Tại sao chúng ta sợ hàng Thái
Việc tỉ phú giàu thứ 3 Thái Lan, ông chủ của Tập đoàn Berli Jucker (BJC), đã đạt được thoả thuận mua lại chuỗi bán sỉ Metro VN khiến không ít nhà sản xuất trong nước lo ngại khi phải đối mặt với cuộc đổ bộ của hàng Thái. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta sợ hàng Thái khi hàng hoá nước này đã có mặt ở VN từ rất lâu?
Tại sao chúng ta sợ hàng Thái
Việc tỉ phú giàu thứ 3 Thái Lan, ông chủ của Tập đoàn Berli Jucker (BJC), đã đạt được thoả thuận mua lại chuỗi bán sỉ Metro VN khiến không ít nhà sản xuất trong nước lo ngại khi phải đối mặt với cuộc đổ bộ của hàng Thái.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta sợ hàng Thái khi hàng hoá nước này đã có mặt ở VN từ rất lâu?
Tại sao lại là hàng Thái mà không phải là những thương hiệu đình đám khác trên thế giới đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường nội địa? Tại sao nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra vui mừng đón hàng Thái trong khi chúng ta đang kêu gọi sử dụng hàng Việt?
Câu trả lời là vì hàng Thái khá đồng dạng với hàng hoá trong nước nhưng chất lượng thì hơn hẳn và giá thành cũng rất cạnh tranh. Hơn nữa, cuộc đổ bộ lần này thực sự rất lớn khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm tài chính 2012 – 2013 đạt hơn 690 triệu USD. Với “tập quán” đi đâu đưa hàng hóa trong nước theo tới đó, khi hệ thống bán buôn lớn nhất VN thuộc về tay họ, chắc chắn hàng Thái chảy khắp VN. Điều này cũng đã xảy ra khi người Thái đầu tư và đổi tên Family Mart thành B’s mart. Hiện trên 60% hàng hoá trong các cửa hàng này đến từ xứ sở chùa vàng. Ngoài ra, khá đông người tiêu dùng nội địa đang có tâm lý sợ các loại hàng không rõ nguồn gốc, hàng giá rẻ nhưng độc hại nên sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho tiêu dùng. Đó là cơ hội cho hàng Thái “điền” vào phân khúc giữa, phân khúc được đánh giá là cơ hội của hàng Việt.
Chỉ tiếc rằng, sau hàng chục năm chọn phân khúc này vừa để tránh đối đầu với hàng giá rẻ Trung Quốc, vừa định vị hàng hoá ở Việt với chất lượng cao hơn, chúng ta vẫn chưa thể xây dựng hình ảnh, uy tín cho hàng Việt. Chất lượng thiếu đồng bộ, giao hàng lần thứ 2, thứ 3 không giống lần đầu khiến nhiều đối tác nước ngoài phạt hợp đồng, trả lại hàng vẫn diễn ra nhiều năm nay; rồi dịch vụ hậu mãi kém, thiếu chuyên nghiệp là nguyên nhân khi nói đến hàng Việt, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng. Và khi có sự lựa chọn đồng dạng, họ khá dễ dàng quay lưng với hàng trong nước.
Đã không ít người kinh ngạc khi thấy trái cây trong nước rẻ hơn vẫn ế đầy chợ trong khi người ta sẵn sàng bỏ tiền trăm mua táo Mỹ, bỏ tiền triệu ăn thịt nhập… Ở phía xuất khẩu, mới nhất là câu chuyện lô cá ngừ đầu tiên của ngư dân Bình Định xuất khẩu sang Nhật đấu giá gấp 4 – 5 lần trong nước khi được áp dụng kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản do nước này hướng dẫn, chuyển giao… Những điều này cho thấy người tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng quan tâm đến sức khoẻ, đến môi trường sống và họ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm có chất lượng cao, ngay cả trong giai đoạn kinh tế toàn cầu khó khăn. Vì vậy, nếu không chấn chỉnh, không xây dựng uy tín trong vấn đề chất lượng, về thời gian, về an toàn thực phẩm, về môi trường… thì không chỉ sợ hàng Thái, chúng ta sẽ còn sợ hàng hoá của rất nhiều nước đang chờ cơ hội chảy mạnh vào thị trường VN khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Nguyên Khanh