Chúa Nhật I Thường Niên, năm C: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

“Phần tôi, tôi làm Phép Rửa cho anh em bằng nước…Có Đấng đến sau tôi,.. Người sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần” (x. Lc 3,16)

CHÚA NHẬT I TN, năm C

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

 

  Phần tôi, tôi làm Phép Rửa cho anh em bằng nước…Có Đấng đến sau tôi,..

Người sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần” (x. Lc 3,16)

 

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay đã kết thúc mùa Giáng Sinh và mở ra cho chúng ta mùa Thường Niên.

1. Ý nghĩa của ngày lễ

Tại sao lại kết thúc mùa Giáng Sinh? Trong mùa Giáng Sinh chúng ta cử hành mầu nhiệm nhập thể. Đêm Giáng Sinh chúng ta mừng Ngôi Lời trở thành người trong hình hài một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ và được Mẹ Maria bồng bế giới thiệu cho các mục đồng và các đạo sĩ. Hôm nay, chúng ta mừng Chúa Giêsu đã trưởng thành, Người được Cha Trên Trời ôm ấp và giới thiệu cho muôn dân, giới thiệu cho vũ trụ, nhất là cho những tội nhân đang đứng dưới dòng sông Giođan: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người” (Lc 3,22).

Thưa anh chị em, ngày hôm nay cũng mở ra cho chúng ta mùa Thường Niên, vì khi Đức Giêsu trưởng thành, Người bắt đầu sứ mạng cứu độ. Người ta đã tự hỏi về ông Gioan: “Không biết ông có phải là Đấng Mêsia không?” Gioan nói: “Tôi không phải là Đấng Kitô, một Đấng đến sau tôi, tôi không đáng cởi quay dép cho Người, Người sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và bằng nước. Đấng đó mới chính là Kitô” (x. Lc 3,15-16; Ga 1 20-28).

Mêsia nghĩa là được xức dầu. Được xức dầu để làm vua thiết lập nước công lý, bình an, hy vọng; được xức dầu để làm tư tế dâng của lễ chính mình cho Thiên Chúa; được xức dầu để làm ngôn sứ rao giảng Lời Chúa. Người Do Thái không bao giờ dám nghĩ rằng Đấng Mêsia ấy lại là Thiên Chúa quyền năng, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện lời của Isaia đã loan báo trước rằng Chúa sẽ biến đổi bản tính của vạn vật: beo, sư tử ăn rơm cỏ chung với chiên và dê; rắn độc sẽ không còn cắn người khác; sa mạc sẽ biến thành vườn cây; và mọi người sẽ cảm nghiệm được bình an, hạnh phúc của Thiên Chúa. Đó là Nước Thiên Chúa. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện được những điều đó. Người Do Thái không dám nghĩ rằng Đấng Mêsia là Thiên Chúa vì theo họ Thiên Chúa hằng sống không thể trở thành người thuộc dòng họ David, không thể chịu chết để đền tội thay cho anh em mình như ngôn sứ Isaia đã loan báo (x. Is 52,13–53,12).

Đức Giêsu hôm nay hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa và thực hiện niềm mơ ước của con người. Người không chỉ là Đấng Mêsia – Đấng được xức dầu – mà Người là Đấng Kitô. Chữ Kitô, theo tiếng Hy Lạp, cũng có nghĩa là Đấng được xức dầu, nhưng bao gồm ý nghĩa rộng hơn: Đức Giêsu vừa là Vua thiết lập nước Thiên Chúa, vừa là Ngôn Sứ, vừa là Tôi Tớ Giavê, vừa là Con Người Tiền Hữu (x. Đn 7,13), và nhất là vừa là Thiên Chúa – Đấng rửa chúng ta trong Thánh Thần. Ngày lễ hôm nay mở ra cho chúng ta sứ mạng Kitô hữu của mình. Chúng ta nhớ lại Bài ca của Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong bài đọc I đã gợi ý cho chúng ta. Và Người Tôi Tớ của Thiên Chúa được xức dầu bằng Thánh Thần: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau thương giập nát, cho người mù được thấy, cho người áp bức được giải thoát, cho người tù tội thoát khỏi ngục tù, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Is 61,1-2).

Thánh Thần ngự xuống Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu để chứng tỏ rằng Người chính là Đức Kitô – Đấng được xức dầu. Đó cũng là ý nghĩa của bí tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta đang được mời gọi tiếp tục công trình cứu độ của Đức Kitô, bởi vì chúng ta cũng là tín hữu được xức dầu. Chúng ta cũng được tràn đầy Thánh Thần với những ân sủng của Ngài, cũng là con yêu dấu của Chúa Cha. Nhưng không biết Ngài có hài lòng với chúng ta không? Chúng ta có học được tinh thần nhập thế trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu không?

2. Tinh thần nhập thế của Đức Giêsu Kitô

Hôm nay, Đức Giêsu không đứng trên bờ với quần áo khô ráo như nhiều người Do Thái, mà Đức Giêsu đã xuống nước, đã thanh tẩy mình trong nước cùng với đám tội nhận. Tinh thần nhập thế của Đức Giêsu đã khiến Người đi xuống. Đi xuống từ trời để lột bỏ vinh quang của Thiên Chúa, hoà mình trở thành người như chúng ta trong đêm Giáng Sinh. Nhưng Người còn đi xuống sâu hơn nữa để nên giống như một tội nhân. Người ta có thể nghĩ rằng Người phạm tội và đang cần thống hối, đang cần được tẩy rửa. Nhưng Đức Giêsu không sợ bị hiểu lầm.

