Gốm ta về “tắm ao ta”

TT – Thay vì chỉ xuất khẩu, nhiều nhà sản xuất gốm sứ trong nước đã chọn hướng khai thác thị trường nội địa, đầu tư công nghệ mới, trên cơ sở đó đặt nền tảng cho việc chinh phục thị trường nước ngoài. Bài học này đã được một số doanh nhân ở Bình Dương áp dụng thành công, trong đó có Công ty gốm sứ Minh Long 1.

Gốm ta về “tắm ao ta”

 

Tuoirtre.vn Thứ Sáu, 03/09/2010

TT – Thay vì chỉ xuất khẩu, nhiều nhà sản xuất gốm sứ trong nước đã chọn hướng khai thác thị trường nội địa, đầu tư công nghệ mới, trên cơ sở đó đặt nền tảng cho việc chinh phục thị trường nước ngoài.

Bài học này đã được một số doanh nhân ở Bình Dương áp dụng thành công, trong đó có Công ty gốm sứ Minh Long 1.

Xuất ngoại thất bại

Từ ngày về nước lập lò gốm, ông Võ Thanh Quang, Việt kiều Mỹ, chủ lò gốm Út Quang (Bình Dương), cứ trăn trở tìm đầu ra cho gốm. Giữa năm 2001 ông đưa hơn 5.000 bộ sản phẩm gốm sứ qua Mỹ bán.

Ông Quang kể: “Trước khi đi tôi cũng đã thăm dò. Nhưng khi hàng qua đến nơi nhiều khách hàng lắc đầu chê xấu. Cuối cùng đành phải bán đổ bán tháo để về nước”. Ông Quang nói: “Chi hơn 4.000 USD cho cước vận chuyển nhưng có lặn lội mới hay sản phẩm của mình chỉ là cái mình có chứ chưa phải là cái khách hàng cần, đành chịu lỗ nặng”.

Xuất khẩu gốm sứ tăng

Bà Nguyễn Thị Điền – giám đốc Sở Công thương Bình Dương, cho hay mặc dù gặp khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ trong sáu tháng đầu năm tăng khoảng 10%. Hiện kim ngạch xuất khẩu gốm sứ hằng năm của Bình Dương khoảng 130 triệu USD.

Ông Bùi Văn Giang, chủ cơ sở lò lu Đại Hưng ở xã Tương Bình Hiệp (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương), chia sẻ: “Ba năm trước tôi nhận hợp đồng trị giá cả chục ngàn USD để xuất qua Nhật, Thái Lan, Lào… nhưng có làm mới biết các đơn hàng khó, công nghệ mình có lại quá khiêm tốn. Mẫu mã khách hàng đưa đã khó, bình gốm đa cạnh, miệng bình vuông, sản xuất mỗi loại một ít, vừa tốn công, nguyên liệu nên có đơn hàng bị lỗ nặng”.

Còn ông Đỗ Văn Vui, chủ cơ sở gốm sứ Minh Hưng, nói: “Biết mình không có khả năng đưa hàng trực tiếp đi nước ngoài nên phải dựa vào các doanh nghiệp trung gian. Nhưng chỉ trông vào thị trường ngoại, có lúc cơ sở rơi vào cảnh lao đao”.

Theo các nhà sản xuất, do không am hiểu thị trường, cũng chẳng rành thông lệ mua bán nên không ít người rơi vào thua lỗ.

Củng cố hậu phương

Ông Bùi Văn Giang chia sẻ: “Sau nhiều năm lặn lội tìm đầu ra, tôi đã quyết định quay lại củng cố thị trường nội địa. Quả thật, thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Mình lùi về sân nhà để củng cố, nâng chất cho gốm, khi mạnh, có điều kiện thì vươn ra xuất ngoại. Như thế hậu phương vừa vững chắc, tiền tuyến cũng thành công”.

