Kêu gọi không rải vàng mã khi đưa tang

LBBT: Vấn đề “Không rải vàng mã khi đưa tang” được Báo Tuổi Trẻ (ngày thứ Sáu, 30-7-2010, tr.7) đưa lên cũng đáng cho tín hữu Công giáo suy nghĩ. Nhiều hình thức khác trong tang lễ như phúng điếu hoa tươi, hoa khô, mâm quả, dâng hương, chụp hình, quay phim, sử dụng âm nhạc… của người Việt và ngay của người Kitô hữu, cũng cần được đơn giản hơn, tiết kiệm hơn để làm sáng tỏ ý nghĩa của đời sống vĩnh hằng sau cái chết. Sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM phối hợp với UBND quận 11 tổ chức ngày 29-7-2010, về việc kêu gọi người dân không rãi vàng mã khi đưa tang.

Kêu gọi không rải vàng mã khi đưa tang

 

LBBT: Vấn đề “Không rải vàng mã khi đưa tang” được Báo Tuổi Trẻ (ngày thứ Sáu, 30-7-2010, tr.7) đưa lên cũng đáng cho tín hữu Công giáo suy nghĩ. Nhiều hình thức khác trong tang lễ như phúng điếu hoa tươi, hoa khô, mâm quả, dâng hương, chụp hình, quay phim, sử dụng âm nhạc… của người Việt và ngay của người Kitô hữu, cũng cần được đơn giản hơn, tiết kiệm hơn để làm sáng tỏ ý nghĩa của đời sống vĩnh hằng sau cái chết.

Sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM phối hợp với UBND quận 11 tổ chức ngày 29-7-2010, về việc kêu gọi người dân không rãi vàng mã khi đưa tang.

Theo Sở Văn hoá – thể thao và du lịch Thành phố, từ năm 2008 TP.HCM đã phát động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chủ đề của năm 2010 là “Năm thực hiện nếp sống văn minh – mỹ quan đô thị”.

Hành vi rải vàng mã trên phố khi đưa tang là một trong sáu hành vi không văn hoá, không phù hợp nếp sống văn minh đô thị đã được UBND TP xác định phải hạn chế dần và tiến tới xoá bỏ trong quá trình thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Không phù hợp văn minh đô thị

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), trong các nghi lễ của đám ma, việc đốt và rải vàng mã không thể thiếu, người dân coi đó là việc làm nhằm an ủi vong linh và chuẩn bị cho đời sống dưới cõi âm của người chết. Tục lệ này không phải là xấu nhưng không phù hợp với đô thị hiện đại, văn minh.

Ông Hoà cho biết một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… hiện không còn tục rải vàng mã trên phố, kể cả ở nông thôn Trung Quốc. Ở nước này, người dân vẫn còn đốt vàng mã nhưng chỉ đốt, rải vàng mã trước quan tài hay khi hạ huyệt chứ tuyệt nhiên không có chuyện rải vàng mã dọc đường.

Các nước coi việc này là xả rác nơi công cộng, bị phạt rất nặng bằng tiền, lao động công ích, thậm chí phạt đòn roi.

Cũng theo ông Hoà, việc rải vàng mã trên đường khi đưa tang làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển xe máy tham gia giao thông (đã từng có tai nạn do người lái xe bị giấy vàng mã bay đập vào mặt). Đặc biệt gây lãng phí rất lớn.

Theo báo cáo của Phòng văn hoá thông tin quận 11, địa bàn quận có đặc điểm gần 45% dân số là người Hoa nên việc triển khai, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội gặp khó khăn do đây là những tập tục tín ngưỡng đã tồn tại khá lâu.

Quy định giờ G để xử phạt

Biện pháp tăng cường tuyên truyền, vận động ra sao để người dân tự giác từ bỏ tục rải vàng mã khi đưa tang đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo bà Lê Thị Thu Hương – chủ tịch UBND phường 14, quận Phú Nhuận, phường đã thiết kế thư ngỏ với nội dung chia buồn gia đình có tang, đồng thời kết hợp vận động gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tang lễ, trong đó có nội dung không rải vàng mã.

Theo bà Hương, thời gian qua tại phường 14, quận Phú Nhuận, đa số các hộ dân chấp hành. Phường cũng vận động người dân thực hiện phương án có thể đốt một ít vàng mã tại nhà trước lúc làm thủ tục di quan, còn lại được gia đình mang đến nghĩa trang rải xung quanh mộ khi hạ huyệt hoặc rải cùng quan tài khi đưa vào lò thiêu, không rải vàng mã trên đường phố.

Bà Hương cũng cho biết phường tổ chức quay phim, ghi hình lại các đám tang trên địa bàn, nếu có việc người dân rải vàng mã thì sau khi hộ dân đã tổ chức lễ tang xong, phường sẽ đưa hình ảnh rải vàng mã đến khu phố để tổ chức họp góp ý, nhằm tuyên truyền cho các hộ dân khác thực hiện theo.

Từ nay đến cuối năm 2010 phường vẫn áp dụng biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng qua năm 2011 sẽ xử lý bằng biện pháp hành chính, trước tiên là đối với gia đình đảng viên.

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà đồng tình với quan điểm của bà Hương, cho rằng TP cần đề ra giờ G (thời hạn cuối cùng) để tự nguyện, nếu không sẽ áp dụng biện pháp chế tài và xử phạt hành chính thật nặng hành vi gây ô nhiễm môi trường này. Theo ông Hoà, TP.HCM thực hiện vận động và xử phạt rải vàng mã là còn chậm so với Hà Nội.

Cùng với việc tuyên truyền, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm sắp tới các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng các quy định pháp luật để xử phạt hành vi rải vàng mã (như áp dụng nghị định 75/2010/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-9-2010 quy định xử phạt hành vi đốt vàng mã hoặc nghị định 34/2010 để xử phạt xả rác nơi công cộng).

Kinh sách không dạy đốt vàng mã

Tham dự toạ đàm, thượng toạ Thích Duy Trấn – trụ trì chùa Liên Hoa, đường Thái Phiên, quận 11 – khẳng định trong Phật giáo không có quyển kinh sách nào ghi lại việc Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã.

Ở VN, chưa thấy có sách nào nói đến nguồn gốc ra đời của tục đốt vàng mã, tiền âm phủ nhưng chắc chắn tiền âm phủ chỉ ra đời khi trên trần gian biết tiêu tiền với tâm lý rằng trần gian sao thì ở dưới âm phủ vậy.

Theo thượng toạ Thích Duy Trấn, từ năm 1998 nhà chùa đã thông báo với các phật tử không đốt vàng mã khi vào chùa cúng vong linh và cũng thường xuyên nhắc nhở các phật tử tuyệt đối không dùng giấy vàng mã để rải trên đường.

Qua 12 năm vận động phật tử không mua vàng mã đốt mà dành tiền để làm từ thiện, cộng với đóng góp của các phật tử, số tiền nhà chùa dành được để làm từ thiện lên đến gần 6 tỉ đồng.

CHI MAI