26/11/2024

“Bà đỡ” cho người dân

Nông sản, dược liệu của người dân làm ra được huyện đưa xe xuống tận nơi thu mua, được các cán bộ huyện đóng gói và dùng uy tín tiếp thị ra thị trường.

 

“Bà đỡ” cho người dân

Nông sản, dược liệu của người dân làm ra được huyện đưa xe xuống tận nơi thu mua, được các cán bộ huyện đóng gói và dùng uy tín tiếp thị ra thị trường.
Những loại biệt dược, đặc sản quý được huyện Kon Plông thu mua của dân và đóng gói, bày bán tại trung tâm huyện – Ảnh: B.D.

 

Đó là cách làm đang được huyện Kon Plông (Kon Tum) thực hiện nhằm giúp người dân tiêu thụ hàng hóa.

 

Làm mô hình ban đầu để hướng dẫn dân

Theo ông Đặng Thanh Nam, việc huyện đứng ra làm “bà đỡ” cho nông sản của dân mục đích lớn nhất là giúp dân tạo thói quen mua bán, sản xuất hàng hóa để trao đổi. “Chúng tôi không thể làm thay doanh nghiệp được mà chỉ là cầu nối. Kon Plông là vùng rất đặc thù, địa hình khó khăn, chủ yếu là đồng bào thiểu số nên người dân chưa có thói quen mua bán. Huyện sẽ làm mô hình ban đầu, sau khi dân quen với việc trao đổi hàng hóa thì sẽ dừng” – ông Nam nói.

 

Một buổi sáng, tiệm tạp hóa nằm ở thôn Đắk Tà Cót (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) có một nhóm người đang lụi cụi xếp với mớ thảo dược. Người đàn ông Ca Dong hạ chiếc gùi xuống và lấy ra những nắm lá kim cương – một loài thảo mộc hái được từ rừng để chuẩn bị bán.

Mới nhìn qua, nhiều người lầm tưởng hai người đàn ông đứng xem mớ hàng trong chiếc gùi của dân là thương lái nhưng lại là hai cán bộ xã đang hỗ trợ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Kon Plông thu mua nông sản.

Cách mua bán này được bắt đầu trong một cuộc họp do ban thường vụ Huyện ủy Kon Plông đưa ra dưới sự đề xuất của cán bộ làm công tác nông nghiệp.

“Tại cuộc họp đó, sau khi nghe cán bộ chuyên môn trình bày, lãnh đạo huyện quyết ngay: phải triển khai gấp để thu mua hỗ trợ người dân giai đoạn kích thích người dân sản xuất” – ông Đặng Thanh Nam, phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, nói.

Ngày 30-8-2013, kế hoạch thu mua nông sản, hàng hóa, biệt dược cho dân được UBND huyện Kon Plông thông qua. Huyện sẽ xây dựng các điểm thu mua tại các xã, các thôn làng. Đều đặn hằng tháng, những chuyến xe thu gom hàng của huyện trực tiếp xuống các xã để thu mua cho người dân.

Ông Lê Xuân Long – trưởng Phòng kinh tế hạ tầng Kon Plông – nói những năm trước hàng hóa của dân làm ra dư thừa không biết bán ở đâu, nhiều thương lái ở xa tìm đến o ép khiến nông dân thiệt thòi. Chỉ sau vài tháng triển khai, hàng chục tấn hàng hóa gồm sim, lúa gạo, thuốc quý, chè rừng… được gom từ khắp các xã.

Tại đây, hàng hóa được giới thiệu cho các doanh nghiệp, các công ty và một phần được đưa ra các buổi chợ phiên tại các xã. Nhiều thời điểm vào mùa thu mua Phòng kinh tế hạ tầng chất đầy hàng hóa. Các cán bộ của phòng phải tranh thủ thời gian để phơi sấy, phân loại, đóng gói các mặt hàng cung cấp cho các doanh nghiệp.

Từ câu chuyện huyện làm “bà đỡ” cho nông sản, hàng hóa của người dân ở Kon Plông đã dẫn đến việc nhiều loài cây dại, vô giá trị ở rừng nay lại trở thành các loài cây đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Ông A Thau – người dân tộc Ca Dong ở xã Hiếu – cho biết trước đây cây sim mọc đầy rẫy ở rừng, đến mùa quả chín tím đồi nhưng chỉ để cho chim ăn hoặc thối rụng. Nay sim đang trở thành loài cây mang lại tiền triệu cho dân. Sau khi huyện Kon Plông đứng ra thu mua hàng hóa, nhiều người dân cũng đã lên rừng hái sim đem bán. Cây sim nhanh chóng bị săn lùng.

Để tạo nguồn hàng ổn định, hỗ trợ làm nông nghiệp bền vững, từ năm 2007 UBND huyện Kon Plông đã kêu gọi hai doanh nghiệp về tận nơi thu mua với giá ổn định.

Không dừng lại ở đây, hai doanh nghiệp này còn khoanh vùng rừng sim, phân công cho nông dân quản lý, doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân chăm sóc cây sim rừng như loài cây do chính mình trồng lên. Không chỉ sim rừng, nhiều loài cây từ rừng cũng đã được người dân bắt đầu đưa về nhà ươm giống, chăm sóc tạo nguồn hàng như chuối rừng, sâm dây…

Ngoài việc bán cho huyện, UBND huyện Kon Plông cũng cử cán bộ xuống địa bàn để giám sát việc mua bán giữa nông dân với thương lái.

THÁI BÁ DŨNG