18/11/2024

Khai mạc Đối thoại Shangri-la: Căng thẳng trên biển là tâm điểm

Đối thoại Shangri-La chính thức khai mạc hôm nay với tâm điểm là tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông với những diễn biến gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua.

 

Khai mạc Đối thoại Shangri-la: Căng thẳng trên biển là tâm điểm

Đối thoại Shangri-La chính thức khai mạc hôm nay với tâm điểm là tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông với những diễn biến gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được kỳ vọng sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc – Ảnh: Reuters

 

 

“Cây gậy và củ cà rốt”

Có mặt ở Shangri-La, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết: “Tôi quan tâm tới những củ cà rốt và cây gậy mà Thủ tướng Abe sẽ mang tới cho Trung Quốc. Chắc chắn sẽ có những cây gậy. Ông Abe đã nói về chuyện nới lỏng hạn chế đối với quyền tự vệ tập thể, viện trợ quân sự cho các nước. Ông ấy sẽ đưa ra chiến lược hiệu quả để ngăn chặn Trung Quốc gây hấn ở Senkaku/Điếu Ngư và các phần khác ở châu Á. Rồi cách hợp tác với các nước để có thể duy trì nguyên trạng hiện tại”.

 

Là diễn đàn an ninh uy tín bậc nhất khu vực, hội nghị lần này sẽ có khoảng 400 chuyên gia và quan chức quốc phòng từ 27 nước đến tham dự.

Người phát biểu bài diễn văn chính của hội nghị lần này sẽ là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Bài phát biểu của ông Abe đang rất được kỳ vọng sau những biến chuyển về tình hình an ninh khu vực trong suốt một năm qua khi Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn.

“Trong vòng 12 tháng qua, an ninh khu vực rõ ràng đã đi xuống – chuyên gia cao cấp Alexander Neill của đối thoại Shangri-La nói với báo giới trước thềm hội nghị – Niềm tin trong quan hệ song phương đã suy giảm. Ẩn giấu phía sau tất cả điều này là sự thù địch giữa một Trung Quốc đang lên và siêu cường hiện tại là Mỹ”.

Báo chí Nhật cho biết thông điệp của Thủ tướng Abe sẽ tập trung kêu gọi Trung Quốc phải kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, ông Abe sẽ bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh trên biển với các nước ASEAN, đặc biệt là nâng cấp khả năng trên biển của các nước đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc như Việt Nam và Philippines.

Trong bài phỏng vấn với Wall Street Journal sau đó, ông Abe khẳng định muốn đẩy nhanh hơn tiến độ cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nhật Abe cũng sẽ có cuộc gặp với đại diện các nước ASEAN liên quan đến tình hình căng thẳng ở biển Đông hiện nay. Kyodo News cho biết phát biểu tại Quốc hội Nhật hôm qua 29-5, ông Abe tố cáo Trung Quốc “dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng trên biển Đông”. “Nhật sẽ hợp tác với các nước ASEAN để đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng” – ông Abe nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam và tình hình biển Đông sẽ là tâm điểm của hội nghị sau việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam ở gần khu vực đảo Hoàng Sa, cũng như việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân của Việt Nam. Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và các quan chức quốc phòng Mỹ cũng sẽ có mặt. Ông Hagel sẽ có bài phát biểu và gặp gỡ quan chức các nước khu vực liên quan đến tình hình biển Đông.

Theo ông Neill, Việt Nam và Đông Nam Á sẽ là tâm điểm của “chính sách đối ngoại quân sự” của Mỹ trong vài năm tới. “Tôi có thể thấy sẽ có thêm nhiều chuyến tàu thăm viếng các cảng, có thể sẽ có thêm các chuyến thăm viếng luân phiên tới Việt Nam” – ông Neill nhận định.

Chuyên gia Tim Huxley thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS), đơn vị tổ chức đối thoại Shangri-La, đánh giá: “Cảm nhận của chúng tôi là thông điệp của ông Abe sẽ tạo được rất nhiều sự chú ý, không chỉ là với Trung Quốc”. Theo ông, Bắc Kinh sẽ muốn phản ứng nhanh chóng với những gì Thủ tướng Abe nói. Ông Abe sẽ đi cùng với bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia của mình.

 

THANH TUẤN