Ấn Độ điều tra dân số theo đẳng cấp

TT – Lần đầu tiên sau 80 năm, Chính phủ Ấn Độ lại quyết định đưa thông tin về đẳng cấp vào cuộc tổng điều tra dân số năm 2010-2011, bất chấp những tranh cãi và phản đối trong dư luận.

Ấn Độ điều tra dân số theo đẳng cấp

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày 11-9-2010

TT – Lần đầu tiên sau 80 năm, Chính phủ Ấn Độ lại quyết định đưa thông tin về đẳng cấp vào cuộc tổng điều tra dân số năm 2010-2011, bất chấp những tranh cãi và phản đối trong dư luận.

Quốc hội Ấn Độ ngày 9-9 cho biết việc khảo sát đẳng cấp sẽ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9-2011, với chi phí lên đến 850 triệu USD. Quyết định được thông qua sau khi nhóm bộ trưởng được phân công xem xét vấn đề này gật đầu đồng ý vào tháng trước.

Đây là lần đầu tiên người dân Ấn Độ đối mặt với câu hỏi về đẳng cấp kể từ năm 1931 khi nước này còn nằm dưới sự cai trị của chính quyền Anh. Trong suốt 80 năm qua, sự phân biệt đẳng cấp bị cấm và bị xóa sổ trong mọi giấy tờ hành chính, mặc dù chính phủ vẫn dành một số ưu đãi về giáo dục và việc làm cho những người thuộc tầng lớp hạ đẳng (Dalit).

Cách đây vài tháng, khi được đặt lên bàn thảo luận, việc thống kê đẳng cấp đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận lẫn chính phủ. Những người chống đối cho rằng chính thức hóa hệ thống đẳng cấp là khơi sâu những mâu thuẫn, bất công trong xã hội. “Thế hệ trẻ, chiếm hơn 70% dân số Ấn Độ, với tư tưởng tự do giờ đây lại bị giam cầm trong cái cũi của hệ thống đẳng cấp” – Charan Das, một thành viên hạ viện, khẳng định.

Tuy nhiên, chính phủ cũng như những người ủng hộ lại cho rằng sự thống kê đẳng cấp sẽ giúp chính phủ đưa ra các chương trình phúc lợi hiệu quả hơn cho các tầng lớp thấp. Bộ trưởng nội vụ Palaniappan Chidambaram cho biết quyết định được đưa ra sau nhiều phiên thảo luận của các đảng chính trị.

Hệ thống đẳng cấp, dựa trên các tư tưởng xa xưa về sự thuần khiết và ô uế của mỗi người ngay từ khi sinh ra từ 2.000 năm qua, hiện vẫn tồn tại trong xã hội Ấn Độ. Nó quyết định cuộc sống, vị trí, hôn nhân, cơ hội… của mỗi người trong xã hội. Nó cũng là nguyên nhân của vô số vụ tranh giành lợi ích đẫm máu và những vụ giết người vì danh dự.

“Chúng tôi phải đứng cách xa những người thuộc các đẳng cấp cao. Quy định này chúng tôi đã biết ngay từ khi sinh ra. Ở các cửa hàng bán nước trà, chúng tôi có những cái chén riêng, chúng sứt mẻ và cáu bẩn. Uống xong, chúng tôi phải tự đem rửa. Chúng tôi phải tự đi lấy nước ở nơi cách xa, bởi vì chúng tôi bị cấm lấy nước ở những vòi nước của làng mình. Chúng tôi không có quyền bước chân vào các đền thờ, còn ở trường học chúng tôi phải ngồi bên ngoài, trước cổng trường… Những đứa trẻ thuộc các đẳng cấp trên không cho chúng tôi sờ đến trái banh của chúng… Chúng tôi chơi với những hòn đá” – Rajesh, 19 tuổi, thuộc tầng lớp cùng đinh trong xã hội Ấn, nói.

TS Gopal Guru – giáo sư xã hội học thuộc Đại học Pune, thành viên Trung tâm nghiên cứu các xã hội đang phát triển của New Delhi – cho biết hơn 160 triệu người, tức 1/6 dân số, đang sống trong hoàn cảnh tương tự.

TRẦN PHƯƠNG
(Theo WSJ, BBC, India Times)