Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần 45

Nhân Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội lần 45, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ do một sự kiện đặc trưng của thời đại chúng ta gợi lên, đó là sự phát triển của truyền thông qua hệ thống mạng.

 Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần 45

Chân lý, loan báo và tính chất xác thực của đời sống trong thời đại ngôn ngữ kỹ thuật số
Chúa Nhật VII PS, Lễ Chúa Lên Trời, 5/6/2011

Anh chị em thân mến,

Nhân Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội lần 45, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ do một sự kiện đặc trưng của thời đại chúng ta gợi lên, đó là sự phát triển của truyền thông qua hệ thống mạng. Người ta ngày càng xác tín rằng, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp đã phát sinh một sự thay đổi sâu rộng trong xã hội, qua những mặt hàng mới mẻ được du nhập vào trong chu kỳ sản xuất và trong đời sống người lao động, thì  ngày hôm nay cũng thế, sự biến đổi sâu rộng trong lĩnh vực truyền thông cũng hướng dẫn dòng tiến của những thay đổi lớn lao về mặt xã hội và văn hoá. Các ngành công nghệ học mới không những thay đối cách truyền thông, mà còn thay đổi cả chính bản tính truyền thông. Như thế, ta có thể khẳng định chúng ta đang tham dự vào một sự thay đổi lớn rộng về mặt văn hoá. Cùng với một hệ thống phổ biến các thông tin và kiến thức như thế, chúng ta cũng đã chứng kiến một phương pháp mới trong việc học tập và suy tư, với những thời cơ mới thật độc đáo trong việc thiết lập những mối quan hệ và xây dựng truyền thông.

Người ta đang nghiên cứu những mục tiêu mà trước đó ta chưa hề nghĩ tới và làm cho chúng ta phải ngạc nhiên, vì những khả năng do những phương tiện mới mang lại, và đồng thời, ngày càng đòi ta phải có một suy tư nghiêm chỉnh về ý nghĩa của truyền thông trong thời đại ngôn ngữ kỹ thuật số. Điều này đặc biệt hiển nhiên khi ta đối diện với những tiềm năng tuyệt vời của hệ thống mạng, cũng như sự phức tạp trong việc áp dụng hệ thống này. Cũng như bất cứ thành quả nào khác do tài khéo léo của con người mang lại, thì những ngành công nghệ học truyền thông mới cũng phải được sử dụng để phục vụ thiện ích toàn vẹn của con người và của toàn thể nhân loại. Nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, thì những ngành công nghệ học mới mẻ này sẽ có thể góp phần làm thoả mãn ý muốn về ý nghĩa, chân lý và sự hợp nhất là khát vọng sâu xa nhất của con người.

Trong thế giới ngôn ngữ kỹ thuật số, truyền tải thông tin ngày càng có nghĩa là nhập thông tin vào một hệ thống xã hội mà qua đó người ta có thể chia sẻ kiến thức trong một bối cảnh trao đổi giữa con người với nhau. Sự phân biệt rõ ràng giữa người sản xuất và người tiêu thụ thông tin chỉ có tính tương đối, và truyền thông không những là một hình thức trao đổi dữ liệu, mà ngày càng được xem là một sự chia sẻ. Động thái này đã góp phần giúp ta đánh giá lại việc truyền thông, trước tiên được xem như một  đối thoại, trao đổi, liên đới và sáng tạo những mối tương quan tích cực. Mặt khác, điều này cũng vấp phải một số hạn chế tiêu biểu trong việc truyền thông ngôn ngữ kỹ thuật số: tính thiên vị trong tác động hỗ tương, khuynh hướng chỉ truyền thông một vài khía cạnh trong thế giới nội tâm của mình, nguy cơ sa lầy vào một loại hình thái xây dựng hình ảnh con người mình, và có thể dẫn tới hành động tự thỏa mãn.

