Nhiều câu hỏi với WHO về cúm A/H1N1

LBBT: Sự kiện Tổng Giám đốc WHO công bố đại dịch A/H1N1 chấm dứt, cho thấy con người vẫn còn nhiều lầm lẫn và các nhà khoa học có thể bị mua chuộc bằng tiền bạc, kéo theo thiệt hại lớn cho cộng đồng nhân loại, Báo Tuổi Trẻ đăng bái viết của Hiếu Trung, Thứ Năm, ngày 12-8-2010.

Nhiều câu hỏi với WHO về cúm A/H1N1

 

 

LBBT: Sự kiện Tổng Giám đốc WHO công bố đại dịch A/H1N1 chấm dứt, cho thấy con người vẫn còn nhiều lầm lẫn và các nhà khoa học có thể bị mua chuộc bằng tiền bạc, kéo theo thiệt hại lớn cho cộng đồng nhân loại, Báo Tuổi Trẻ đăng bái viết của Hiếu Trung, Thứ Năm, ngày 12-8-2010.

 

Khi tuyên bố “đại dịch thế kỷ” cúm A/H1N1 đã chấm dứt, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan biện bạch: thế giới đã “gặp may” khi virut cúm A/H1N1 không biến đổi gen thành loại virut nguy hiểm hơn và văcxin Tamiflu đã tỏ ra có hiệu quả.

“Xác định cúm A/H1N1 là đại dịch là quyết định đúng” – Reuters dẫn lời bà Chan khẳng định.

Tuy nhiên, chính bà Chan thừa nhận WHO cần xem xét lại định nghĩa đại dịch trong trường hợp xảy ra một dịch cúm mới cũng lây lan nhanh nhưng độc lực yếu như virut cúm A/H1N1. “Các chuyên gia trên toàn thế giới đồng thuận rằng chúng tôi cần xem xét lại các cấp độ dịch… và chúng tôi phải linh hoạt hơn”.

Giới truyền thông quốc tế bình luận quyết định của WHO không khiến ai ngạc nhiên. AFP ngày 10-8 nhận định: “Bằng tuyên bố này, tổng giám đốc WHO đã hạ màn sự thổi phồng kéo dài từ hơn một năm qua khi tuyên bố báo động đại dịch toàn cầu, với loại virut được mô tả là “quái lạ”, “đáng lo ngại” và có khả năng “lây lan với tốc độ không thể tin nổi”.

Trang AOL News viết: “Đối với phần lớn người Mỹ, “đại dịch” đã chấm dứt từ nhiều tháng qua, khi những trường hợp lây nhiễm “căn bệnh sẽ làm tê liệt thế giới” giảm mạnh. Trong khi đó, WHO cứ chần chừ, dù từng họp vài lần để bàn chuyện giảm mức báo động cúm”.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) cũng cho rằng tuyên bố của bà Chan là “chuyện mà ai cũng biết từ trước”. Giáo sư David Fidler thuộc ĐH Indiana (Mỹ) bình luận: “Làm sao có thể gọi đó là một đại dịch khi cả thế giới đều biết rằng đây chỉ là một loại virut yếu!”.

Viện Sức khỏe và nghiên cứu y tế quốc gia Pháp (Inserm) tổng kết một năm sau khi WHO tuyên bố “đại dịch thế kỷ” vào tháng 6-2009 như sau: cúm A/H1N1 không đáng sợ như công bố. Chính xác chỉ có 18.156 người bị chết vì cúm A/H1N1 ở tất cả các nước cộng lại. Đúng là chẳng đáng so sánh với cúm mùa vốn thường giết chết 250.000-500.000 người mỗi năm (số liệu của WHO).

Con số dự báo của WHO (khi công bố đại dịch thế kỷ) có từ 7,7-14,7 triệu người bị lây nhiễm là con số mơ hồ bởi không thể biết số người bị lây nhiễm mà trước đó không có những triệu chứng.

Về văcxin chích ngừa cúm A/H1N1, 5,7 triệu người đã được chích ngừa rải rác khắp thế giới. Tại Pháp, chỉ có 8-10% dân số chấp nhận chích ngừa, so với Mỹ (24%), Canada (74%). 71,2% người Pháp từ chối chích ngừa văcxin cúm A/H1N1 vì họ không tin là văcxin an toàn. Hơn nữa, 68% còn lo ngại nó có những phản ứng phụ.

Xem ra thông tin đáng chú ý hơn là theo báo cáo ngày 10-8 (http://www.who.int/csr/disease/swineflu/9th_meeting_ihr/en/index.html), Ủy ban Khẩn cấp – có nhiệm vụ tư vấn cho tổng giám đốc WHO khi dịch cúm nổ ra – sẽ công bố sớm hết mức có thể tên tuổi, nơi làm việc và “quan hệ lợi ích” của từng thành viên ủy ban trên trang web WHO.

Điều tra của tạp chí y học Anh British Medical Journal (BMJ) và Tổ chức báo chí điều tra hồi tháng 6 đã khẳng định hàng loạt chuyên gia y tế hàng đầu của WHO đã ăn tiền của các hãng dược lớn sản xuất văcxin chống cúm, trong đó có cả một số thành viên Ủy ban Khẩn cấp. Chính ủy ban này đã yêu cầu bà Chan tuyên bố cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu ngày 11-6-2009.

Được lợi nhất trong vụ “đại dịch thế kỷ” cúm A/H1N1 là các hãng dược quốc tế. BMJ cho biết theo ước tính của Ngân hàng đầu tư JP Morgan, các hãng dược lớn đã đút túi 7-10 tỉ USD tiền bán văcxin cúm A/H1N1 cho các quốc gia. Nhiều quốc gia đang phải ôm một lượng văcxin khổng lồ hoàn toàn thừa thãi. Mỹ đã chi tới 1,6 tỉ USD để mua văcxin cúm A/H1N1.

AFP cho biết mới đây chính quyền Thụy Sĩ tuyên bố sẽ tiêu hủy 8,5 triệu liều văcxin cúm A/H1N1 trị giá 50 triệu USD. Sau khi dịch cúm A/H1N1 nổ ra, Thụy Sĩ đã mua 13 triệu liều văcxin với giá 84 triệu USD. Dù được bảo quản trong phòng lạnh nhưng phần lớn số văcxin này đã quá hạn sử dụng. Theo trang VaccineNewsDaily.com, mới đây người phát ngôn Hãng dược Sanofi Pasteur cho biết khoảng 16 triệu liều văcxin hãng này bán cho Chính phủ Mỹ có thể “hết đát” nhanh hơn dự kiến dù hạn sử dụng của chúng là 18 tháng.

 

HIẾU TRUNG