Vốn ngàn tỉ và những siêu dự án trên giấy
Dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi xung quanh hoạt động bất thường của Công ty CP phát triển rừng Toàn Cầu (RTC, trụ sở tại TP.HCM) và các công ty thành viên. Với số vốn điều lệ 45.000 tỉ đồng, RTC đang vẽ ra hàng loạt siêu dự án hàng tỉ USD để phát hành cổ phiếu, thu phí từ nhiều người dân…
Vốn ngàn tỉ và những siêu dự án trên giấy
Văn phòng Công ty CP phát triển rừng Toàn Cầu tại đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Đình Dân |
Dù chỉ là một công ty tư nhân, đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2012 tại Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM nhưng vốn điều lệ của RTC hiện chỉ đứng sau Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (thuộc Petro VN) và Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel).
“Cổ phiếu ảo”, thu tiền tươi thóc thật!
“Qua trường hợp này cũng cho thấy hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng sau khi cấp đăng ký kinh doanh còn buông lỏng. Ngoài ra, sự khiếm khuyết của Luật doanh nghiệp hiện hành về trách nhiệm hậu kiểm, quy định về chế tài cho những vi phạm loại này vẫn chưa rõ ràng” Luật sư Hà Hải |
Theo báo cáo của RTC, tổng kinh phí dự kiến cho các dự án hợp đồng hợp tác đầu tư trong việc “trồng rừng, phát triển rừng bền vững…” “phát triển khu công nghiệp, đô thị”… của RTC và các công ty thành viên như: Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Hiển Vinh, Công ty CP đầu tư phát triển kinh tế – rừng bền vững Toàn Cầu, Công ty CP Phát triển nông – lâm nghiệp VN, Công ty CP Phát triển đại chúng bền vững quỹ môi trường xanh Toàn Cầu… lên đến 773.000 tỉ đồng. Trong đó, các dự án hợp tác với những doanh nghiệp, tổ chức đã có dự án đầu tư nhưng gặp khó khăn về tài chính khoảng 657.000 tỉ đồng; dự án vườn ươm cây giống cho các cá nhân tham gia làm thành viên của công ty là 116.000 tỉ đồng.
Hình thức hợp tác đầu tư sẽ là các doanh nghiệp có dự án hợp lệ về mặt pháp lý nhưng lại đang bị tắc về mặt tài chính sẽ được RTC và các công ty thành viên của RTC đầu tư tài chính, hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Khi đầu tư, hai bên sẽ ký hợp đồng để doanh nghiệp có dự án trở thành thành viên của RTC, số cổ phần còn nắm giữ chỉ là 30%, 70% còn lại phải chuyển cho RTC hoặc các công ty thành viên của RTC nắm giữ. Trường hợp dự án phát triển vườn ươm, những người muốn được RTC đầu tư phát triển vườn ươm phải đóng một khoản phí cấp vốn khoảng 27,25 triệu đồng/dự án. Sau khi đóng phí cấp vốn, các cá nhân, tổ chức hợp tác với RTC sẽ được Công ty Hiển Vinh (trụ sở tại Khánh Hòa, thành viên của RTC) cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, với thời hạn nhận cổ tức lên đến 50 năm và dự kiến trong quý 1-2014, nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài sẽ được chuyển về giải ngân cho các dự án. Theo báo cáo của RTC, trong ba năm 2011-2013 RTC đã có 1.037 dự án vườn ươm, 205 dự án hợp tác với các doanh nghiệp… Nếu như con số này là có thật, theo tính toán sơ bộ, với mức phí cấp vốn mà mỗi vườn ươm phải đóng cho RTC là 27,25 triệu đồng, RTC có thể thu về 28,25 tỉ đồng từ các dự án vườn ươm.
Không những thế, Công ty Hiển Vinh còn đi bán hàng loạt cổ phần ra bên ngoài và thu về những khoản tiền không hề nhỏ. Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 5-3, ông Nguyễn Bá Bình, giáo viên đã nghỉ hưu ở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), đầy bức xúc: “Năm 2010, đại diện của Công ty Hiển Vinh ra Hà Nội thông tin là có dự án trồng rừng bền vững nhờ vốn tài trợ không hoàn lại rất lớn của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Họ rao bán cổ phần với mức 65 triệu đồng/cổ phần và hứa hẹn khi có tiền tài trợ sẽ nhận cổ tức gấp 250 lần, tức 16,25 tỉ đồng. Có tổng cộng 196 cổ đông gồm các cá nhân và doanh nghiệp mua cổ phần của Công ty Hiển Vinh. Cá nhân tôi mua một cổ phần, được họ làm giấy xác nhận hẳn hoi. Thế nhưng suốt từ đó đến nay công ty không tổ chức đại hội đồng cổ đông, thông tin về hoạt động cũng như chia cổ tức như đã hẹn”.
Trong khi đó, theo Công an tỉnh Khánh Hòa, đến nay vốn điều lệ của Công ty Hiển Vinh vẫn chưa được các cổ đông sáng lập góp vào một đồng nào. “Vẽ ra các dự án trồng rừng, bảo vệ môi trường chưa có cơ sở và nguồn vốn tài trợ khổng lồ từ nước ngoài cũng chưa rõ từ đâu, Công ty Hiển Vinh và khối liên doanh bán các loại cổ phần mệnh giá 65 triệu đồng, 27 triệu đồng, 7,5 triệu đồng… rồi “đôn” giá trị cổ tức được chia về sau lên hàng chục, hàng trăm lần để lôi kéo nhiều tổ chức, cá nhân tham gia” – một cán bộ điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết. Theo luật sư Hà Hải – trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM), khi Công ty Hiển Vinh chưa góp đủ vốn điều lệ, việc tăng số cổ phần được quyền phát hành ra bên ngoài là vi phạm pháp luật.
Còn ông T.X., giám đốc một công ty ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), đã được Công ty Hiển Vinh đưa vào danh sách các công ty, dự án đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, cho hay ông có dự án sản xuất nhiều năm với vốn đầu tư gần 40 tỉ đồng, được Công ty Hiển Vinh mời hợp tác để họ cấp vốn. “Họ nói sẽ nâng khống giá trị dự án của tôi lên 60 tỉ, rồi đầu tư thêm cả 1.000 tỉ đồng bằng cổ phần nhưng phải đổi giấy đăng ký kinh doanh để họ đứng tên, và cơ cấu góp vốn của tôi là 30%” – ông X. nói. Theo xác minh của Công an Khánh Hòa, chỉ trong năm 2013, Công ty Hiển Vinh đã ký 67 hợp đồng với các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa với tổng số vốn hứa đầu tư lên đến 30.000 tỉ đồng!
Vốn điều lệ của các công ty thành viên góp vốn vào RTC đều chưa có vốn trên thực tế – Đồ họa: Vĩ Cường |
RTC chưa từng lừa ai?
Ngày 4-3, khi phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại trụ sở RTC (đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh), các nhân viên của RTC cho biết lãnh đạo công ty bận đi Hà Nội họp với Văn phòng Chính phủ!? Tiếp chúng tôi là ông Từ Huy Hoàng, tự xưng là trưởng ban quản lý dự án khu vực Tây nguyên. Ông Hoàng khẳng định RTC chưa lừa ai, mà việc ký kết hợp đồng là do các doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện tham gia.
Ông Hoàng cho biết tính riêng ở khu vực Tây nguyên, ông đã thẩm định và ký hợp đồng hợp tác đầu tư hơn 20 dự án trồng rừng, với các hình thức như vườn ươm cây giống, phân cấp rừng trồng loại cây gì. Trong quý 1-2014, tiền sẽ bắt đầu được giải ngân.
Sau khi quảng cáo về năng lực tài chính cực mạnh của RTC, về những sứ mệnh cao cả của hàng loạt công ty thành viên của RTC, ông Hoàng nói chính bản thân ông cũng có ký kết hợp tác dự án với RTC. Cụ thể, trước khi tham gia vào RTC, ông Hoàng có dự án trồng rừng 500ha tại Đắk Nông, dự án này thuộc Công ty Phú Quý. Sau khi ký hợp đồng hợp tác phát triển dự án này, ông Hoàng được RTC cung cấp một cổ phần trị giá 545 triệu đồng và trở thành thành viên công ty.
