Khi World Cup không được hoan nghênh
“FIFA biến đi”, “World Cup chết tiệt”, trong những ngày này, người ta có thể bắt gặp những khẩu hiệu đầy giận dữ như vậy ở khắp Sao Paulo. World Cup không được nhiều người trên xứ sở bóng đá hoan nghênh.
Khi World Cup không được hoan nghênh
“FIFA biến đi”, “World Cup chết tiệt”, trong những ngày này, người ta có thể bắt gặp những khẩu hiệu đầy giận dữ như vậy ở khắp Sao Paulo. World Cup không được nhiều người trên xứ sở bóng đá hoan nghênh.
|
Buổi sáng cuối tuần, tôi đi bộ xuống trung tâm Sao Paulo. Nắng vàng rực nhưng trời se se lạnh trong những ngày mùa đông. Từ sớm, khu vực quanh cầu vượt Viaduto do Chá và nhà ga Anhangabaú ken dày cảnh sát. Một vài cuộc biểu tình do các hội đoàn tổ chức diễn ra ôn hòa. Bên này cầu là cuộc biểu tình do Hiệp hội Công nhân vô gia cư (Movimento dos Trabalhadores Sem Teto) tổ chức với khẩu hiệu kêu gọi chính quyền xây nhà cho người nghèo. Bên kia cầu, các giảng viên đại học dựng lều yêu cầu chính quyền tăng ngân sách giáo dục. Như minh họa cho các yêu sách của người biểu tình, bên trong công viên và ngay trên cầu vượt Viaduto do Chá, người vô gia cư trùm mền nằm vạ vật khắp nơi.
Tình hình khá nóng bỏng nhưng vẫn còn không gian cho những hoạt động vui tươi. Trên khoảng sân rộng bên đại lộ São João, một nhóm nghệ sĩ trẻ chơi đàn guitar và nhảy điệu samba tưng bừng. Ở một góc khác, anh chàng nghệ sĩ đường phố Rachidi thân hình dẻo như rắn biểu diễn các động tác uốn lượn ngoạn mục. Các cửa hiệu bán hàng lưu niệm World Cup, nhiều nhất là linh vật, kèn và áo, phát loa mời khách ồn ào. Không khí náo nhiệt của World Cup lan tỏa khắp nơi.
Thế rồi, vào buổi chiều, mọi êm đềm biến mất. Các cuộc biểu tình của người lớn tuổi giải tán, nhường chỗ cho lớp thanh niên sôi nổi tập trung để đưa ra thông điệp của mình. Thông điệp của họ rất ngắn gọn, rõ ràng, nhưng mạnh mẽ và đôi lúc hơi khiêu khích.
Tại sao tôi phản đối World Cup ?
“World Cup chết tiệt”, “Không cần Ronaldo”, “FIFA biến đi”, “Người vô gia cư là đội bị loại đầu tiên tại World Cup”, kèm theo những khẩu hiệu là những màn biểu tình đầy sáng tạo nhưng cũng hơi gây gổ. Một người đội hình nộm bộ xương khô mang áo đội tuyển Brazil đi dạo khắp khu vực quảng trường trung tâm. Hình nộm gợi cho người ta một bóng ma mang đến sự sợ hãi và chết chóc. Đi kèm với hình nộm khổng lồ là bảy, tám “xác người” nằm ngổn ngang trên đất, do các thanh niên tham gia biểu tình hóa trang thành. Một đội trống gồm năm người đánh lên những hồi sôi động để cổ vũ. Trên bục cao, một người đàn ông trung niên lượm hộp cơm dưới đất và ăn ngấu nghiến trong màn biểu diễn nhằm gửi đi thông điệp về tình trạng đói nghèo vẫn còn đày đọa nhiều người dân ở Brazil.
“Sẽ không có World Cup”, ông ta nói. Đám đông hô theo.
Tôi ngẩn ngơ giữa không khí giận dữ ấy. World Cup có vẻ như được cả thế giới trông đợi. Tôi cũng đã đến đây với tất cả niềm hứng khởi. Giờ đây, tôi lại đang đứng giữa một đám đông muốn tống World Cup xuống địa ngục. “Tại sao tôi phản đối World Cup ư? Người ta bỏ hàng chục tỉ đô la để tổ chức giải đấu, trong khi vẫn còn nhiều người chết đói, không có nhà ở, vẫn còn trẻ em không được đi học. Đó là tội ác”, một thanh niên trẻ chia sẻ khi tôi hỏi tại sao anh và những người bạn của mình phản đối World Cup. “Chúng tôi không chống World Cup. Chúng tôi chống lại cách mà họ tổ chức giải đấu này tại Brazil”. Tôi nhớ là mình đã nghe lời giải thích tương tự từ một người Sao Paulo lớn tuổi trong cuộc gặp tình cờ vào hôm trước.
