Tị nạn môi trường – Kỳ 8: Phá Tam Giang trong cơn đại nạn

TT – Chúng tôi về vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên – Huế đúng vào dịp người dân nơi đây tổ chức lễ cúng hồ – một nghi thức tâm linh cổ truyền hằng năm của cư dân vùng sông nước để tạ ơn đất trời cho họ nguồn thủy sản đánh bắt mưu sinh.

Tị nạn môi trường – Kỳ 8: Phá Tam Giang trong cơn đại nạn

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Sáu, 17/09/2010

TT – Chúng tôi về vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên – Huế đúng vào dịp người dân nơi đây tổ chức lễ cúng hồ – một nghi thức tâm linh cổ truyền hằng năm của cư dân vùng sông nước để tạ ơn đất trời cho họ nguồn thủy sản đánh bắt mưu sinh.

Trong mâm lễ cúng đặt ngay trên nhà chồ chông chênh giữa đầm phá, ngoài hoa quả, cơm xôi…, lễ vật không thể thiếu các loại cá, tôm, cua… mà họ vừa kiếm được ngay trên đầm phá.

Nhiều loài thủy sản biến mất

Anh Nguyễn Còn, 33 tuổi, ngụ thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, khấn nguyện cầu mong đất trời cho anh hằng ngày có những mẻ lưới dồi dào cá tôm. Cầu mong là vậy nhưng anh không giấu được nỗi buồn khi bảo rằng liên tiếp mấy năm trở lại đây lượng tôm cá ngày càng ít đi.

“Không biết vì răng mấy năm nay “hèng” lắm. Ngày kiếm chỉ được năm, bảy chục ngàn đồng thôi” – anh Còn nói.

Người dân vùng đầm phá này thường dùng từ “hèng” nước để nói đến mất mùa, dịch bệnh và tôm cá ngày càng ít đi khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Toản, 52 tuổi, cậu của anh Còn, ngồi trên ngôi nhà chồ của mình giữa đầm phá nhìn con nước một lúc rồi thở dài: “Nhìn rứa mà bên trong nó biến đổi liên tục. Tính đến tui là đời thứ ba gắn bó với nghề đầm phá. Từ nhỏ, tui đã theo ông theo cha ra phá, cứ thả lưới xuống là có cá, có cua. Ấy mà chừ phải đi mua giống về thả nuôi chứ cá tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Nhiều loại cá đặc sản vùng phá rất ngon, bán được tiền như cá chai, cá mú, cá vảnh… hầu như biệt tăm mấy năm nay”.

Ông Toản kể nhiều lúc cá chết nổi lềnh bềnh, cá tự nhiên cũng chết, cá thả nuôi trên phá cũng chết. Cách nay mấy ngày, trong xã có người thả cá dìa để nuôi nhưng chết đến 8 vạn con, tiền giống mỗi vạn cá 2,5 triệu đồng, coi như mất hàng chục triệu đồng trong chớp mắt.

Đêm khuya, cùng với người dân xuống ghe thả lưới hay đổ nò (dụng cụ để tôm cá lọt vào từ chuôm, sáo hoặc hồ trên phá) mới thấy kiếm con cá, con tôm dạo này không dễ.

3g sáng 10-9, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tình (thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) bắt đầu thả lưới. Lúc này cả vùng phá tối mịt mùng, chỉ nghe tiếng mái chèo khua nước. Chị Tình vừa thả lưới vừa nói: “Trước đây làm cái nghề ni 4g ra thả lưới cũng được, nhưng mấy năm nay phải đi rất sớm. Đến 6-7g phăng lưới mới mong có ăn”.

6g30, chị Tình bắt đầu ngồi gỡ cá, cua mắc lưới. Năm con cá móm, một con cá đục, ba con cá ong căng, hai con cá đối, một con cá dìa, còn lại là ghẹ nhỏ.

Hôm đó đôi vợ chồng có bốn người con đang đi học ấy kiếm được chừng 100.000 đồng. Theo họ, chừng ấy chỉ bằng khoảng một nửa thu nhập cùng thời gian vào năm trước.

Thích nghi trong khốn khó

Tiếp tục ngược xuôi vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, bất kỳ đâu chúng tôi cũng nghe cư dân vùng sông nước này than vãn về con nước “hèng”. “Tui làm nghề đầm phá thì nước bị nhiễm mặn cao, cá tôm khó sống. Bà con tui ở các xã ven biển bên cạnh như Phong Hải, Hải Dương thì lại bị biển lấn. Thời tiết ngày một tệ” – ông Nguyễn Trãi, một người dân xã Điền Hải, huyện Phong Điền, than thở.

Tam Giang – Cầu Hai được xem là hệ đầm phá (nước lợ) lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích mặt nước khoảng 22.000ha. Hệ đầm phá này trải dài khoảng 70km theo bờ biển từ Bắc vào Nam của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ước có trên 30 vạn dân (chiếm 1/3 số dân của tỉnh) tại 33 xã thuộc năm huyện sống ở khu vực này mà việc sinh kế lệ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào đầm phá.

Chúng tôi xuôi về khu vực cửa biển Thuận An, một vùng đất ven biển và đầm phá. Khu vực này từng nổi tiếng với bãi cát trắng rộng, nước trong, sạch nên được quy hoạch thành một trung tâm du lịch của tỉnh với các khu du lịch, khách sạn cao cấp.

Một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho thấy khoảng 10 năm qua bờ biển đã bị xói lở và biến mất. Tốc độ xói lở trung bình dọc bờ biển Thuận An gần 10 năm là khoảng 5-10m/năm, đặc biệt có năm lên đến 30m. Trong mùa mưa bão năm 1996, tại bờ biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, bờ biển đã bị xói sâu 25m chỉ trong vòng ba ngày đêm.

Đồng thời hiện tượng xói lở xảy ra khắp nơi dọc bờ biển của năm huyện trong tỉnh: Phong Hải ở Phong Điền; Quảng Công ở Quảng Điền; Hải Dương ở Hương Trà; Thuận An, Phú Hải và Phú Thuận ở Phú Vang; Vinh Hải, Vinh Hiền của Phú Lộc.

Dọc theo tuyến quốc lộ 49 đi qua hàng chục xã ven biển và đầm phá, có rất nhiều thửa ruộng, diện tích đất của người dân bỏ hoang nhiều năm nay. Tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang, một dải đất trải dài cả vài cây số ven phá Tam Giang từ lâu người dân không còn mặn mà canh tác.

Ngoài yếu tố “nhân tai” là một doanh nghiệp của tỉnh lấy cả trăm hecta đất làm hồ nuôi tôm rồi bỏ hoang thì độ nhiễm mặn cao khiến người dân khó có thể trồng trọt. Và hậu quả là hàng trăm người dân Phú Diên vốn sống dựa vào nông nghiệp nay đã vào miền Nam “cầu thực”, chủ yếu bán vé số, làm thuê, ôsin…

Ông Lương Thế Vĩnh – phó chủ tịch UBND xã Lộc Bình, một trong những xã nghèo của huyện Phú Lộc – nói gần 50% dân số của xã sống dựa vào ngư nghiệp, trong đó chủ yếu là nguồn thủy sản từ đầm Cầu Hai.

Cách nay gần chục năm, Lộc Bình nổi lên như một điển hình về nuôi tôm cao, trung và thấp triều nhờ vào nguồn nước đầm Cầu Hai. Thế nhưng khoảng năm năm trở lại đây, nghề nuôi tôm thất điên bát đảo, Lộc Bình trở thành con nợ hạng nặng của ngân hàng. Người dân nợ, cán bộ xã, lãnh đạo xã cũng nợ do nuôi tôm thất bại. Tám vụ tôm trong bốn năm liên tiếp thất bại.

Hàng chục hecta nuôi tôm nằm sát đầm Cầu Hai bỏ hoang nhiều năm nay cùng với khoản nợ ngân hàng từ vài chục triệu đồng/hộ lên đến cả trăm triệu đồng/hộ.

“Những khó khăn và thất bại do biến đổi cực đoan của chất lượng nước trên đầm Cầu Hai khiến nhiều người dân buộc chuyển qua việc nuôi cá xen ghép, nhưng điều này không dễ vì cần có vốn, kỹ thuật”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, hiện nay để góp phần hồi sinh nguồn thủy sản phong phú trên đầm Cầu Hai, xã đang tiến hành phân chia lại số hộ được làm nò sáo đánh bắt tôm cá tự nhiên trên đầm.

Kế hoạch này cũng buộc cả trăm hộ dân của Lộc Bình và xã Vinh Hiền phải chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng với khoản hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, cùng sáu tháng tiền ăn thì không biết tương lai họ làm nghề gì để sống!

ĐÌNH TOÀN