Không thể không hoài nghi
Việc các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng thuận với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT vì cho rằng còn quá chung chung và cách trả lời lấp lửng của lãnh đạo Bộ trước phóng viên khiến xã hội càng hoài nghi về đề án đổi mới này.
Không thể không hoài nghi
Việc các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng thuận với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT vì cho rằng còn quá chung chung và cách trả lời lấp lửng của lãnh đạo Bộ trước phóng viên khiến xã hội càng hoài nghi về đề án đổi mới này.
Đã có rất nhiều hội thảo, các buổi lấy ý kiến cho đề án diễn ra những năm gần đây. Thế nhưng với những nội dung mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo tường thuật của báo chí, vẫn chưa thấy tính khả thi, hiệu quả, giá trị của một đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới GD-ĐT sắp tới.
Kinh phí thực hiện đề án không nhỏ và dù còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này nhưng điều then chốt mà mọi người mong đợi là tính hiệu quả, khả thi, minh bạch của đề án. Nghĩa là đồng tiền bỏ ra có xứng đáng, có đúng với kỳ vọng của người dân? Rõ ràng, đề án này chưa tạo được niềm tin đó.
Qua các cuộc hội thảo trước đây, chúng ta thấy rằng còn biết bao ngổn ngang nếu bắt đầu thực hiện đề án từ năm 2015. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là con người. Lãnh đạo một trường ĐH sư phạm đã từng thẳng thắn cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều khoa của các trường sư phạm vẫn chưa đưa môn xây dựng chương trình học và đào tạo giáo viên vào chương trình giảng dạy. Ông khẳng định đây thật sự là một khó khăn nếu muốn đổi mới việc xây dựng chương trình – sách giáo khoa. Ngoài ra còn những khó khăn khác như thời gian hoàn thành lộ trình đổi mới quá dài, quy trình viết sách giáo khoa…
Không phải bi quan nhưng nhiều ý kiến từ những người trong nghề cho thấy thời gian chỉ còn hơn 1 năm nhưng mọi thứ nền tảng để chuẩn bị cho sự đổi mới lại quá cập rập.
Với người dân bình thường, họ mong đề án phải cho thấy cái gì là đổi mới thật sự chứ không chỉ là những gì hết sức xa lạ kiểu “ở cả 3 cấp học, các môn học và hoạt động giáo dục đều phải quán triệt quan điểm tích hợp. Cấp tiểu học và cấp THCS xây dựng một số môn học tích hợp các mạch kiến thức theo các lĩnh vực liên ngành”… Đề án phải làm sao cho họ thấy con em họ sẽ không còn phải học một chương trình nặng nề, giáo điều, thiếu những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống đời thường; sách giáo khoa không chỉ nhồi nhét mà là gợi mở…
Nói những điều này không có nghĩa là trì hoãn việc đổi mới mà làm sao để tránh lãng phí và hiệu quả. Bộ có nhất thiết phải ôm tất cả mọi việc để không biết cụ thể phải làm những công việc gì? Có nhiều ý kiến đặt vấn đề “xã hội hóa” câu chuyện này. Nghĩa là Bộ GD-ĐT đặt ra một chương trình khung cụ thể, cho phép các cá nhân hoặc đơn vị viết sách giáo khoa phù hợp. Việc đào tạo giáo viên cũng vậy, Bộ tạo những tiêu chí, tùy từng nơi, từng người có những cách để đạt điều này.
Vì thế, không chỉ dừng lại ở những câu chữ đẹp nhằm dễ thông qua, đề án cần những điều cụ thể, hiện thực, khả thi để người dân thấy sự minh bạch với số tiền lớn mà một nước nghèo phải bỏ ra cho công cuộc đổi mới giáo dục.
Thùy Ngân