Làm ruộng ở lục địa đen: Việt Nam thôi xuất khẩu gạo?

SGTT.VN – Việt Nam đứng thứ 13/227 quốc gia, lãnh thổ có số dân tăng nhanh. Năm 1950 có 27 triệu người, năm 2000 có 78 triệu người. Theo dự kiến năm 2050 sẽ là 124 triệu người. Dân số tiêu dùng gạo khá cao, không thừa khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu kỹ thuật, nhân lực trồng lúa thay vì chỉ xuất khẩu gạo. Trong tương lai

Làm ruộng ở lục địa đen: Việt Nam thôi xuất khẩu gạo?

Sgtt.vn Ngày 30.08.2010

SGTT.VN – Việt Nam đứng thứ 13/227 quốc gia, lãnh thổ có số dân tăng nhanh. Năm 1950 có 27 triệu người, năm 2000 có 78 triệu người. Theo dự kiến năm 2050 sẽ là 124 triệu người. Dân số tiêu dùng gạo khá cao, không thừa khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu kỹ thuật, nhân lực trồng lúa thay vì chỉ xuất khẩu gạo.

Trong tương lai, có lẽ Việt Nam không còn là nước xuất khẩu gạo khi mỗi năm diện tích đất nông nghiệp giảm khoảng 21.000ha do: yêu cầu trưng dụng đất vào các mục đích khác, phải đảm bảo an ninh lương thực, nông dân tự thu hẹp diện tích lúa trong từng vụ, lo làm gạo ngon cơm hoặc chuyển đất lúa sang các cây trồng khác, tác động bất lợi do biến đổi khí hậu.

Những bước đi ban đầu

Các nhà xuất khẩu gạo trên thế giới luôn kỳ vọng vào thị trường gạo giá rẻ ở châu Phi. Họ giữ được thông hiểu liên tục về thị trường. Cách đây nửa thế kỷ, nhiều chuyên gia Việt Nam đã nhìn châu Phi như một vùng đất cần được chia sẻ và họ đã liên tục giúp châu Phi với tư cách chuyên gia của các tổ chức quốc tế khác nhau. Có lẽ vì vậy ý tưởng xuất khẩu chuyên gia kỹ thuật giúp châu Phi tự túc lương thực của GS Võ Tòng Xuân cũng là đóng góp có tính liên tục của các chuyên gia Việt Nam.

GS.TS Võ Tòng Xuân, với tư cách giám đốc công ty TNHH Phát triển nông thuỷ sản Việt – Phi (VAADCO VN) cho rằng châu Phi là nơi có nhiều dự án hỗ trợ quốc tế, cũng là nơi rất nghiệt ngã khi tiếp cận thực tế và các nguồn tài trợ này. GS Xuân bắt đầu thực hiện chương trình “xây dựng điểm trình diễn” lần đầu tại Sierra Leone và Nigeria từ năm 2006 – 2008. Trong bốn năm triển khai kỹ thuật trồng lúa nước kiểu Việt Nam, giáo sư Xuân đã chứng minh giải pháp bốn bước là đúng: (1) đưa các giống lúa từ Việt Nam sang trồng thử nghiệm để chọn giống lúa thích nghi, (2) nhân giống lúa thích nghi, (3a) thiết lập hệ thống thuỷ lợi (3b) thiết kế đồng ruộng sử dụng nước trời mưa, và (4) tổ chức sản xuất bằng cách đưa nông dân giỏi sang kèm cặp nông dân địa phương.

“Năm ngoái, Sudan và Mozambique tiếp nhận phương thức này và Mozambique đã chạy nhanh hơn các nơi khác. Những giống lúa từ Việt Nam đưa sang đang được nhân ra trên 300ha. Hệ thống thuỷ lợi đang được xây dựng nhờ kinh phí từ LAP, Lebanon tài trợ thông qua công ty Ubuntu AGRO. Sierra Leone và Nigeria bị chựng lại do địa phương không đủ kinh phí phát triển hệ thống dẫn thuỷ nhập điền.

Bộ trưởng Nông nghiệp Sudan, TS Abdelhalim I.Almutafie nghe giáo sư Võ Tòng Xuân, nói: “VAADCO VN chỉ có kỹ thuật chứ không có tiền”, đã rót kinh phí ban đầu để thực hiện các thử nghiệm chứng minh kỹ thuật Việt Nam áp dụng được tốt ở đây. Sau đó cùng kêu gọi đầu tư, vay tiền ngân hàng Sudan, mời nông dân giỏi của Việt Nam qua hướng dẫn nông dân địa phương trồng lúa… TS Abdelhalim I.Almutafie ủng hộ cách làm này. Ông hiểu rằng cách cầm tay chỉ việc mới có thể cải thiện tình hình. Tuy nhiên, theo GS Xuân không phải nước nào ở châu Phi cũng “chịu chơi“ như Sudan.

Nhân rộng thiện cảm về Việt Nam?

Theo các chuyên gia, nhiều nước vẫn chờ đợi sự trợ giúp và chưa chắc các nước châu Phi khác “chịu chơi“ như Sudan. Do đó, nếu xem chuyên gia nông nghiệp Việt Nam “cầm tay chỉ việc” cho nông dân châu Phi là hình ảnh đẹp thì đầu tư làm điểm trình diễn tại các nước châu Phi, quảng bá kỹ thuật canh nông Việt Nam, quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín Việt Nam, tận dụng cơ hội giúp châu Phi từ các nguồn tài trợ lớn hơn… tại sao không?

PGS.TS Dương Văn Chín, phó viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam tại Liberia, một trong những quốc gia châu Phi đang có sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, nói: “Người dân Liberia rất tình cảm đối với chuyên gia trồng lúa đến từ Việt Nam. Họ hiểu rằng người Việt đến đây giúp họ trồng lúa chứ không phải tìm đất sản xuất lúa cho chính mình”.

Theo GS Xuân, xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật ở châu Phi là cách tạo dựng hình ảnh đẹp không chỉ là thiện chí mà là giá trị nhân bản của Việt Nam giúp châu Phi tự túc lương thực. Đây là nét khác biệt giữa Việt Nam với các nước tới châu Phi để tìm kiếm nguồn lợi khác (thậm chí khoanh khu vực đưa nông dân địa phương ra khỏi vùng sản xuất…) Ngoài ra còn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng cho những trang trại tại châu Phi khi họ cần giống cây trồng, nhân lực, nông cơ, nông cụ, vật tư… Sau cùng là nhằm xây dựng hình ảnh mới cho việc xuất khẩu lao động từ các nông dân giỏi và cung cấp hàng hoá khác cho nhu cầu tại chỗ.

Riêng các nông dân giỏi của Việt Nam có thể tự túc canh tác kiếm thêm thu nhập từ việc trồng rau màu, vốn là nguồn thực phẩm thiết yếu nhưng các nước châu Phi phải nhập khẩu. Theo GS Xuân, riêng khoản này mỗi lao động có dư vài ba trăm đôla mỗi tháng là chuyện bình thường. Trong khi đó dù là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng ở Việt Nam đời sống người trồng lúa rất bấp bênh.

GS Võ Tòng Xuân cho biết trước đây ông từng gởi đề nghị tới bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình bày về kế hoạch đầu tư kỹ thuật và chuyên gia nông nghiệp sang châu Phi. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu.

Hoàng Lan – Đức Toàn