Thắc mắc 3: Việc trừ ma diệt quỷ

Câu hỏi: Thưa cha, con là Nguyễn Thị Thu Trang, 43 tuổi, nhà ở Quận 3, Tp. HCM. Con có chơi thân với 1 người bạn, người Khơ Me, chị này chơi bùa ngải. Con xin hỏi cha, người ta có thể trừ ma, diệt quỷ như các thầy bùa, thầy pháp được không? Con nghe nói các nhà sư thuộc phái Mật tông có thể trừ ma diệt quỷ nên cón nhiều người Công giáo đến xin cứu giúp. Vậy cha nghĩ thế nào về vấn đề này? Trả lời Câu hỏi của con nêu lên một vấn đề lớn trong xã hội hiện nay, vì hiện tượng ma ám, quỷ nhập cũng như các thầy trừ tà dùng bùa mê, phép giải đang nở rộ trong một xã hội có khuynh hướng duy vật. Vấn đề con đặt ra đang còn gây nhiều tranh cãi giữa các ý thức hệ (như duy tâm, duy vật, duy thực, duy lý, vô thần hay hữu thần) giữa các tôn giáo lớn nhỏ và ngay cả giữa lòng Kitô giáo và Công giáo.

Thắc mắc 3: Việc trừ ma diệt quỷ

Câu hỏi: 

Thưa cha, con là Nguyễn Thị Thu Trang, 43 tuổi, nhà ở Quận 3, Tp. HCM. Con có chơi thân với 1 người bạn, người Khơ Me, chị này chơi bùa ngải. Con xin hỏi cha, người ta có thể trừ ma, diệt quỷ như các thầy bùa, thầy pháp được không?

Con nghe nói các nhà sư thuộc phái Mật tông có thể trừ ma diệt quỷ nên có nhiều người Công giáo đến xin cứu giúp. Vậy cha nghĩ thế nào về vấn đề này?

Trả lời

Câu hỏi của con nêu lên một vấn đề lớn trong xã hội hiện nay, vì hiện tượng ma ám, quỷ nhập cũng như các thầy trừ tà dùng bùa mê, phép giải đang nở rộ trong một xã hội có khuynh hướng duy vật. Vấn đề con đặt ra đang còn gây nhiều tranh cãi giữa các ý thức hệ (như duy tâm, duy vật, duy thực, duy lý, vô thần hay hữu thần) giữa các tôn giáo lớn nhỏ và ngay cả giữa lòng Kitô giáo và Công giáo.

1. Câu trả lời đơn giản của cha là người ta có thể xua đuổi được tà ma, ác quỷ dù họ là thầy bùa, thầy pháp, thầy mo hay các sư ni thuộc hệ phái nào cũng được, miễn là có đủ điều kiện. Con có nhớ đến câu chuyện một người trừ quỷ ngoài nhóm môn đệ Đức Giêsu Kitô không? Ông Gioan trình với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta. Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy (Mc 9, 38-39; x. Lc 9,49-50).

Còn việc một số người Công giáo đến xin các nhà sư Mật tông cứu giúp có thể vì họ quá bức xúc trước tình trạng khốn khổ, nên “hữu sự thì vái tứ phương” thôi con. Một phần cũng vì các môn đệ Chúa Giêsu không chịu chạy chữa cho người ta đúng như Đức Giêsu đã uỷ thác: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ… Nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,15-18).

Con có dám gắn bó với Chúa Giêsu để xua trừ ma quỷ, cứu giúp con người không?

2. Cha xin giải thích rõ hơn một vài từ ngữ trong câu hỏi của con.

* Trước hết, con cần phân biệt ma với quỷ như cha đã trình bày trong lời giải đáp về thắc mắc số 2: “Con người có thể tiếp xúc với ma quỷ được không?”.