Đặc biệt các bạn trẻ cảm nghiệm được sự thay đổi truyền thông này, cùng với mọi nỗi âu lo, mâu thuẫn và năng lực sáng tạo là nét đặc thù của những ai mở rộng lòng mình đón nhận những kinh nghiệm mới mẻ về cuộc đời, với niềm phấn khởi và óc ham hiểu biết. Quan hệ liên can luôn mang tầm vóc quan trọng hơn trên vũ đài ngôn ngữ kỹ thuật số đại chúng được xây dựng trên cái mà chúng ta gọi là social network [mạng lưới xã hội], sẽ dẫn ta đến việc thiết lập những hình thái mới mẻ về những tương quan liên nhân vị, ảnh hưởng đến trực giác về chính mình, và như thế, chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi không những về tính trung thực của hành động cá nhân mà còn về tính xác thực của hữu thể. Bước vào không gian ảo này có thể là dấu chỉ nói lên việc ta thực sự đi tìm gặp người khác, với điều kiện là chú ý tránh những nguy hiểm chẳng hạn đặt mình vào trong một loại hình hiện diện song song, hay đắm mình vào trong thế giới ảo. Đi tìm sự chia sẻ, “tình bằng hữu”, buộc ta phải đối diện với thách đố sống đích thực và trung thành với chính mình, mà không hề nhường bộ cho ảo tưởng muốn tạo lên tiểu sử giả tạo của mình trước mặt người khác.

Những ngành công nghệ mới cho phép mọi người có thể gặp nhau bên kia biên giới về không gian và văn hoá riêng của mỗi người, và như thế tạo nên một thế giới tình bạn tiềm năng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một thời cơ lớn, nhưng cũng đòi hỏi ta phải chú tâm nhiều hơn và ý thức được những nguy cơ có thể xảy ra. Ai là “anh em tôi” trong thế giới mới mẻ này? Không có nguy cơ chúng ta có thể ít để tâm hơn đến những người chúng ta gặp trong cuộc sống thường nhật sao? Không có nguy cơ lơ đễnh hơn, bởi vì chú tâm của chúng ta bị phân tán và cuốn hút vào một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống sao? Chúng ta có đủ thời giờ để suy nghĩ với óc phê phán những chọn lựa của mình, và thúc đẩy những tương quan nhân vị thật sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng chúng phải nhớ là sự tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho tiếp xúc trực tiếp với mọi người ở mọi bình diện trong đời sống.

Trong thời đại ngôn ngữ kỹ thuật số cũng thế, mỗi người đều phải sống xác thực và có suy nghĩ. Ngoài ra, động lực gắn liền với những social network [mạng lưới xã hội] đều chứng minh con người bao giờ cũng liên can đến những gì mình truyền thông. Khi mọi người trao đổi thông tin, thì họ đã chia sẻ chính mình, chia sẻ tầm nhìn thế giới của mình, chia sẻ những hy vọng, những lý tưởng của mình. Từ đó ta suy ra Kitô giáo cũng có một hình thức hiện diện bên trong thế giới ngôn ngữ kỹ thuật số: cách hiện diện này mang một hình thức truyền thông trung thực và cởi mở, có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác. Truyền bá Tin Mừng bằng những phương tiện truyền thông đại chúng mới không chỉ có nghĩa là đưa nội dung tôn giáo vào trong nền của những phương tiện truyền thông khác nhau, nhưng cũng còn có nghĩa là làm chứng cách chặt chẽ, trong bản mô tả ngôn ngữ kỹ thuật số của mình và trong cách truyền thông, những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng, ngay cả khi ta không đề cập đến Tin Mừng một cách minh nhiên. Ngoài ra, trong thế giới ngôn ngữ kỹ thuật số, sứ điệp không thể được loan báo nếu không có chứng tá phù hợp từ phía người loan báo sứ điệp. Trong những bối cảnh mới, và với những hình thái diễn đạt mới, một lần nữa, Kitô hữu được mời gọi cung cấp câu trả lời cho những ai muốn biết lý do niềm hy vọng đang hiện diện trong lòng họ.

