Sức khoẻ tâm thần của học sinh đang bị bỏ quên
Vốn có quá nhiều áp lực từ học hành, thi cử, từ gia đình và xã hội nhưng đến nay chuyện được chăm sóc sức khoẻ tâm thần vẫn là điều xa xỉ với học sinh Việt Nam.
Sức khoẻ tâm thần của học sinh đang bị bỏ quên
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ (ĐH Văn Hiến) – Ảnh: Mỹ Dung
Các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần được một số địa phương nghiên cứu rồi để đó, không được áp dụng trong thực tế.
Tại hội thảo quốc gia “Sức khỏe tâm thần (SKTT) trong trường học” do Quỹ tài năng trẻ tâm lý học – giáo dục học (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) tổ chức ngày 7-6 tại Đồng Nai, nhiều chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần (SKTT) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng SKTT ngày càng sa sút của học sinh.
Càng cuối cấp càng “trục trặc” tâm lý
“Nhiều trường học hiện nay vẫn thường đánh đồng giữa hạnh kiểm và vấn đề tâm thần của học sinh, một vấn đề đáng lo và suy nghĩ” PGS.TS.BS NGUYỄN VĂN THỌ |
Trình bày về thực trạng khó khăn tâm lý của học sinh THCS, cô Trần Thị Lệ Thu (ĐH Sư phạm Hà Nội) trong khảo sát 130 học sinh tại Hưng Yên cho biết có 86,2% học sinh cảm thấy thỉnh thoảng gặp “điều khó nói” về giới tính và chỉ 10% ở mức thường xuyên. Nhưng vướng mắc tâm lý khó giải quyết liên quan đến học tập lại xảy ra nhiều hơn. Cụ thể, khối 6 có 89,7% học sinh gặp phải vướng mắc tâm lý, lớp 7 là 100%, lớp 8 là 100% và lớp 9 có 97,5%. Càng về cuối cấp, các em càng cho rằng mức độ vướng mắc tâm lý trong học tập, định hướng nghề nghiệp của mình là rất nghiêm trọng nhưng các em thường phải “âm thầm chịu đựng”.
Lứa tuổi THPT cũng không khá hơn. Khảo sát về áp lực học tập trong 270 học sinh thuộc ba trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Lý Thường Kiệt, THPT Trương Vĩnh Ký, nhóm tác giả do cô Phạm Thị Tâm (khoa công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) báo cáo “Đánh giá tác động của áp lực học tập đến SKTT của học sinh THPT TP.HCM hiện nay” cũng cho những con số đáng lo. Theo đó, có đến 51,1% học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, 47,8% học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký và 46,7% học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt đánh giá chương trình học khá nặng so với khả năng học sinh. Không chỉ vậy, tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở mới là nỗi ám ảnh với các học sinh lứa tuổi THPT, nhất là các em lớp 12.
Cũng theo khảo sát nói trên, có gần 60% học sinh THPT phải làm 6-10 bài tập về nhà/ngày, 67% phải làm trên 10 bài tập về nhà/ngày và con số lớn nhất vẫn rơi vào học sinh khối 12. Chính vì vậy, quỹ thời gian dành cho học tập của học sinh THPT chiếm hết 1/3 thời gian sinh hoạt hằng ngày. Ngoài học chính khóa, số học sinh học thêm 1-2 buổi ở trường chiếm đến 43,53% và học 3-4 buổi là 46,09%. Từ đó, học sinh cảm thấy căng thẳng trong việc học, trong đó có 89,2% cảm thấy căng thẳng vì thời gian dành cho việc học quá nhiều, mức độ rất căng thẳng chiếm đến 49,2%. Mức căng thẳng đó đã khiến 63,8% học sinh giỏi, 76,3% học sinh khá, 52,2% học sinh trung bình trong khảo sát này thấy buồn ngủ. Và 13,6% học sinh khá thấy ăn không ngon, 17,6% chỉ muốn uống nước hoặc sữa và gần 20% thường xuyên bỏ bữa. Thậm chí cô Phạm Thị Tâm kể với nhóm nghiên cứu là các em đang đối mặt với một kỳ thi quan trọng, sợ làm bài không tốt, sợ gia đình sẽ thất vọng và khi nghĩ đến những điều đó thì các em chỉ muốn… “nổ tung”.