Tiếp theo, kiểu nói “trừ ma diệt quỷ” có vẻ khủng khiếp và tiêu cực quá. Nếu hiểu “trừ” là làm cho mất đi hay “diệt” là giết chết hoặc làm mất khả năng tồn tại, thì cha nghĩ rằng không ai có thể tiêu diệt được ma quỷ vì đây là các hồn thiêng muôn đời tồn tại. Theo nguyên nghĩa: trừ quỷ “exorcism” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp exorkizein: lấy lời thề để trục xuất. Đây là hành động dùng 1 lời thề để truyền lệnh cho ma quỷ phải ra khỏi một người bị chúng nhập hoặc cấm chúng không làm hại ai (x. J. A. Hardon, Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, NXB Phương Đông 2008, tr. 632; x. Olivier de la Brosse, AM. Henry, P. Rouillard, Từ Điển Đức Tin Công Giáo).

Chính Thiên Chúa là nguồn hiện hữu, một khi đã ban cho các thiên thần được có mặt thì dù các thiên thần sa ngã thành quỷ, Ngài cũng không thể biến chúng thành hư không, xoá bỏ sự hiện hữu của chúng. Một khi Chúa đã ban ơn, không bao giờ Ngài đòi lại. Thiên Chúa vẫn yêu thương mọi loài mà Ngài đã dựng nên, dù chúng có thể chối bỏ Ngài. Đấy là mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa.

Việc trừ ma diệt quỷ ở đây có lẽ nên hiểu là việc xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người hay khỏi một nơi chốn, một sự vật nào đó để tìm lại sự an lành tốt đẹp. Chính Chúa Giêsu cũng hành động như thế khi cho quỷ nhập vào đàn heo (x. Mt 5,1-20), khi đuổi chúng ra khỏi người bệnh (x. Mc 9,25).

* Hơn nữa, con cũng không nên có ý nghĩ cho rằng tất cả mọi thầy phù thuỷ, thầy pháp, thầy mo, thầy bùa, thầy cúng đều xấu xa và lợi dụng sự mê tín của con người mà lừa dối họ (x. Tự Điển Bách Khoa Việt Nam, các mục từ liên quan) hoặc những người này đã bán linh hồn cho quỷ dữ cao cấp như Satan, Beelzebul (x. Mt 10,34; 10,25; 12,24; Mc 3,22; Lc 11,15) để trừ các ma quỷ cấp dưới như người ta từng xuyên tạc hành động của Đức Giêsu.

Thật sự, trong dòng lịch sử loài người, ngay cả trước khi có Đức Giêsu, đã có những người do lòng thành kính, tin tưởng, do đời sống tốt lành, chay tịnh, họ vẫn có thể xua trừ ma quỷ để giúp đỡ con người. Khi họ sống trung thực muốn bảo vệ sự sống cho con người là họ đang hành động như Chúa Giêsu, đang đi trên con đường sự thật và sự sống của Người (x. Ga 14,6) dù họ không hề biết Đức Giêsu lịch sử, không theo Kitô giáo hay Công giáo. Họ thật sự đang nhân danh Đức Giêsu xua đuổi ma quỷ và họ có đủ điều kiện để thành công, đó là lòng tin vào Đức Giêsu (x. Mt 17,19-20), đời sống tốt đẹp, cầu nguyện (x. Mc 9,29), chay tịnh (x. Mt 17,21) và nhất là tình yêu muốn cứu độ như Người (x. Mc 6,34; 9,35-36).

* Cha cũng muốn nói rõ thêm về các vị sư thuộc phái Mật tông

Mật tông hay Mật giáo (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ Mật Tông, quyển 2; x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, 2006, tr. 495) là một tông phái của Phật giáo. Phái này chủ yếu nghiên cứu và sử dụng những phép tu luyện huyền bí như bùa chú, ấn quyết… và tin rằng nhờ đó có thể mau chóng đạt tới định tâm, mở mang trí tuệ, thành tựu giác ngộ và giải thoát.

Phái Mật tông có mặt ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ, dù đa số Phật tử ở Việt Nam theo Tịnh Độ tông (khoảng 80%), tiếp đến là Thiền tông và các tông phái khác.

