Khai phóng nội lực để tiến lên

TT – 65 năm là vừa một đời người. Một cuộc đời bắt đầu vào những ngày mùa thu kỳ diệu của năm 1945 lịch sử nay đã có thể đủ thời gian trầm tĩnh nhìn lại những thăng trầm đã qua của một giai đoạn nhiều bão táp nhất trong lịch sử đất nước.

Khai phóng nội lực để tiến lên

 

Tuoitre.vn Thứ Năm, 02/09/2010

TT – 65 năm là vừa một đời người. Một cuộc đời bắt đầu vào những ngày mùa thu kỳ diệu của năm 1945 lịch sử nay đã có thể đủ thời gian trầm tĩnh nhìn lại những thăng trầm đã qua của một giai đoạn nhiều bão táp nhất trong lịch sử đất nước.

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với GS.TS Phùng Hữu Phú – phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – về hình ảnh VN sau 65 năm độc lập không chỉ với tư cách một nhà quản lý văn hóa tư tưởng, mà còn là một nhà sử học nghiên cứu rất kỹ giai đoạn lịch sử này.

* Thưa ông, nhà sử học trong ông ấn tượng nhất về hình ảnh gì của đất nước mình vào thời điểm đất nước độc lập?

– Đó là hình ảnh một đất nước hơn 2 triệu người chết đói đến hình ảnh một nước VN mới mùa thu 1945 “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Từ bùn lầy, đói khổ, lầm than mới hiểu được vì sao Tuyên ngôn độc lập có sức âm vang lớn lao như vậy, mới hiểu sự vỡ òa của hàng triệu con tim khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về độc lập, về tự do, nhân quyền… Đặt trong bối cảnh ấy: qua nạn đói, qua trận lụt thế kỷ, qua 80 năm mất nước mới hiểu thế nào là độc lập dân tộc, là tự do, mới hiểu thế nào là tầm vóc của bản Tuyên ngôn độc lập.

Cách mạng Tháng Tám và đỉnh cao là Quốc khánh thể hiện sức sống nội sinh của một dân tộc được phục hưng, một khát vọng dồn nén 80 năm nô lệ thành hiện thực. Một hình ảnh rất cụ thể, thực tế: như một người sắp chết đói đã nằm kề huyệt mộ, bỗng mùa thu cách mạng tiếp cho nguồn sống, vùng lên sống dậy.

* Nếu như có thể đánh giá thật ngắn gọn về những thành tựu cơ bản nhất của VN trong 65 năm qua, ông sẽ chọn điều gì?

– Thay đổi lớn nhất và cũng là thành tựu lớn nhất là độc lập và chủ quyền được xác lập và giữ vững, nền dân chủ được từng bước xây dựng.

* Từ những bài học vinh quang và xương máu của lịch sử, ông có dự báo gì về hình ảnh đất nước trong 10-20 năm tới?

– Sẽ nhiều khó khăn, nhiều thử thách. Có những khó khăn của xã hội hiện đại mà thậm chí hôm nay chúng ta chưa hình dung ra hết, sẽ rất vật vã, gay gắt, dữ dội. Nhưng cả một dân tộc đoàn kết sẽ đủ nghị lực và trí tuệ để đi tới. Thế giới sẽ biết đến VN như một quốc gia hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, có thu nhập ngày càng cao hơn và là bạn và đối tác tin cậy của nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế.

Thành tựu thứ hai là từ một nền kinh tế “trắng tay”: trong ngân khố năm 1945 chỉ có 2 vạn đồng tiền Đông Dương rách nát, năm 1975 cả hai miền kiệt quệ vì chiến tranh kéo dài, nay đã có một nền kinh tế độc lập và tự chủ, phát triển tương đối nhanh. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã có vóc dáng của một nền kinh tế công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ.

Một nền kinh tế tuy sức cạnh tranh còn có hạn nhưng đủ sức đáp ứng những nhu cầu cơ bản của nhân dân, đủ sức trụ vững và vượt qua những thách thức của khủng hoảng khu vực và toàn cầu như đã vượt qua trong đại suy thoái 2008-2009.

Một thành tựu nữa không thể không tự hào là từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, rồi được biết đến như một quốc gia chỉ có chiến tranh, đến thời điểm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chủ tịch ASEAN… Tuy để đạt đến ước nguyện của Bác Hồ là “sánh vai với các cường quốc năm châu” còn phải phấn đấu rất nhiều, nhưng rõ ràng chúng ta đã có một vị thế trên diễn đàn quốc tế, cái tên VN đã trở thành một đối tác kinh tế và chính trị mà các bên đều muốn tham khảo và tranh thủ.

* 65 năm qua, chúng ta đã có nhiều vinh quang chói lọi, nhưng cũng phải thừa nhận là chúng ta đã có những điều sai lầm, ngoài nạn ngoại xâm chúng ta cũng đã tự gây cho mình những thương tổn mà lẽ ra đã không mắc phải. Nhà sử học và nhà hoạch định quản lý chính sách tư tưởng – văn hóa có thể bình luận một chút về vấn đề này?