Nghiên cứu rồi “quên dùng”
Trao giải thưởng Tài năng trẻ tâm lý học – giáo dục học Tại hội thảo, Quỹ tài năng trẻ tâm lý học – giáo dục học Việt Nam đã chính thức công bố và trao giải thưởng Tài năng trẻ tâm lý học – giáo dục học cho hai cá nhân là TS Trần Văn Công (ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS Nguyễn Minh Anh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM). Các tiến sĩ trên được chọn trao giải vì những đóng góp xuất sắc cho ngành tâm lý học – giáo dục học còn non trẻ của Việt Nam. Giải thưởng được trao hai năm một lần và dành cho các cá nhân dưới 40 tuổi. |
Tuy học sinh bị căng thẳng, áp lực nhưng giáo viên, nhà trường, gia đình, xã hội và cả bản thân học sinh vẫn không hiểu được những áp lực này, thậm chí đánh đồng hạnh kiểm với SKTT. PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ, trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn Trường ĐH Văn Hiến, kể rằng một lần nhóm nghiên cứu của ông đã “cứu giúp” được ba học sinh bậc THPT tại Đồng Nai vì nhà trường đánh đồng giữa hạnh kiểm và SKTT nên có ý định đuổi học các em. “Nhiều trường học hiện nay vẫn thường đánh đồng giữa hạnh kiểm và vấn đề tâm thần của học sinh, một vấn đề đáng lo và suy nghĩ” – PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ nhận xét.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tâm lý học tại hội thảo, mô hình chăm sóc SKTT cho học sinh trên thực tế đã được nghiên cứu ở Việt Nam từ năm 1995. Đó là dự án SKTT học sinh trường học tại Hà Nội do Trung tâm SKTT quốc tế và Sở Y tế Hà Nội là cơ quan điều phối. Dự án tiến hành đến năm 2006 với mục tiêu là thành lập mô hình dịch vụ chăm sóc SKTT học sinh trường học có thể nhân rộng. Trong ngắn hạn là đánh giá SKTT của học sinh Hà Nội, xây dựng mạng lưới can thiệp sớm tại tuyến y tế cơ sở, y tế trường học… Nhưng đến nay mạng lưới chăm sóc SKTT học sinh của Hà Nội vẫn chưa được công bố. Tại tỉnh Đồng Nai, mô hình mạng lưới chăm sóc SKTT với ba thành tố: bệnh viện tâm thần (hoặc trung tâm tham vấn tâm lý), nhà trường (phòng tham vấn tâm lý) và gia đình được PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ nghiên cứu xây dựng năm 2000. Mô hình này khám xét toàn diện, thảo luận mạng lưới đề ra chiến lược giải quyết.
Một mô hình khác do BS Ngô Thành Phong thực hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu với bốn nhân tố chủ yếu gồm: trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em, trung tâm bảo vệ trẻ em tỉnh, gia đình, nhà trường được nghiệm thu năm 2014. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ cho biết trên cả nước hiện nay chưa có mô hình chăm sóc SKTT học sinh nào được vận hành và những mô hình nói trên vẫn nằm trong các dự án nghiên cứu.
Trong khi đó, các đại biểu tại hội thảo đã dẫn ra nhiều nghiên cứu cho biết ở các nước đang phát triển, việc chăm sóc SKTT của học sinh được tiếp cận toàn diện, đa khía cạnh. Đó là thực hiện nhờ vào sự đan kết các nguồn lực nhà trường, gia đình và các cộng đồng để tối ưu hóa sự can thiệp. Tại Việt Nam, công tác này ở trong trường học rất rời rạc, non yếu. Ngay cả việc triển khai tư vấn tâm lý trong các trường cũng đang gặp nhiều trục trặc, hầu như chưa được triển khai và công nhận về mặt nhân sự. Theo TS Trần Văn Công (ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội), để xây dựng một mô hình chăm sóc SKTT trong nhà trường một cách đồng bộ, ngoài nâng cao nhận thức về SKTT của học sinh, phải có một chính sách rõ ràng, phù hợp về tài chính, đội ngũ, phối hợp nguồn lực…
Người lớn là tác nhân tạo ra rối loạn tâm lý Chuyên gia tâm lý Trần Thị Tú Anh (ĐH Sư phạm – ĐH Huế) nhận xét người lớn thường chính là tác nhân tạo ra những rối loạn tâm lý cho trẻ, sau đó mới quay lại than trách, chữa bệnh. Nghiên cứu của nhóm tác giả Phạm Thị Tâm cho biết 70% phụ huynh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong yêu cầu con cái mình đạt điểm cao, 62,2% đối với Trường THPT Trương Vĩnh Ký và 67,8% đối với Trường THPT Lý Thường Kiệt. Nhưng đó còn là sự cộng hưởng của cả nhà trường và xã hội. Sách giáo khoa tăng lên theo lớp học, cấp học, lớp 2 chỉ 12 cuốn mà lớp 7 là 25 cuốn, lớp 9 thì 23 cuốn, lớp 11 cũng 23 cuốn. Theo nhiều đại biểu, số lượng sách giáo khoa đó cũng là bằng chứng hùng hồn về chương trình không hề được giảm tải… |
MỸ DUNG – THÁI BÌNH