Theo một số nguồn tin, khoảng 12 tỉ USD đã được chi để tổ chức World Cup. Nhưng ngân sách này chủ yếu dồn vào các địa điểm thi đấu, trong khi những công trình mang đến lợi ích cho công chúng rộng hơn thì không được thực hiện. Brazil là một nền kinh tế mới nổi, đầy tiềm lực, nhưng trong lòng nó vẫn còn đói nghèo, bất công, tham nhũng. Những cuộc xuống đường nổ ra xuất phát từ những nguyên nhân ấy.
Nhìn những khẩu hiệu “Nói không với World Cup”, tôi mường tượng ra rằng bao giờ những cuộc vui vẻ tốn kém cũng để lại ít nhiều cay đắng, và khẽ thở phào khi nhớ lại rằng, chỉ mới đây thôi Việt Nam đã rút đăng cai ASIAD 18. Giải thể thao châu Á không thể sánh được với World Cup ở nhiều phương diện, nhưng có thể nhìn vào đó để thấu hiểu được những con người đang cầm biểu ngữ phản đối World Cup giữa trung tâm Sao Paulo vào lúc này. Họ có lý do chính đáng để làm điều đó. Chỉ mong rằng họ sẽ thực hiện cuộc biểu tình một cách ôn hòa, không để xảy ra những màn chọi nhau chan chát giữa cảnh sát và người biểu tình như vào tuần trước.
Những hàng rào cảnh sát
Nguy cơ xảy ra bạo lực luôn tiềm ẩn tại những cuộc tập hợp đông người. Vì thế, cảnh sát Sao Paulo đã triển khai lực lượng ngay từ đầu để làm nhiệm vụ bảo an. Xung quanh khu vực biểu tình, cảnh sát ken dày. Có đủ loại cảnh sát tham gia giữ gìn trật tự và phòng ngừa nguy cơ bạo lực: cảnh sát trật tự, lực lượng chống bạo động, lực lượng phản ứng nhanh, quân cảnh… Họ đứng thành nhiều lớp, với mũ bảo hiểm, khiên, áo giáp và súng bắn đạn hơi cay trên tay. Họ luôn di chuyển chiến thuật để đảm bảo rằng cuộc biểu tình bên trong được kiểm soát ở mức tốt nhất.
Vào chập tối, những người biểu tình bắt đầu cuộc tuần hành dài hơn 10 km, qua các con phố ở trung tâm Sao Paulo. Lực lượng cảnh sát có mặt khắp nơi, cả trên không lẫn dưới đất, để bảo an. Cuộc tuần hành có nhiều lúc trở nên cực kỳ căng thẳng, khi những người biểu tình bịt mặt xếp thành hàng tiến lại đối mặt với hàng rào cảnh sát. Trong những tình huống tương tự, các cuộc biểu tình vào tuần trước đã dẫn tới bạo lực và trấn áp. Còn lúc này, trên đại lộ Rio Branco, không khí căng thẳng bao trùm nhưng vẫn trong giới hạn kiểm soát. Người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối World Cup và chỉ trích cảnh sát, nhưng vẫn ở trong ngưỡng hợp pháp. Cho nên, cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ của họ, đó là đi thành hàng rào dày đặc để kiểm soát tình hình, trong khi vẫn không có hành động can thiệp vào hoạt động của đoàn biểu tình. Đêm về khuya và đoàn tuần hành vẫn tiếp tục đi, hô vang những thông điệp của họ. Người dân hai bên đường tràn ra cổ vũ.
Tại World Cup 2014, biểu tình phản đối là một trong những nỗi đau đầu của nhà chức trách, bên cạnh các vấn đề an ninh như cướp của, giết người. Trong khi không thể ngăn cản biểu tình vì đó là quyền của người dân, chính quyền tại Brazil phải huy động tối đa lực lượng để đảm bảo rằng những cuộc tuần hành được kiểm soát.
Theo thông báo của giới chức Brazil, 157.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội sẽ được huy động để bảo an cho World Cup. Bộ trưởng Quốc phòng Celso Amorim nói rằng các binh sĩ của ông sẽ hành động đúng mực và “khi buộc phải ra tay, trước tiên họ sẽ sử dụng biện pháp phi sát thương”.
Một World Cup rất hấp dẫn đang ở trước mặt. Nhưng quanh nó cũng còn nhiều nỗi bất an và cay đắng. Mùa vui không chỉ có niềm vui.
Đỗ Hùng