26/12/2024

Bạo lực gia đình vì sao tiếp diễn?

TT – Dự thảo chiến lược quốc gia về gia đình 2011-2020 vừa được công bố lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra các chỉ tiêu: đến năm 2020 trên 90% gia đình không có bạo lực, tệ nạn xã hội; trên 80% nam nữ được cấp chứng nhận đã trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn.

Bạo lực gia đình vì sao tiếp diễn?

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Bảy, 11/09/2010

TT – Dự thảo chiến lược quốc gia về gia đình 2011-2020 vừa được công bố lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra các chỉ tiêu: đến năm 2020 trên 90% gia đình không có bạo lực, tệ nạn xã hội; trên 80% nam nữ được cấp chứng nhận đã trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn.

Mục tiêu này có… trong tầm tay!

Đèn nhà ai nấy sáng, chuyện nhà ai nấy tỏ

Hôm 9-6-2010, đường dây tư vấn bạo lực gia đình của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) nhận được điện thoại của một phụ nữ quê ở Hà Nội, đã có con 4 tháng nhưng chưa đăng ký kết hôn do hai vợ chồng đều chưa đến tuổi theo quy định.

Từ ngày 9 đến 13-6, người phụ nữ bốn lần gọi đến đường dây thông báo bị chồng đánh thâm tím mặt mày, thương tích phần mềm. Chị về nhà mình, chồng đến đánh luôn cả bố mẹ vợ, kéo vợ về nhà. Bà mẹ chồng không can thiệp được vì vừa nói anh con trai đã dọa giết. Hàng xóm sợ hãi không dám can…

Chị Tuyết Anh, cán bộ tư vấn của CSAGA, cho hay nguyên do dẫn đến tình trạng trên là vợ chồng này đều ít học hành, kết hôn sớm, chưa kể hai người không có việc làm ổn định. Một hôm chịu không thấu, người vợ viết đơn gửi cơ quan chức năng ở phường nhưng họ bảo để đó, bao giờ có bạo lực thì xử lý!

Chị Nguyễn Thu Thúy, phó giám đốc CSAGA, cho biết khi gọi đến chủ tịch một xã ở Hưng Yên đề nghị can thiệp giúp một phụ nữ bị bạo hành ở xã này, ông nói “tôi chỉ là chủ tịch xã, có thể làm được gì”! Theo chị Thúy, hiện mỗi tháng đường dây tư vấn có khoảng 300 cuộc gọi của chị em bị bạo hành. Rất nhiều trường hợp tìm đến đường dây chủ yếu chia sẻ, chứ không có ý tố cáo chồng và cũng không biết cơ quan chức năng có vai trò thế nào. Bên cạnh đó, hằng tháng có khoảng 300 cuộc gọi đến đường dây là nam giới mong muốn tư vấn để giúp mình kiềm chế tính vũ phu.

Quan trọng là ý thức cá nhân

Trong dự thảo chiến lược quốc gia về gia đình vừa được công bố, Bộ Văn hóa – thể thao & du lịch, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chiến lược, đã đưa ra các mục tiêu: đến năm 2020 có 90% gia đình không có bạo lực, tệ nạn xã hội; trên 80% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn có chứng chỉ được trang bị kiến thức tiền hôn nhân; trên 90% gia đình được trang bị kiến thức về Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, phòng ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình …

Đáng chú ý là trong chiến lược xây dựng gia đình VN 2005-2010, các mục tiêu này cũng đã được đặt ra. Theo đó đến năm 2010 trên 80% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức tiền hôn nhân. Song việc trang bị kiến thức tiền hôn nhân mới chỉ áp dụng kiểu thí điểm, số lượng người tham gia rất hạn chế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Hoàng Du, quyền vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – thể thao & du lịch), cho rằng quan trọng là ý thức cá nhân, cá nhân phải biết thế nào là tốt và ngược lại. Ông Du cho rằng phòng chống bạo lực đã làm nhiều, đã có nhiều quy định, không thể nói bạo lực gia đình gia tăng (dù trên phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên xuất hiện các câu chuyện đau lòng này), vì chưa có khảo sát nào về tình hình bạo lực gia tăng và nhận xét về tình hình bạo lực gia đình chỉ là nhận xét cảm tính.

Tuy nhiên, cũng như chiến lược gia đình 2005-2010, dự thảo chiến lược gia đình 2011-2020 chưa đưa ra được các hoạt động có hiệu quả như giáo dục tiền hôn nhân thế nào, giảm bạo lực trong gia đình bằng cách nào, cơ quan chức năng không thực hiện luật thì xử lý ra sao…

LAN ANH