Cam kết làm chứng cho Tin Mừng trong thời đại ngôn ngữ kỹ thuật đòi hỏi mọi người phải đặc biệt quan tâm đến những khía cạnh của sứ điệp có thể không thừa nhận một vài luận lý tiêu biểu của trang mạng. Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng chân lý  chúng ta tìm kiểm để chia sẻ cho nhau không rút giá trị từ sự kiện “được mọi người mến mộ”, hay số lần được mọi người quan tâm. Chúng ta phải làm cho chân lý được mọi người biết đến trong tính toàn bộ của nó, hơn là tìm cách làm cho chân lý được chấp nhận hay làm cho nó trở nên “ngọt ngào hơn”. Chân lý phải trở nên lương thực hàng ngày, chứ không phải một sức hấp dẫn chóng qua. Chân lý Tin Mừng không phải là một cái gì đó có thể làm đối tượng tiêu thụ, hay đối tượng thụ hưởng một cách hời hợt, nhưng là một ân huệ đòi ta phải tự do đáp trả. Ngay cả khi chân lý Tin Mừng được công bố trong khoảng không gian ảo của hệ thống mạng, thì Tin Mừng vẫn đòi hỏi phải được nhập thể trong thế giới thật, và phải được liên kết với những gương mặt cụ thể của những người anh chị em, những người được chúng ta chia sẻ cuộc sống thường nhật. Những tương quan trực tiếp của con người phải luôn là cơ bản để chuyển trao đức tin.

Như thế, tôi muốn mời gọi các Kitô hữu kết hợp với nhau, với niềm tin và tính sáng tạo có ý thức và trách nhiệm trong hệ thống các mối tương quan do thời đại ngôn ngữ kỹ thuật số mang lại. Không phải chỉ đơn thuần thoả mãn ước muốn được hiện diện, nhưng bởi vì hệ thống mạng là một cấu phần của đời sống con người. Trang mạng giúp phát triển những tầm nhìn mới và phức tạp hơn về mặt tri thức và thiêng liêng, những cách nhận thức mới cùng được chia sẻ. Trong lĩnh vực này cũng thế, chúng ta được mời gọi loan báo việc chúng ta tin rằng Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc của con người và lịch sử, Đấng kiện toàn mọi sự (x. Ep 1,10). Loan báo Tin Mừng đòi hỏi một hình thức truyền thông biết tôn trọng và nhạy cảm, thôi thúc tâm hồn và kêu gọi lương tâm; một hình thức phản ảnh phong cách sống của Đức Giêsu Phục Sinh, khi Người đồng hành với các môn đệ trên đường đi Emmaus (x. Lc 24,13-35). Bằng cách tiếp cận và đối thoại, Người nhẹ nhàng đưa những gì nằm sâu trong tâm hồn họ xuất hiện ra bên ngoài, Người đã giúp họ từ từ hiểu được mầu nhiệm.

Xét cho cùng, Chân lý về Đức Kitô là câu trả lời đầy đủ và đích thực cho nỗi ao ước của con người muốn liên đới, hiệp thông và ý nghĩa được phản ảnh qua tính đại chúng rộng lớn của các hệ thống xã hội. Các tín hữu, khi làm chứng cho những xác tín sâu xa nhất của mình, đều tích cực đóng góp để làm cho trang mạng không còn trở nên một công cụ biến con người thành những phạm trù, hoặc tìm cách thao tác con người về mặt cảm xúc, hoặc cho phép ai đó có đủ sức mạnh để độc quyền trên những quan điểm của người khác. Nhưng trái lại, các tín hữu khuyến khích mọi người giữ cho những câu hỏi ngàn đời của con người luôn sống động trong lòng mình, những câu hỏi nói lên nỗi ước muốn siêu việt và mong mỏi những lối sống đích thực, thực sự đáng cho chúng ta sống. Chắc chắn chính nỗi ao ước thiêng liêng có một không hai này của con người gợi cảm hứng cho chúng ta đi tìm chân lý và hiệp thông, và thôi thúc chúng ta truyền thông một cách toàn vẹn và trung thực.

Đặc biệt tôi mời gọi các bạn trẻ biết hiện diện một cách đúng đắn trên vũ đài ngôn ngữ kỹ thuật số. Tôi xin được nhắc lại tôi hẹn gặp họ tại Đại hội Quốc tế Giới trẻ sẽ được tổ chức tại Madrid. Những ngành công nghệ mới sẽ góp phần không nhỏ cho việc chuẩn bị biến cố này. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô de Sales, là quan thầy của giới truyền thông, tôi nài xin Thiên Chúa ban cho những người làm công tác truyền thông khả năng luôn thi hành công việc của mình một cách ý thức và chuyên nghiệp. Tôi rộng lòng ban Phép lành Toà Thánh cho tất cả mọi người.

Làm tại Vatican, ngày 24-1-2011, nhằm lễ Thánh Phanxicô de Sales

Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng