Cháy hết mình sẽ tỏa hương thơm
“Người khuyết tật hoàn toàn có thể làm được ít nhất một công việc có ích cho đời và sẽ nhận được phần thưởng lớn lao từ cuộc đời. Hãy như một nén nhang nhỏ bé, đốt cháy hết mình sẽ toả hương thơm ngát”.
Cháy hết mình sẽ tỏa hương thơm
Trần Thanh Sơn (ngồi) nhận bằng thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng
Đó là tâm sự của Trần Thanh Sơn – chàng trai khuyết tật đầu tiên nhận hai bằng thạc sĩ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – khi nói về động lực phấn đấu vươn lên chinh phục ước mơ của mình.
Phụ thuộc nhưng không lệ thuộc
“Đừng nghĩ mình là người khuyết tật mà cứ xem mình như mọi người bình thường khác thì mới tự tin được. Những người bình thường ngại tiếp xúc với người khuyết tật. Họ sợ làm bạn tổn thương. Phải xóa đi khoảng cách đó, cần chủ động nói chuyện với mọi người” TRẦN THANH SƠN |
Nhiều người có mặt trong buổi trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ do Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tổ chức tháng 6-2014 xúc động trước hình ảnh Trần Thanh Sơn được một người cõng lên sân khấu nhận bằng thạc sĩ. Tiếng vỗ tay dưới khán phòng liên tục nổ giòn chúc mừng và khâm phục trước nghị lực vượt khó của chàng trai trẻ khuyết tật này. Trước đó (ngày 10-5), Sơn cũng đã nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Ít người biết suốt 30 năm qua chàng trai khuyết tật này phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ đôi chân Sơn bị liệt hoàn toàn, sự vận động của đôi tay cũng rất khó khăn do bị rời khớp, không giơ lên được. Vì thế mọi sinh hoạt từ việc tắm rửa, vệ sinh, đi lại… Sơn đều cần người phụ giúp. Ba Sơn ngày trước là bộ đội, bị nhiễm chất độc da cam. Đến khi được 9 tháng tuổi Sơn bị sốt bại liệt…
Từ tấm bé Sơn đã biết suy nghĩ mình phải học giỏi thì bạn bè mới không trêu chọc. Năm 2002, việc cậu học trò khuyết tật của Trường THPT Chu Văn An (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) Trần Thanh Sơn trúng tuyển ĐH ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) ngay lần thi đầu tiên tuy không quá bất ngờ nhưng đã khiến bạn bè nể phục. “Tôi thấy mình còn may mắn vì luôn được bạn bè giúp đỡ. Cũng nhờ bạn bè đã tạo động lực học tập và tôi luôn giữ được thành tích học tập tốt” – Sơn tâm sự.
Trần Thanh Sơn cho rằng rào cản lớn nhất của người khuyết tật chính là sự mặc cảm, tự ti của bản thân: “Người ta thường nghĩ người khuyết tật không đủ sức khỏe, phải sống phụ thuộc vào người khác, là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng, không thể tham gia các hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt xã hội. Các bạn khuyết tật không nên tự ti, quan trọng là sự kiên trì, phải có quyết tâm. Làm gì cũng cần phải có mục tiêu, từ đó có động lực để mình phấn đấu. Có thể bạn sống phụ thuộc vào người nhưng đừng để lệ thuộc vào ai đó”.
ThS Nguyễn Ngọc Thái (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: “Trước đây khi còn làm việc ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên tôi từng gặp Sơn. Qua tìm hiểu tôi biết Sơn bị khuyết tật rất nặng. Lúc đó tôi rất lo ngại Sơn không đủ sức khỏe để theo học ĐH. Biết Sơn đi lại phải có người cõng, tôi từng bố trí lại tất cả phòng học của lớp Sơn xuống tầng trệt. Nay Sơn đã thật sự khiến tôi bất ngờ khi cùng một lúc hoàn thành hai chương trình thạc sĩ, một việc không đơn giản ngay cả với những người bình thường”.
Ba lần thi trượt cao học
Giúp người khuyết tật vươn lên Trong khi chờ đợi có được một công việc phù hợp, tân thạc sĩ khuyết tật Trần Thanh Sơn vẫn tiếp tục mở các lớp dạy tiếng Anh ở nhà và làm gia sư để kiếm sống. Nhưng không phải đợi đến lúc có thật nhiều tiền anh mới nghĩ đến chuyện đóng góp cho cộng đồng. Từ hè năm 2013, trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở Q.1 (TP.HCM) đã khá quen thuộc với thầy Sơn ở lớp học hè tại UBND P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Hiện nay, mỗi sáng thứ tư và thứ sáu hằng tuần Sơn vẫn đều đặn đến dạy tại Trường dạy nghề vừa học vừa làm 15-5 (Q.1). Sơn mong tạo dựng một cơ sở dạy tiếng Anh, tin học cho người khuyết tật. Sơn nói hiện nay nhiều người khuyết tật trong xã hội cần sự giúp đỡ để hòa nhập cộng đồng. Theo Sơn, chỉ có kiến thức mới giúp người khuyết tật vươn lên và tự tin hơn trong cuộc sống. Sơn muốn mang kiến thức của mình giúp những bạn trẻ khuyết tật, khó khăn. |
Nói về chuyện học và chọn nghề, Trần Thanh Sơn chia sẻ mọi quyết định của anh đều xuất phát từ nhu cầu bản thân. Sơn học giỏi toán và tìm hiểu thấy ngành công nghệ thông tin phù hợp với sức khỏe mình nên chọn thi ĐH. Vào ĐH, khó khăn lớn nhất với Sơn là hòa nhập cuộc sống sinh viên, lần đầu tiên xa gia đình Sơn phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè. Một chuyện tưởng chừng hết sức đơn giản với một sinh viên công nghệ thông tin bình thường là đánh máy tính nhưng vì đôi tay quá yếu ớt Sơn phải khổ luyện cả tháng mới được.
Anh tâm niệm đã thi đậu vào ĐH thì ai cũng như ai, dù mình có thua thiệt về sức khỏe càng cần phải chịu khó. Sơn luôn xác định nếu buồn về số phận của mình sẽ không giải quyết được việc gì và cần cố gắng phấn đấu vươn lên. Đó là yếu tố quyết định giúp thành công trong học tập. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ Sơn nghĩ đến chuyện bỏ học.
Tốt nghiệp ĐH, Sơn cố tìm cho mình một công việc nhưng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp từ chối tuyển dụng một nhân viên khuyết tật nặng như Sơn. Không chịu bỏ cuộc, Sơn lao vào săn lùng công việc và cuối cùng cũng đã tìm được một số việc phù hợp với mình như dịch thuật tiếng Anh, viết phần mềm, dạy kèm tiếng Anh… để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Sơn tâm niệm muốn giúp người khác trước hết phải tự lo được cho mình, hạn chế sự lệ thuộc vào người khác. Anh đã nghĩ đến hướng công việc dạy học và quyết định học lên cao học để trang bị thêm kiến thức cần thiết cho mình. Năm 2007 Sơn quyết định thi cao học ngành công nghệ thông tin ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) nhưng không trúng tuyển. Năm 2008 thi lại vẫn không đậu và năm 2009 anh thi lại vẫn rớt. Cùng thời gian này Sơn thử sức dự thi cao học quản trị kinh doanh ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và đã trúng tuyển. Vẫn không từ bỏ ước mơ của mình, Sơn vừa theo học lớp cao học kinh tế vừa tiếp tục ôn luyện… Để năm 2010 Sơn lại thi cao học vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên và lần này anh đã trúng tuyển.
Sơn tâm sự: “Trong cuộc sống tôi luôn cần sự giúp đỡ của người khác vì thế tôi phải có tiền để chi trả cho người giúp mình… Tôi chọn học thêm kinh tế cũng xuất phát từ nhu cầu chính bản thân mình, phải học cách kiếm tiền và để biết cách quản lý đồng tiền. Muốn giúp người nghèo trước hết mình không phải là người nghèo”.
TRẦN HUỲNH