Từ chiến lược tập trung củng cố thị trường trong nước, lò lu Đại Hưng của ông Giang đã bước qua khó khăn, thậm chí hàng làm ra không đủ bán. Mỗi lúc ra lò có hơn 20 ghe đến chờ lấy hàng đưa về các tỉnh Long An, Tiền Giang, TP Cần Thơ…

“Khi thấy đơn hàng xuất khẩu tốt, khả năng mình có thể, phù hợp công nghệ thì sẵn sàng vào cuộc. Nhưng hướng đến thị trường ngoại thì phải vững, không thể nhắm mắt đưa chân mà mất trắng”, ông Giang nói.

Ông Lý Ngọc Minh – chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 – cho rằng: “Đâu chỉ ở Việt Nam, hàng loạt cơ sở gốm sứ nổi tiếng tại Anh, Đức, Nhật cũng ọp ẹp và đã tuyên bố phá sản. Qua đi thực tế hơn 40 nước tôi nhận thấy doanh nghiệp mình cần sớm quay lại thị trường trong nước trước khi quá muộn. Cơ chế thị trường đang mở ra, nếu doanh nghiệp gốm sứ không có chỗ đứng ở sân nhà thì khó lòng vươn ra biển lớn. Nếu xuất khẩu phải là hàng tinh xảo, phải vững chắc chứ không nên chạy theo trào lưu, số lượng. Đến nay, khoảng 65% sản phẩm gốm sứ của Minh Long phục vụ thị trường trong nước và 35% xuất khẩu (trước đây là 98% xuất khẩu), nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khoảng 10%. Hiện hằng năm kim ngạch xuất khẩu của Minh Long đạt khoảng 20 triệu USD”.

Bệ phóng cho gốm sứ truyền thống

Không chỉ làng nghề ở Bình Dương, gốm sứ Bát Tràng cũng đã điều chỉnh hướng phát triển. Ông Lê Xuân Phổ, chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng, cho rằng việc doanh nghiệp gốm sứ củng cố thị trường nội địa là hướng đi đúng. Một thời gian dài gốm sứ Bát Tràng cứ chú trọng xuất khẩu, trong khi cơ sở sản xuất gốm lại nhỏ lẻ, làm thủ công… Việc xuất khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty trung gian, lợi nhuận đã ít, bán hàng qua trung gian lại càng ít hơn.

Hiện gốm Bát Tràng có khoảng 700 cơ sở, trong đó nhiều cơ sở bắt đầu tự chủ, có hơn 70% sản phẩm gốm Bát Tràng làm ra phục vụ thị trường trong nước. Thị trường nội địa đang tạo sức sống cho làng gốm. Khi lớn mạnh, có đơn hàng tốt các cơ sở cũng nên tận dụng xây dựng thương hiệu, xuất hàng đi nước ngoài. Hướng tới gốm sứ Bát Tràng sẽ tập trung vào các sản phẩm phục vụ du lịch.

Ông Lý Ngọc Minh cho rằng “Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường. Nhưng hơn ai hết doanh nghiệp phải hiểu mình đang ở đâu để có hướng đi đúng”.

Theo ông Minh, các cơ sở gốm sứ nên tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước, ở đó có cơ hội giao thương, gặp gỡ các đối tác để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công nghệ. Các cơ sở cũng không thể hoàn toàn mãi thủ công, phải nắm, phải biết và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Có như thế gốm sứ truyền thống mới mạnh, vững được”.

ANH THOA

Festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương

Hội chợ triển lãm về gốm sứ vừa khai mạc sáng 2-9 tại sân vận động Bình Dương (ảnh) là một phần của Festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương do tỉnh Bình Dương tổ chức, diễn ra từ ngày 1 đến 8-9, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu về thị trường, tiếp cận công nghệ, khoa học…

Với chủ đề “Gốm sứ Việt Nam – truyền thống – bản sắc và phát triển”, festival nhằm tôn vinh, giới thiệu về gốm sứ – một trong những nghề truyền thống nổi tiếng đặc sắc của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế kỷ từ Bắc đến Nam, đồng thời khẳng định vị trí, tiềm năng của nghề gốm sứ trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.