 

Hôm nay, Đấng Thiên Chúa đã hoà nhập vào dòng tội nhân. Đó chính là tinh thần nhập thế. Nhập thế, là đi vào thế giới, đi vào xã hội hôm nay, đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chúa Giêsu đang hoà mình với họ, không phải để phạm tội như con người, bởi vì Người là Đấng vô tội; nhưng Người muốn đem cái thánh thiện của Thiên Chúa để tẩy xoá tội lỗi cho con người; Người đưa cái tuyệt đối của Thiên Chúa vào trong cái tương đối của con người; Người mang cái vô cùng của Thiên Chúa để đưa vào cái giới hạn của con người. Khi làm người, bị giới hạn trong không gian và thời gian, Người đón nhận văn hoá, ngôn ngữ, phong tục của người Do Thái như bất cứ một người Do Thái nào.

Khi chấp nhận thân phận của một con người đang sống trong đất nước bị người Roma đô hộ, Người mang tinh thần tự do tuyệt đối vô biên của Thiên Chúa đến với tất cả mọi người, mọi vật. Người đã thánh hoá dòng nước sông Giođan để trở nên một phương tiện, một dấu hiệu tẩy rửa chúng ta khỏi tội lỗi. Qua bí tích, qua dấu chỉ bên ngoài đó, Người đổ tràn đầy Thánh Thần cho chúng ta. Chúng ta có hiểu được tinh thần nhập thế của Người không? Chúng ta có dám chấp nhận mình bị giới hạn trong không gian, thời gian với thể xác này không? Có nhiều người nghĩ rằng mình sinh ra dưới một ngôi sao xấu, sinh ra không đúng thời điểm. Họ mơ ước được sinh ra ở một đất nước giàu sang, có đầy đủ phương tiện để trở thành một con người tài giỏi chứ không chấp nhận đất nước này. Họ mơ được sinh ra cách đây vài chục năm trước hoặc vài chục năm sau chứ không phải thời gian bây giờ. Họ không bằng lòng với văn hoá và hoàn cảnh dân tộc hiện nay thì làm sao có thể hiểu được tinh thần nhập thế của Đức Giêsu?

Tinh thần nhập thế của Đức Giêsu là mở lòng ra để đón nhận ơn Chúa, đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đặt để cho chúng ta trong trần thế này, rồi xoá bỏ chính mình, xoá bỏ tính ích kỷ riêng tư của mình và hoà nhập vào xã hội để nâng xã hội này lên. Chúng ta có nhìn vào xã hội hôm nay để thấy biết bao nhiêu người nghèo khổ đang cần chúng ta giúp đỡ: hàng trăm ngàn người lớn, trẻ em phải bới moi thùng rác; hàng trăm ngàn cô gái đã phải bán thân để kiếm sống; hàng triệu người phụ nữ VN đang gặp nhiều khó khăn, bị đối xử tồi tệ ngay trong gia đình, đang bị những bệnh phụ khoa vì thiếu nước sạch; chúng ta có nghĩ đến 5,4 triệu người khuyết tật trong đất nước có 86 triệu dân? Chúng ta có nghĩ đến các bạn thanh niên không tìm ra lý tưởng sống nên sống buông thả đến nỗi mỗi năm có tới 2 triệu ca phá thai? Chúng ta có nghĩ đến 2 triệu người goá bụa, neo đơn trên 60 tuổi đang sống lây lất vì không có những phương tiện để sống đúng như con người? Chúng ta có nghĩ đến hàng triệu trẻ em không có tiền để đóng học phí, thiếu những phương tiện học tập đến nỗi dân tộc chúng ta cứ yếu kém mãi?… Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đi vào thế giới này với tinh thần nhập thế của Người để nâng xã hội này lên.

Tinh thần nhập thế ấy mời gọi chúng ta xuống thật thấp, xoá bỏ con người mình đi giống như Đức Giêsu xoá bỏ vinh quang của Thiên Chúa để hoà mình với đám tội nhân dưới dòng sông Giođan. Một khi chúng ta xoá bỏ hoàn toàn con người của mình, lúc bấy giờ chúng ta mới thấy sức mạnh và quyền năng của Thánh Thần đổ tràn đầy trên chúng ta. Chúng ta mới thấy uy lực trong những lời nói của chúng ta khi nâng đỡ người khác, bởi vì chúng ta không nói theo tính ích kỷ và tham vọng của mình mà chúng ta nói lời của Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới thấy khi chúng ta chạm đến người khác ta có thể chữa lành họ, không phải do nhân điện hay kiến thức y khoa của ta, nhưng đó là do quyền năng cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi con cái yêu dấu của Ngài.

Kết luận

Có dám xuống với tinh thần nhập thế như vậy chúng ta mới thấy sứ mạng cao cả của người Kitô hữu quả thật rất cần để xây dựng xã hội trần thế hôm nay.

 

 

 

Người Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam