Đừng bắt con cháu trả nợ cho chúng ta
Các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn lên tiếng báo động về tình trạng nợ công của nước ta đang tăng quá nhanh và đã đến mức thiếu an toàn.
Đừng bắt con cháu trả nợ cho chúng ta
Nếu cộng cả nợ Chính phủ (năm 2012 là 55,7% GDP) với nợ của các doanh nghiệp nhà nước (51% GDP) thì tỉ lệ nợ công trên GDP của nước ta đã đạt 106,7% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP mà Ngân hàng Thế giới và Quốc hội nước ta đã đặt ra.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài, nếu không trả được thì Chính phủ phải đứng ra dàn xếp và trả nợ thay như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines… Xu thế đáng lo ngại này đang có chiều hướng tăng lên khi Chính phủ đã phải xin Quốc hội cho phép tăng tỉ lệ bội chi ngân sách từ mức 4,8% GDP năm 2013 lên 5,4% GDP cho năm nay.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là đã xuất hiện hiện tượng vay nợ mới để trả nợ cũ và vay nợ để chi tiêu chứ không chỉ vay nợ để đầu tư.
Chính phủ vay nợ bằng phát hành trái phiếu chính phủ, tức vay trong nước và vay viện trợ phát triển, vay ODA và vay trên thị trường tài chính quốc tế. Vay trong nước thì được trả bằng tiền VN nhưng lãi suất cao, khoảng 10%/năm, chi phí trả lãi suất như vậy rất lớn. Hơn thế nữa, nếu Chính phủ huy động trái phiếu với tỉ lệ quá lớn thì phần vốn dành cho khu vực kinh tế dân doanh vay sẽ bị hạn chế và sản xuất kinh doanh sẽ bị đình trệ.
Vay ODA hiện nay, sau khi VN đã vượt qua ngưỡng các nước nghèo (thu nhập thấp), gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thì điều kiện vay không còn thuận lợi như trước: lãi suất cao hơn, thời gian ân hạn ngắn hơn và thời hạn phải trả nợ cũng ngắn hơn. Vay bằng ngoại tệ thì phải trả cả vốn lẫn lãi bằng ngoại tệ, phải kiếm được bằng xuất khẩu. Nếu tỉ lệ trả nợ trên xuất khẩu quá cao thì sẽ không an toàn. Tốt nhất là hạn chế vay càng ít càng tốt.
Chính phủ phát hành trái phiếu để đầu tư vào kết cấu hạ tầng, tức là công trình phải có lãi suất cao hơn 10%/năm mới trả được vốn lẫn lãi. Nhưng nếu thực hiện đầu tư kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, thất thoát lớn, công trình kém hiệu quả thì sẽ không trả được cả lãi lẫn gốc, số nợ công càng tăng thêm và con cháu chúng ta, thế hệ sau sẽ phải trả gánh nợ ấy, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là như vậy. Các địa phương nợ xây dựng cơ bản lên đến 91.000 tỉ đồng là một trong những ví dụ cho thấy chi thực tế vượt xa dự toán, thi công kéo dài, công trình không đưa vào sử dụng được.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư vốn, khai thác tài nguyên, sử dụng lao động giá rẻ làm gia công, lắp ráp là chính nên tỉ suất lợi nhuận và giá trị gia tăng thấp. Để sản xuất ra lúa gạo ta phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu; để sản xuất ximăng ta chỉ có đá vôi, đất sét, toàn bộ trang thiết bị phải nhập khẩu, nên giá trị gia tăng bị hạn chế. Mô hình tăng trưởng này đã gặp giới hạn của nó: tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trong khi ô nhiễm môi trường tăng lên, tài nguyên rừng, khoáng sản đã được khai thác khá nhiều, nếu không chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng dựa vào sáng tạo, công nghệ tiên tiến thì sẽ rất khó trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Tham nhũng, tiêu cực làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp, làm năng lực cạnh tranh của sản phẩm VN thấp.
Đã đến lúc phải đảo ngược xu thế này, phải giảm bội chi ngân sách, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chấm dứt vay để chi tiêu. Việc vay để đầu tư cần được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tham nhũng, tiêu cực để có thể trả được nợ.
Trên thế giới đã có những bài học. Hi Lạp, Argentina là những nền kinh tế vung tay quá trán, giấu nợ xấu làm cho cộng đồng tài chính thế giới không còn tin tưởng để cho vay tiếp dẫn đến vỡ nợ và người dân phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề, cay đắng. VN cần kịp thời cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế để tránh đi theo vết xe đổ này.
LÊ ĐĂNG DOANH