Dời làng tránh lũ

TT – Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trong những đợt lũ dữ, một cuộc di dời dân với hơn 4.000 hộ đang diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tỉnh Kon Tum. Nỗi ám ảnh kinh hoàng về cơn lũ đến ngay sau cơn bão số 9 năm 2009 dường như vẫn hiện hữu đối với tất cả người dân vùng lũ huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Thiệt hại do lũ là câu chuyện nhãn tiền mà đến tận bây giờ người ta vẫn có thể chứng kiến được gần như nguyên vẹn.

Dời làng tránh lũ

 

Báo Tuổi Trẻ, Thứ Bảy, 07/08/2010.

 

TT – Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trong những đợt lũ dữ, một cuộc di dời dân với hơn 4.000 hộ đang diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tỉnh Kon Tum.

 

 

Nỗi ám ảnh kinh hoàng về cơn lũ đến ngay sau cơn bão số 9 năm 2009 dường như vẫn hiện hữu đối với tất cả người dân vùng lũ huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Thiệt hại do lũ là câu chuyện nhãn tiền mà đến tận bây giờ người ta vẫn có thể chứng kiến được gần như nguyên vẹn.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà những bản làng phía thượng nguồn các con sông, con suối này lại chịu một trận lũ nặng nề như vậy. Hầu như toàn bộ núi rừng tại vùng này đã biến mất, đến lúc lũ đổ về dồn dập người ta mới nhận ra khi rừng mất đi thì sự cuồng nộ của thiên tai thật ghê gớm.

Hợp sức dời dân

Trên tuyến đường độc đạo từ xã Đắk Rơ Ông, Đắk Sao đến Đắk Na hiện nay không khó để nhận ra bên cạnh những dấu tích kinh hoàng về cơn lũ dữ, từng dãy nhà mới khang trang đã mọc lên trên những khu đất bằng phẳng, có vị trí an toàn để tránh núi lở, nước dâng. Phía sau từng dãy nhà, những bồn nước sạch dẫn nước từ các khe núi loang loáng dưới ánh nắng. Đó là kết quả sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Kon Tum, các tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm và người dân nơi đây cùng nhau đứng dậy sau cơn lũ dữ.

Ông Lâm Quang Văn, phó bí thư thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông, cho biết chỉ tính trên địa bàn huyện đã có 21 buôn làng nằm trong diện phải di dời. Trong khi đó tại xã Đắk Na, chủ tịch UBND xã Lâm Văn Chung cho biết cả xã phải di dời khoảng 200 hộ dân, chiếm 30% số hộ toàn xã, đến vùng an toàn. Mỗi ngôi nhà mới có diện tích tối thiểu 35m2, trị giá khoảng 33 triệu đồng từ hỗ trợ của Chính phủ theo chương trình 30A, hỗ trợ của Ủy ban MTTQ huyện và các đơn vị hảo tâm khác.

Để có thể di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, chính quyền sở tại đã vào tận làng giải thích cho người dân hiểu, tổ chức nhiều buổi họp có sự tham gia của già làng, trưởng bản. Sau đó, chính già làng là những người chuyển về làng mới đầu tiên làm gương để người dân theo về nơi ở mới.

Công tác vận động này được xem như kỳ công khi nhiều người dân không muốn rời bỏ làng cũ với những bản sắc văn hóa, tập tục của từng buôn làng mà họ đã xây dựng. Gặp chúng tôi khi đang rửa chén bát tại bồn nước ở khu tái định cư xã Đắk Sao, bà Y Mót (64 tuổi) cho biết cả làng của bà đã dời về đây từ tháng 4-2010 và “ở đây chưa biết tốt hay không nhưng chắc sẽ an toàn hơn”.

 

Xây lại làng Mô Bành 2

Đắk Na là xã xa nhất và hứng chịu nhiều đau thương nhất của tỉnh Kon Tum trong lũ dữ, nơi đây  từng gây chấn động cả nước khi gần như toàn bộ làng mạc bị san phẳng chỉ sau một đêm. Trong đó tại làng Mô Bành 2, đêm 3-10-2009, ngọn núi phía sau làng bất ngờ đổ sụp cướp đi sinh mạng của năm người, trong đó có bốn mẹ con trong một gia đình.

Ngôi làng cũ giờ đã biến thành những nương mì, nương bắp của người dân. Hôm chúng tôi gặp lại A Thau, người mất vợ và ba con khi đang chuẩn bị bữa cơm gia đình trong cơn lũ năm ngoái, ông như vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự mất mát và chưa nguôi ngoai với việc chia tay làng cũ.

Già làng A Bình, già làng mới của làng tái định cư Mô Bành 2, cho biết: “Trong lũ, làng tôi chết nhiều lắm, con cháu làng tôi chết đến năm, sáu người. Tôi đã lên họp tại huyện Tu Mơ Rông và quyết định cùng dân làng dời đến nơi ở mới an toàn hơn”. Vì thế, một ngôi làng Mô Bành 2 mới được lập nên với 129 hộ chuyển về. Ông Lâm Văn Chung cho biết dù phải di dời cả làng nhưng xã vẫn quyết định lấy tên cũ là làng Mô Bành 2 như giúp người dân nguôi ngoai về một ngôi làng cũ với những nét văn hóa, tập tục sinh sống đã tồn tại từ ngày có làng.

Làng mới được xây dựng ở những khu đất trống nhưng vẫn phải đảm bảo những điều kiện thiết thực như gần với nương rẫy của dân, tập trung đông dân để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ổn định cuộc sống mới. Vốn quen với cuộc sống cũ nên những ngày được chuyển đến, người dân phải mất rất nhiều thời gian để làm quen với nơi ở mới. Họ phải gầy dựng lại từ đầu, ổn định để sớm có thể trở lại nương rẫy. Để giúp người dân, ngoài việc hỗ trợ nhà cửa, xây bể chứa nước sạch, Nhà nước và các tổ chức còn ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm, chi phí mua sắm dụng cụ sản xuất, heo, bò…

Theo ông Lâm Văn Chung, điều khiến công tác di dời gặp nhiều khó khăn là hầu như địa hình của Đắk Na đều là đồi núi bủa vây tứ bề. Do vậy, việc tìm ra một khoảng đất trống thích hợp để dựng làng tái định cư là việc hết sức khó khăn. Trong khi đó, việc di dời cũng không thể chậm trễ bởi núi khắp nơi đã bắt đầu sạt lở từng mảng, nhiều ngôi nhà bị vùi từ đầu mùa lũ đến nay. Ông Chung cho hay khoảng thời gian người dân chuyển về làng mới thật sự là những ngày hết sức đáng nhớ.

ĐOÀN TỪ DUY – THÁI BÁ DŨNG