Tránh dùng “tiếng lai”

TT – Tôi rất tiếc vì bận rộn nên không đến dự được buổi tọa đàm ngày 25-8 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội. Đọc bài tường thuật trên số báo ra ngày 26-8, tôi đồng tình với những nhận xét và góp ý của những người tham dự đối với nội dung tờ báo.

Tránh dùng “tiếng lai”

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Sáu, 27/08/2010

 

TT – Tôi rất tiếc vì bận rộn nên không đến dự được buổi tọa đàm ngày 25-8 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội. Đọc bài tường thuật trên số báo ra ngày 26-8, tôi đồng tình với những nhận xét và góp ý của những người tham dự đối với nội dung tờ báo.

Đi đôi với việc nâng cao chất lượng về nội dung, tôi rất mong Tuổi Trẻ nêu gương giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt là khắc phục việc dùng chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, một cách vô lối trong các bài viết (thường gọi là dùng “tiếng lai”).

Ngoại trừ tên riêng và từ khoa học mới chưa có từ tương ứng trong tiếng Việt, mỗi khi dùng từ nước ngoài đều phải xem xét kỹ; nếu có từ tiếng Việt đồng nghĩa thì dùng từ Việt; khi cần thiết có thể kèm từ nước ngoài viết trong ngoặc. Kiên quyết không dùng từ nước ngoài khi có thể diễn đạt đủ ý bằng tiếng Việt, dù có khi phải viết dài hơn.

Lấy ngay số báo Tuổi Trẻ ngày 26-8 làm ví dụ: bài “Thần tượng” (mục Chuyện thường ngày) viết “sàn catwalk” mặc dù một chỗ khác trong bài đã dùng từ “sàn diễn”. Trang 5 có bài mang tiêu đề “Chặn nội dung bạo lực trong game online”, trong bài có chỗ viết “trò chơi trực tuyến (game online)”, nhưng có chỗ lại viết “game thủ”, “người yêu thích game”…

Có người cho rằng dùng “tiếng lai” thúc đẩy việc học và thực hành ngoại ngữ, nhưng phải chăng học ngoại ngữ có thể coi thường tiếng mẹ đẻ, không cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Có thể thấy rằng những người sính dùng tiếng lai hoặc không rành tiếng Việt hoặc không thật sự hiểu sâu tiếng nước ngoài nên không dịch được sang tiếng Việt.

Tôi “lý sự” hơi dài một chút vì biết rằng đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tuổi Trẻ giàu nhiệt tình và có tay nghề cao song có thể có bạn chưa chú ý đúng mức tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nên chăng đi liền với việc duy trì mục “Tiếng nước tôi”, báo Tuổi Trẻ nên vận động và có những quy định chặt chẽ tránh dùng “tiếng lai” trước hết trong phóng viên, biên tập viên của mình.

Trần Đức Nguyên

Mong thấy chính kiến của giới trẻ

Tuổi Trẻ nên tiếp tục đầu tư hơn nữa cho chuyên mục “Nhịp sống trẻ” với các diễn đàn mở về việc tuổi trẻ tham gia quản lý đất nước, tham gia làm “chính trị” như thế nào. Các ý tưởng mới của độc giả về chuyện xã hội thể hiện quan điểm sống, chính kiến của các bạn trẻ về các vấn đề phát triển đất nước bên cạnh việc thực hành các kỹ năng sống… sẽ làm sức sống của Tuổi Trẻ thêm sôi động hơn, tính chính luận sẽ được bộc lộ rõ ràng hơn.

Chính qua diễn đàn như thế này, Tuổi Trẻ sẽ kích thích được nhiều tầng lớp tuổi trẻ quan tâm nhiều hơn đến xã hội, xây dựng được thói quen nghĩ về việc của đất nước, bày tỏ thái độ và ý thức cụ thể, hình thành tinh thần trách nhiệm cộng đồng, phát huy sức trẻ của mình một cách thiết thực…Chính qua các diễn đàn như vậy, triết lý sống hiện thực sẽ được hình thành một cách rõ ràng hơn, triết lý xã hội sẽ có cơ hội bộc lộ thẳng thắn hơn. Mặt khác việc giáo dục kỹ năng sống có thể tập trung vào các kỹ năng “thành nhân”, kỹ năng trở thành người hữu ích.

Trang “Bạn đọc và Tuổi Trẻ” nên đầu tư nhiều hơn cho những người trong cuộc đối với những trường hợp, tình huống bức xúc đã được đăng trên báo hoặc những câu chuyện có thật đôi khi “không nói ra thì không ai biết”. Đặc biệt có thể xem xét việc chia sẻ kinh nghiệm làm giàu hay kinh nghiệm thành công của các doanh nhân trẻ hoặc những người thành đạt trẻ tuổi để nhiều người cùng chiêm nghiệm và tham khảo cho mình…

TS ĐINH PHƯƠNG DUY