Mật tông có một số sách kinh căn bản như: Bộ Mật Tông, 4 cuốn, 816 trang, dịch giả Thích Viên Đức, xuất bản năm 1995; kinh Mi Tiên Vấn Đáp (Milindapanha), 996 trang, do Hoà thượng Giới Nghiêm dịch, xuất bản năm 2003; kinh Đại Bát Niết Bàn (2006); kinh Kim Cương, Bát Nhã Bà La Mật (2007); kinh Địa Tạng (2007); kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni (2003). Các sách kinh này có nói đến các phương pháp trừ yêu ma, ngạ quỷ, các loại ấn chú…

* Giáo huấn của Giáo hội Công giáo cũng dạy chúng ta khá nhiều điều về vấn đề này. Con có thể đọc thêm trong sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (Bộ Giáo lý Đức tin biên soạn, bản dịch Việt ngữ, xuất bản 2010) ở các số theo các đề tài sau:

– Các thiên thần sa ngã: 391, 392, 414.

– Các công việc của ma quỷ: 394-395, 398, 2851-2852.

– Các cuộc trừ quỷ: 517, 550, 1237, 1673.

– Chúa Giêsu trừ quỷ: 421, 447, 539, 550, 566, 635-636, 1086, 1708.

– Các Tông đồ và quyền năng xua đuổi ma quỷ: 1056.

– Cuộc chiến đấu của con người chống lại quyền lực đen tối: 407, 409.

– Sự giải thoát khỏi ma quỷ: 2850, 2853-2854.

* Công đồng Vaticanô II (1962-1965) trong nhiều văn kiện đã nói đến tác động của ma quỷ trong đời sống con người (Hiến chế Giáo hội (GH) Lumen Gentium, 16; Hiến chế Mục vụ (MV) Gaudium et Spes, 13) và Thiên Chúa đã cho người nữ chiến thắng con rắn (GH 55). Đức Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta  khỏi quyền lực ma quỷ (Hiến chế Phụng vụ (PV) Sacrosanctum Concilium, 16), Sắc lệnh Truyền giáo (TG) Ad gentes 3,9; MV 22) khi bẻ gãy quyền lực thần dữ (MV 2), xua đuổi ma quỷ (GH, 5).

Cuộc chiến cam go chống lại quyền lực của bóng tối tiếp diễn suốt dòng lịch sử nhân loại (MV 37). Chúng ta hãy mặc lấy binh giáp của Thiên Chúa (GH 48) và phải chống lại các thủ lãnh của thế gian tăm tối này cũng như chống lại tà thần (GH 35).

* Bộ Giáo luật mới, năm 1983, điều 1172 xác định rằng:

– Tiết 1: “Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, nếu không được Bản quyền Địa phương (cụ thể là Đức Giám mục giáo phận) ban phép đặc biệt và minh nhiên”.

– Tiết 2: “Bản quyền Địa phương chỉ được ban phép này cho linh mục nào đạo đức, có kiến thức, khôn ngoan cũng như có đời sống vẹn toàn”.

Theo như cha biết thì ít có linh mục nào đáp ứng được các tiêu chuẩn khá cao như trên để được chỉ định rõ ràng vào việc xua đuổi ma quỷ nên nhiều vị linh mục không muốn dấn thân vào việc này. Do đó, nhiều tín hữu Công giáo đã phải tìm đến các vị sư Mật tông.

Thực ra, nếu các thầy pháp, thầy phù thuỷ, các đạo sĩ, thiền sư trong các tôn giáo khác do lòng thành tín, còn xua đuổi được quỷ ma, thì các tín hữu Công giáo, dù biết mình yếu đuối, tội lỗi, vẫn có thể tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu, nhờ ơn trợ giúp đặc biệt của Người (x. Mc 16,20; Cv 5,12) vì chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu cơ mà! Con có tin như thế không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn