ngấp nghé ngoài triền sông thì trong thôn mọi người đã đưa nhau lên nhà cộng đồng tránh lũ. Vừa cao ráo, vừa tiện nghi rộng rãi nên lũ có lớn đến mấy dân cũng không sợ nữa”.

Trong cơn bão số 9 năm 2009, chính nhờ sự “cưu mang” của các nhà tránh lũ cộng đồng mà tính mạng người dân vùng bão lũ Đà Nẵng phần nào được bảo vệ.

Ông Phan Diễn – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, người đưa ra sáng kiến Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung – cho biết: “Đây là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập và hoạt động với mục đích giúp đồng bào các tỉnh miền Trung xây nhà cộng đồng tránh bão lũ và tài trợ cho các chương trình, đề án xã hội, nhân đạo và từ thiện khác… Trước mắt quỹ sẽ tập trung vận động tài trợ cho những vùng thường xuyên bị lũ lụt tàn phá để xây dựng nhà cộng đồng cho đồng bào đến tạm lánh trong những ngày có bão lũ”.

Còn theo ông Nguyễn Ðăng Lâm – giám đốc Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, ngoài việc dùng tránh lũ, nơi đây còn là điểm tổ chức các cuộc sinh hoạt, hội họp, làm sân khấu biểu diễn văn hóa, thư viện… Hiện mô hình này đã được một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Bắc tham quan học tập.

Hôm chúng tôi theo chân đoàn người “tị nạn” lên nhà cộng đồng tránh lũ ở khối phố Thủy Tú vào cuối tháng 9-2009, đứng trên tầng hai của ngôi nhà nhìn xuống chân sóng Hải Vân thấy cả một chuỗi làng mạc đang chìm trong sóng biển. Những ngôi nhà hiền hòa nép mình bên những gốc dừa rợp mát phải gồng mình chống chọi với những cơn sóng vỗ bạc đầu.

Trong căn nhà “tị nạn” chật chội, đâu đó lại nghe tiếng người dân í ới thông báo cho nhau: “Nhà thằng Ba đầu xóm bị sóng đánh sập rồi, không biết có lấy được gì không nữa”. Biển đang “ngoạm” sâu vào đất liền và người dân vùng biển này đang phải đi ngược về hướng núi.

ĐĂNG NAM – HỮU KHÁ