– Phải nhìn nhận và nói thẳng một thực tế: khát vọng tự do vừa được khơi dậy, thành quả độc lập tự do chưa kịp hưởng, cả dân tộc đã phải bước ngay vào cuộc trường chinh máu lửa.

Chúng ta chỉ được hưởng một nền độc lâp chưa trọn vẹn, thành quả dân chủ còn rất hạn chế đã phải lao vào chiến tranh. Thực tế ngoài ý muốn, ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã cố gắng cao nhất để vãn hồi hòa bình – không chỉ chúng ta thấm thía điều đó, mà sử liệu của các nhà sử học thế giới cũng ghi lại đầy đủ những diễn biến ấy, nhưng một thực tế lịch sử đau lòng ngoài ý muốn là chúng ta đã lỡ mất chuyến tàu hòa bình 30 năm.

Nhiều người cũng có thể phản bác: “Nhưng chiến tranh đã qua 35 năm rồi mà chúng ta vẫn đi chậm”, nhưng hãy nhìn và hãy hiểu những gì mà chiến tranh để lại. Hậu quả nặng nề không chỉ là số người chết chóc và thương vong trong chiến tranh. Hậu quả thời hậu chiến mới là ghê gớm. Sức tàn phá âm ỉ thời hậu chiến mới là nặng nề hơn nữa.

Có nôn nóng, có sự duy ý chí trong tâm lý dân tộc. Đó là điều thật ra cũng khó tránh khỏi. Mấy chục triệu con người ra khỏi chiến tranh với tâm lý của kẻ lỡ chuyến tàu tốc hành hòa bình 30 năm trước, muốn thành công nhanh chóng và gấp gáp để bắt kịp chuyến tàu, bằng đi tắt, bằng đốt cháy giai đoạn. Do vậy mà có vấp váp, sai lầm, tả khuynh.

Mặt khác, có một sự thật, về danh nghĩa ta đã được sống trong độc lập và hòa bình, nhưng chúng ta cùng lúc vẫn phải chịu đựng sự bao vây, cấm vận và căng mình ra với sự chống phá nhiều mặt của các thế lực thù địch.

Nhìn lại toàn cảnh 65 năm gian lao vất vả đó để thấy những gì chúng ta có được là vô cùng giá trị.

* Thưa ông, có nhiều người vẫn cho rằng chúng ta hơi quá lạc quan với các con số về chỉ số phát triển, vì chỉ so với chính chúng ta trong quá khứ. Nếu như đặt trong một so sánh khác, có lẽ tình hình sẽ được dự báo một cách dè dặt hơn?

– Tôi đồng ý là không nên và không thể chỉ so sánh mình với mình. Không thể chỉ so VN 2010 với VN 1975 mà trong thời đại toàn cầu hóa, cần phải so sánh giữa các quốc gia, các nền kinh tế với nhau trong cùng thời điểm. Rất cần phải so VN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để thấy mình đang tụt hậu như thế nào. Nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa cách so sánh toàn cầu đồng đại như vậy.

Các quốc gia này đã đi vào kinh tế thị trường trước chúng ta ít nhất cũng 40 năm, nhiều thì hàng trăm năm. Hoàn cảnh của họ lúc bước vào kinh tế thị trường cũng khác xa với chúng ta. Sự so sánh và tham khảo là cần thiết, để xác định chính xác vị trí của chúng ta. Nhưng cần có một tâm thế trầm tĩnh, sâu sắc, quyết đoán, khoa học và luôn luôn không được rời xa mảnh đất quê hương mình, Tổ quốc mình để tư duy và hành động. Nếu không, sẽ đi từ cực duy ý chí này sang cực duy ý chí khác, từ giáo điều này sang giáo điều khác.

* Nhiều trí thức, nhà hoạt động xã hội cũng cho rằng bên cạnh giáo dục lòng tự hào dân tộc, tổng kết và thông tin về những thành tựu đã đạt được, cũng nên giáo dục cho công dân VN lòng tự trọng dân tộc bằng cách liên tục cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày về tổng dư nợ quốc gia, về tỉ lệ người nghèo, về tai nạn giao thông… như một nỗi xấu hổ cần phấn đấu để dần loại bỏ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

– Có nhiều cách để giáo dục cả lòng tự hào và lòng tự trọng dân tộc. Khẳng định thành tựu và vị thế để tự hào, vạch ra và nhắc nhở cái yếu kém để khơi dậy lòng tự trọng dân tộc, tự ái dân tộc trong mỗi người để quyết chí vươn lên.

Chúng cần cùng lúc tiến hành song song cả hai cách này, đặc biệt trong giáo dục xã hội bằng truyền thông; tuyệt đối hóa cách này hay cách khác là không nên. Cái đích phải đạt tới là khơi dậy, nuôi dưỡng và khai phóng nguồn nội lực vĩ đại của dân tộc để tiến lên.

THU HÀ thực hiện