Sau khi ký kết các hợp đồng hợp tác, trở thành người của RTC, ông Hoàng vẫn một mực đầy tin tưởng: “Tôi được biết chắc chắn có tiền. Tiền từ các tổ chức nước ngoài tài trợ tới 39 tỉ USD. Còn cụ thể như thế nào thì xin được giữ bí mật” – ông Hoàng nói.
Điều đáng nói là trái ngược hoàn toàn với niềm tin về số tiền khổng lồ mà RTC công bố, trụ sở của RTC lại khá bừa bộn, chật chội. Đó là tòa nhà xây dựng theo kiểu nhà ở dân dụng, được RTC thuê với giá 10 triệu đồng/tháng, theo như nhân viên của RTC khẳng định. Ngay phòng khách là hàng loạt xe máy được dựng chật cứng. Chỉ có một bàn tiếp khách và một nhân viên ngồi trực. Tệ hơn, trụ sở của công ty thành viên RTC là Công ty CP Phát triển bền vững quỹ môi trường xanh Toàn Cầu (có vốn điều lệ 17.500 tỉ đồng) nằm trên đường D2, P.Hiệp Phú, Q.9 cũng đóng cửa im lìm, hoàn toàn không có bất kỳ tấm biển hiệu treo tên công ty ở đây mà chỉ giống như một nhà ở thông thường.
Ai góp 45.000 tỉ đồng vốn điều lệ của RTC?
Đứng trước con số vốn điều lệ được công bố tới 45.000 tỉ đồng của RTC, nhiều người đặt câu hỏi nguồn vốn này ở đâu ra? Thực tế, theo tìm hiểu, dù đã quá thời hạn để các cổ đông sáng lập góp vốn vào vốn điều lệ của RTC nhưng các thành viên sáng lập vẫn chưa góp. “Cán bộ dự án” của RTC cho biết do vốn quá lớn, thời điểm này lại khó khăn, nguồn vốn từ nước ngoài chưa về nên vẫn chưa thể góp như cam kết.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, RTC được Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 8-2012. Các cổ đông sáng lập và góp vốn gồm: Công ty CP Đầu tư phát triển kinh tế bền vững Toàn Cầu (vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng) góp 10.000 tỉ đồng; Công ty CP Phát triển bền vững quỹ môi trường xanh Toàn Cầu (vốn điều lệ 17.500 tỉ đồng) góp 17.500 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Hiển Vinh (vốn điều lệ 3.427 tỉ đồng) góp 615 tỉ đồng… Trong số các cổ đông là các doanh nghiệp góp vốn vào RTC, vốn điều lệ tại các doanh nghiệp này cũng vẫn chỉ là vốn ảo, hoàn toàn chưa có trên thực tế.
Theo luật sư Hà Hải, trường hợp các công ty thành viên nêu trên còn chưa góp đủ vốn điều lệ của chính họ thì việc tham gia góp vốn vào một công ty khác bằng với số vốn điều lệ của mình rõ ràng là chuyện không tưởng.
(còn tiếp)
BẠCH HOÀN – DUY THANH – ĐÌNH DÂN
Con lập công ty “mẹ”, ba lập công ty “con” * Công ty Hiển Vinh: chủ tịch HĐQT Cao Văn Xứng, vốn điều lệ 3.427 tỉ đồng, trụ sở ở đường Phan Đình Phùng, Nha Trang. Sở Kế hoạch – đầu tư Khánh Hòa cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 18-9-2007 đến nay đã thay đổi, tăng vốn đăng ký sáu lần. * Công ty CP phát triển rừng Toàn Cầu, chủ tịch HĐQT Cao Hữu Trí, vốn điều lệ 45.000 tỉ đồng, trụ sở ở đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 14-8-2012. * Công ty CP Phát triển đại chúng bền vững quỹ môi trường xanh Toàn Cầu, chủ tịch HĐQT Cao Hữu Trọng, vốn điều lệ 17.500 tỉ đồng, trụ sở cũ tại đường Man Thiện, P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM. Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 22-12-2011. Đây là ba trong số tám công ty chủ chốt thuộc “khối liên doanh thực hiện chương trình trồng rừng phát triển rừng bền vững giai đoạn 2010-2020”, với tổng vốn điều lệ đăng ký của tám công ty này lên đến 77.677 tỉ đồng. Đặc điểm của tám công ty này là các thành viên chủ chốt như chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV đều là người một nhà! |