Chúa Nhật II Thường Niên, năm C: Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana

Phép lạ Chúa Giêsu làm tại tiệc cưới Cana được kể là một trong 4 lần bày tỏ mình của Chúa Giêsu và luôn được sắp vào tuần thứ hai của mùa Thường Niên như để định hướng cho cuộc đời của người tín hữu Kitô.

CHÚA NHẬT II TN, năm C 

CHÚA GIÊSU LÀM PHÉP LẠ

TẠI TIỆC CƯỚI CANA

Người Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

Phép lạ Chúa Giêsu làm tại tiệc cưới Cana được kể là một trong 4 lần bày tỏ mình của Chúa Giêsu và luôn được sắp vào tuần thứ hai của mùa Thường Niên như để định hướng cho cuộc đời của người tín hữu Kitô. Phép lạ mang rất nhiều ý nghĩa trong từng lời kể của Tin Mừng, nhưng hôm nay chúng ta tập trung ý nghĩa: đây là phép lạ dành riêng cho các môn đệ như thánh Gioan ghi nhận: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê để bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11).

1. Cuộc tỏ mình dành riêng cho các môn đệ

Chúng ta lược qua 3 cuộc tỏ mình trước:

         Lần tỏ mình đầu tiên là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người và dấu hiệu là trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ. Người tỏ mình cho các mục đồng, những con người nghèo khó.

         Thứ hai là việc Con Thiên Chúa tỏ mình cho 3 đạo sĩ đại diện cho lương dân và dấu hiệu là ngôi sao lạ hướng dẫn họ trong suốt cuộc hành trình.

         Cuộc tỏ mình thứ ba là việc Đức Giêsu hoà mình dưới dòng sông Giodan với tội nhân mà Chúa Cha muốn giới thiệu Người cho muôn loài, muôn vật và dấu hiệu là hình chim bồ câu với phép rửa ban ơn Thánh Thần.

         Lần tỏ mình thứ tư này Đức Giêsu dành đặc biệt cho các môn đệ và dấu hiệu là những chum nước đã hoá thành rượu ngon trong tiệc cưới ở Cana.

Từ “môn đệ” được dùng trong bài Tin Mừng hôm nay không kể tên người nào như muốn ám chỉ mọi người muốn theo Đức Giêsu ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ thời đại nào. Họ có thể là những môn đệ đầu tiên nghe theo lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả để đến với Chúa Giêsu, dù họ đã thấy những phép lạ Chúa Giêsu làm cho người khác, nhưng chính họ chưa có kinh nghiệm sống động nào về Người. Hôm nay, khi làm phép cho nước hoá thành rượu, Chúa Giêsu như mời gọi họ tham dự trực tiếp vào phép lạ để họ hoàn toàn tin tưởng bước theo Người.

2. Tại sao Chúa Giêsu lại dùng dấu hiệu tiệc cưới Cana?

Chúng ta ghi nhận tiệc cưới này có đủ các thành phần: cô dâu, chú rể, họ hàng hai bên, các khách mời trong đó có thân mẫu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu và các môn đệ. Đây chính là hình ảnh của một xã hội thu nhỏ, cũng là hình ảnh của Giáo Hội mà người môn đệ Đức Giêsu được mời gọi tham dự và sinh hoạt trong đời sống tín hữu của mình.

Tiệc cưới nói lên sự kết hợp trong tình yêu giữa đôi nam nữ để tạo nên một gia đình. Nó cũng gợi lên cho người môn đệ nhớ đến sự kết hợp qua cuộc hôn nhân nhiệm mầu giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Giáo Hội mà chúng ta là thành phần. Cuộc hôn nhân này được bài đọc I diễn tả qua những lời rất đẹp:

“Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ

Đấng tác tạo ngươi đã cưới ngươi về

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể

Ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).

Tiên tri Isaia đã mời gọi chúng ta nhớ lại cuộc hôn nhân nhiệm mầu mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta và mời gọi chúng ta yêu lại. Đó là tiệc cưới. Người môn đệ Đức Giêsu luôn là người tham dự vào cuộc hôn nhân giữa con người với con người trong đời sống gia đình của mỗi người chúng ta; và cuộc hôn nhân giữa con người với Thiên Chúa trong hành trình đức tin. Cuộc hôn nhân nào cũng phải được xây dựng trên tình yêu chứ không phải trên tình dục với những cảm xúc theo bản năng tự nhiên của con người, càng không phải dựa trên tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, thậm chí là bạo lực nào đó.

