Tị nạn môi trường – Kỳ 6: Hãi hùng lũ cát

TT – Trong cơn giận dữ của đất trời, điều mà người dân kinh hoàng không phải lũ nước mà chính là lũ cát. Một trận lũ cát đúng nghĩa đã lấp kín gần như toàn bộ ngôi làng hiền hòa nằm bên triền sông Vu Gia. Lấp làng trong đêm Cơn lũ cát bất thường cuối tháng 10-2009 khiến làng Đại Mỹ thuộc xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tan hoang như chiến địa. Giờ đây dẫu đã một năm trôi qua nhưng “vết thương” ghê gớm vẫn còn y nguyên đó. Từ đầu làng đến cuối bãi, cát bồi lấp cao ngất chưa thể khắc phục hết.

Tị nạn môi trường – Kỳ 6: Hãi hùng lũ cát

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Tư, 15/09/2010

TT – Trong cơn giận dữ của đất trời, điều mà người dân kinh hoàng không phải lũ nước mà chính là lũ cát. Một trận lũ cát đúng nghĩa đã lấp kín gần như toàn bộ ngôi làng hiền hòa nằm bên triền sông Vu Gia.

Lấp làng trong đêm

Cơn lũ cát bất thường cuối tháng 10-2009 khiến làng Đại Mỹ thuộc xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tan hoang như chiến địa. Giờ đây dẫu đã một năm trôi qua nhưng “vết thương” ghê gớm vẫn còn y nguyên đó. Từ đầu làng đến cuối bãi, cát bồi lấp cao ngất chưa thể khắc phục hết. Trên khuôn mặt lam lũ của người dân vẫn thường trực nỗi lo đau đáu bởi đất sản xuất đã không còn và cuộc sống càng thêm khốn khó…

Ông Hồ Quang Bốn, trưởng làng Đại Mỹ, thẫn thờ nhớ lại hôm lũ ập về chôn vùi cả làng trong biển cát: “Cát theo con nước vùi lấp tất cả những gì còn sót lại trên mặt đất. Tài sản thì trôi theo nước lũ trong khi gần 90% nhà dân lại bị cát vùi sâu hơn 2m, có nhà lên tận mái”. Nói rồi ông Bốn trầm tư: “Mấy năm ni trời đất thất thường quá. Gió mưa bão tố mỗi năm càng dữ tợn. Bao đời nay làm chi có kiểu lũ cát ghê rứa. Không biết năm nay liệu lũ có như năm ngoái không? Nếu tái diễn chắc dân trong làng phải bỏ mà chạy thôi chú ạ”.

Nhớ về cơn lũ lịch sử năm 2009, khuôn mặt ông Nguyễn Huệ (70 tuổi), người làng Đại Mỹ, vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi: “Tui sinh ra ở vùng đất này, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa khi nào thấy một cơn lũ lớn như thế. Lũ kèm theo cát tràn về như thác vùi dập nhà cửa tan hoang. Xưa nay lũ cũng có nhưng nước không lên nhanh như mấy năm lại đây. Còn lũ cát thì chưa bao giờ thấy. Vậy mà nó đã xảy ra”.

Cơn lũ cát đổ về trong đêm tối khiến người dân Đại Mỹ không kịp trở tay. Nước, cát ngoài sông mặc sức lao thẳng vào làng. Đêm đó khi nghe tiếng nước lũ từ thượng nguồn ầm ầm đổ về, lập tức người dân trong làng đã trèo lên nóc nhà tháo thuyền thả xuống nước. Họ vứt lại tài sản, nhà cửa, bồng bế nhau chèo thục mạng lên hướng núi. Hôm sau khi quay trở về thì làng đã thành một bãi cát trắng xóa tít tắp. Dẫn tôi ra bãi sông, ông Huệ than thở: “Chỗ này ngày trước là nơi canh tác để sinh sống. Vậy mà giờ đây cát phủ kín trắng như sa mạc nên chả ai còn tha thiết với ruộng vườn nữa”.

Sống – mất nhà, chết – mất mồ

Đã gần một năm trôi qua, vậy mà giờ đây cát vẫn còn y nguyên trên cánh đồng 15ha vốn rất phì nhiêu ngày trước của làng Đại Mỹ khiến cuộc sống người dân lâm vào khốn khó. “Mất đất nên dân không có việc để làm. Giờ đây buổi sáng thì đàn bà, con nít kéo nhau vào núi chặt củi về bán. Còn đàn ông, thanh niên phần lớn dạt xuống Đà Nẵng hay Tam Kỳ hoặc vào tận miền Nam làm thuê. Làng đã nghèo lại càng thêm trống vắng” – chị Lê Thị Sim, người làng Đại Mỹ, buồn bã nói.

Để tránh tai họa tái diễn, ngay sau khi lũ rút, chính quyền huyện Đại Lộc quyết định dời làng Đại Mỹ sâu vào chân núi. Đợt đầu có 10 hộ dân với 26 khẩu được hỗ trợ di dời khẩn cấp. “Đó là những hộ bị lũ cát quét sạch nhà cửa”, ông Hồ Quang Bốn nói. Nhưng khi đã chuyển vào nơi ở mới, không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền cũng nơm nớp nỗi lo âu “liệu lũ cát có ghé thăm lần nữa không”.

Ngồi bên hiên nhà mới dựng, chị Huỳnh Thị Cam – người bị mất hết nhà cửa trong trận lũ cát năm ngoái – tâm sự: “Hai vợ chồng tích cóp nhiều năm mới cất được nhà. Nhưng vừa dọn vào ở chưa ấm chỗ thì lũ cát ập về cuốn sạch”. Nói rồi chị Cam chua chát: “Chuyển vào nơi ở mới chỉ là thế cùng thôi. Ở trong này ruộng vườn đâu được màu mỡ như ngày trước”. Cùng hoàn cảnh như người làng Đại Mỹ, người dân ở làng mới Phương Trung (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cũng ngày ngày đau đáu về làng cũ.

Đã 11 năm tròn kể từ ngày cơn đại hồng thủy (1999) xóa sổ làng cũ Phương Trung nằm bên triền sông Vu Gia đến nay, thế nhưng đi đâu cũng bắt gặp những ánh mắt buồn đau đáu nhìn về làng cũ. “Về ở đây lâu rồi mà sao cứ nhớ làng cũ lắm. Nhớ mồ mả ông bà, nhớ bến nước bãi sông. Đã vậy cuộc sống nơi ở mới cũng nhiều khó khăn, đất đai cằn cỗi hơn. Làng mới nên cái gì cũng mới” – bà Mười, người làng mới Phương Trung, tâm sự.

Nói rồi bà Mười nhớ lại: “Đêm đó nước dâng lên nhanh quá, tất cả dân trong làng chỉ còn cách trèo lên nóc nhà tránh lũ. Tình hình khi ấy căng lắm, một lúc sau thì thấy bộ đội đưa phà tới gấp rút chuyển dân đi. Người già, trẻ em được ưu tiên đi trước. Chạy lũ rầm rập cả đêm, sáng ra đứng trên cao nhìn xuống thì hỡi ôi làng cũ không còn nhìn thấy đâu nữa. Bao nhiêu nhà cửa, mồ mả cha ông chìm sâu trong nước…”. Ngay sau khi lũ rút, chính quyền quyết định di dời toàn bộ 330 hộ dân làng Phương Trung lên cao để ở và lập thành làng mới Phương Trung ngày nay. Từ đó cũng như người làng Đại Mỹ, người làng Phương Trung mang trong mình tâm trạng “một cảnh hai quê”.

Hôm lên làng Đại Mỹ, chúng tôi tình cờ gặp một nhóm người đang quanh quẩn tìm kiếm trên bãi bồi bên triền sông. Hỏi ra mới biết những người này ở trên phố về quê tìm phần mộ ông bà. Họ che lán trại bên bờ sông ở để tìm kiếm mộ của người thân đã nửa tháng nay nhưng không thấy. Ông Nguyễn Huệ, cả cuộc đời nghèo khó gắn bó với ngôi làng này, mếu máo: “Đau nhất là mộ phần của tổ tiên bị vùi lấp hết. Bao nhiêu mồ mả ông bà mấy đời nay mất hết rồi, biết tăm hơi đâu mà kiếm”. Còn ông Hồ Quang Bốn thì bảo hầu như gia đình nào trong làng cũng bị mất mồ mả cha ông. Do tại vị trí nghĩa địa cát bồi lấp cả mấy mét nên không thể lần mò ra được. Mấy tháng nay có rất nhiều người về tìm chút “hồi cốt” của người thân nhưng không mấy người may mắn tìm được.

HỮU KHÁ – ĐĂNG NAM