3. Tình trạng “thiếu rượu” trong cuộc tình của con người

Trong cuộc tình hay trong tiệc cưới của mỗi người chúng ta, nếu chỉ dựa trên sự kết hợp tự nhiên của con người với nhau và của con người với Thiên Chúa thì thế nào cũng dẫn đến tình trạng thiếu rượu. Chúng ta không đủ sức để đi trọn con đường tình yêu. Nhiều người chúng ta đã cảm nghiệm được điều đó: trong những tháng năm đầu của cuộc hôn nhân đó là những năm tháng hạnh phúc, vì lúc bấy giờ còn khoẻ, còn trẻ, còn đẹp và còn kiếm được tiền. Nhưng sóng gió xảy đến, chúng ta nghi ngờ nhau, xung đột, thậm chí có người muốn cắt đứt tình yêu. Đó là tình trạng thiếu rượu, bởi vì chúng ta chỉ yêu bằng tình yêu tự nhiên của con người.

Cuộc tình giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng y như vậy. Trong những năm tháng mới theo đạo, Chúa ban cho ta được ơn này ơn nọ, chúng ta cảm thấy theo đạo thật là tốt đẹp, tuyệt vời. Nhưng rồi hình như chúng ta bắt đầu cảm thấy Chúa quay mặt lại. Chúng ta vẫn dự lễ, đọc kinh đều đều mà sao xin mãi Chúa không cho, trong khi những người ngoại đạo xin gì được nấy, thậm chí họ xin trúng số Chúa cũng cho! Thế là bắt đầu có nghi ngờ, ngại ngùng, xung đột. Có người còn cắt đứt tình yêu với Thiên Chúa. Đó là cuộc tình tự nhiên của con người: loại tình yêu bằng nước lã! Vì thế, nhiều người cho rằng “tu là cõi phúc, tình là dây oan” hoặc còn xác định “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời hết vui khi đã vẹn câu thề”.

Người tín hữu chúng ta không yêu bằng tình yêu như vậy vì phép lạ hôm nay dành riêng cho chúng ta, những người được kêu gọi để làm chứng cho một tình yêu cao cả hơn, tốt đẹp hơn và bền vững mãi mãi vì Thiên Chúa chính là tình yêu.

4. Tình luôn đẹp dù còn dang dở. Đời vẫn vui khi chưa vẹn câu thề?

Khi xây dựng mối quan hệ trên tình yêu Thiên Chúa, chúng ta thấy luôn luôn có Người Mẹ Thánh và có Đức Giêsu ở đó để can thiệp trong những lúc căng thẳng, để biến nước thành rượu. Mẹ Maria hiểu rõ sự gắn bó của chúng ta với Thiên Chúa nhiều lúc còn hời hợt, trắc trở nên Mẹ luôn luôn can thiệp, dù chúng ta chưa kêu cầu Ngài. Mẹ báo cho Chúa Giêsu biết: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ Maria còn dặn dò chúng ta: “Người bảo gì, các anh hãy làm theo”. Chúng ta đã hành động theo lời dạy của Đức Giêsu chưa? Người dạy chúng ta rất nhiều về tình yêu và hành động để chứng tỏ tình yêu của Người vì “Người đã yêu đến cùng” (Ga 13,1).

Nhưng Chúa Giêsu đòi chúng ta một điều kiện: “Hãy đổ nước đầy chum”. Ngài cần thứ nước tình yêu của con người. Đổ nước đầy chum là những cố gắng đầu tiên của con người cộng tác với Chúa Giêsu. Đó là những việc làm bằng sức lực tự nhiên như tìm hiểu nhau, tha thứ cho nhau, đón nhận những khuyết điểm, thậm chí thập giá trong tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta quy trách nhiệm cho Thiên Chúa, nhưng tất cả những gì tiêu cực trong tình yêu đều bắt nguồn từ phía con người: chúng ta bỏ bê vợ/chồng con cái mà lại xin Chúa gìn giữ hạnh phúc gia đình; chúng ta uống rất nhiều rượu rồi lại kêu trách sao Chúa để mình mắc bệnh gan!

Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng việc biến nước thành rượu chỉ là tạm thời. Rượu đó sẽ biến thành máu trong “giờ” của Người. Con đường tình yêu đi cho đến cùng không kết thúc bằng những chum rượu ngon đầy tràn trong tiệc cưới Cana, mà dẫn đến chén máu trong bữa Tiệc Ly và dòng máu tuôn đổ từ trái tim Người trên thập giá vào đúng “giờ” của Chúa Giêsu và chỉ kết thúc với cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh trong nhà Tiệc Ly (x. Ga 20,19-23).

 

Kết luận

Như thế, con đường tình yêu của người Công giáo không phải dở dang, nửa vời với biết bao khổ não nhưng luôn luôn tốt đẹp, mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an – dù vẫn có những đau khổ, hy sinh – và kết thúc bằng sự sống lại vinh quang vì được chia sẻ tình yêu của Cha Trên Trời.